Một xã ở Hà Nội không có hộ nghèo, nhiều hộ xây được biệt thự nhờ trồng rau an toàn
Một xã ở Hà Nội không có hộ nghèo, nhiều hộ xây được biệt thự nhờ phát triển mô hình này
Đức Thịnh
Thứ hai, ngày 03/04/2023 08:37 AM (GMT+7)
Nhờ trồng rau an toàn và làm các dịch vụ sản xuất, tiêu thụ rau an toàn, xã Vân Nội, huyện Đông Anh, Hà Nội từ một xã khó khăn với tỷ lệ hộ nghèo cao đến nay đã trở thành xã có thu nhập khá. Hiện nay, toàn xã Vân Nội không có hộ nghèo.
Dẫn đoàn công tác Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đi thăm các mô hình sản xuất rau an toàn trên địa bàn xã, ông Nguyễn Văn Hành – Phó Bí thư Thường trực Đảng uỷ xã Vân Nội phấn khởi cho biết: Nhờ trồng rau an toàn và làm các dịch vụ sản xuất, tiêu thụ rau an toàn, nông dân trong xã ai cũng khá, giàu. Năm 2022, thu nhập bình quân của người dân trong xã lên đến 79,25 triệu đồng/năm.
"Hiện nay, toàn xã Vân Nội không có hộ nghèo. Nhờ sản xuất, kinh doanh tiêu thụ rau an toàn, nhiều công ty, HTX trên địa bàn xã có doanh thu vài tỷ đồng/năm. Nhiều hộ còn xây được biệt thự và mua ô tô nhờ sản xuất và kinh doanh tiêu thụ rau an toàn"- ông Hành thông tin.
Trao đổi về tình hình địa phương, lãnh đạo xã Vân Nội cho biết: Xã Vân Nội có truyền thống làm rau, màu từ lâu đời, nhưng do chủ yếu sản xuất theo kinh nghiệm nên năng suất, hiệu quả không cao, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn.
Từ năm 1995, thực hiện chủ trương của TP Hà Nội và huyện Đông Anh về phát triển nông nghiệp sạch, nông dân trong xã đã được hỗ trợ đầu tư cơ sở, vật chất, kỹ thuật để sản xuất và tiêu thụ rau an toàn. Nhờ đó, rau Vân Nội đã có thương hiệu và dần phát triển.
"Thay vì trồng nhiều loại rau trên một vùng đất, xã Vân Nội định hướng người dân và các HTX trên địa bàn xã chuyên canh trồng rau an toàn. Vùng chuyên canh giúp người dân dễ quản lý, chăm sóc, điều tiết nước tưới và dễ dàng trong khâu tiêu thụ sản phẩm.
Bên cạnh đó, rau chuyên canh mang lại cơ hội việc làm và nguồn thu nhập ổn định, đảm bảo cuộc sống cho các hộ nông dân. Hiện nay, xã đã quy hoạch phát triển vùng chuyên canh theo mô hình cánh đồng mẫu lớn với diện tích 110 ha, chiếm gần 50% diện tích đất nông nghiệp ở xã Vân Nội"- ông Hành cho biết.
Thu nhập tiền tỷ nhờ sản xuất, tiêu thụ rau an toàn
Theo lãnh đạo xã Vân Nội, nhờ đầu tư trồng rau an toàn bài bản, giá trị thu nhập tăng nhanh từ 1ha năm 1995 đạt khoảng 37 triệu/ha, đến năm 2022 đạt 610 triệu đồng/ha. Từ một xã khó khăn năm 1995 với trên tỷ lệ hộ nghèo 10,3% đến năm 2022 Vân Nội trở thành xã có thu nhập khá, không có hộ nghèo.
Đáng chú ý, không chỉ đơn thuần phát triển sản xuất rau an toàn và người dân xã Vân Nội còn đẩy mạnh các dịch vụ sản xuất và tiêu thụ rau an toàn.
Trên địa bàn xã Vân Nội hiện có 1 chợ truyền thống và 1 chợ đầu mối (diện tích 2,9ha) chuyên bán buôn, bán lẻ rau củ quả lớn nhất thành phố Hà Nội, tiêu thụ một ngày trên 200 tấn rau củ quả. Hiện nay trên địa bàn xã Vân Nội có 10 HTX và 2 công ty tiêu thụ rau an toàn với trên 200 xã viên, tiêu ở hơn 300 cửa hàng bếp ăn. Năm 2022, nhiều công ty, HTX trên địa bàn xã có doanh thu vài tỷ đồng/năm.
Là một trong những HTX hoạt động hiệu quả ở xã Vân Nội, bà Nguyễn Thị Huyền - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Ba Chữ cho biết: HTX chuyên sản xuất các loại rau ăn lá với 150 thành viên, hoạt động theo Luật HTX từ năm 2016. Với nhiệm vụ vừa kinh doanh, vừa liên kết sản xuất, tiêu thụ rau an toàn với các đơn vị và trường học trên địa bàn, từ khi thành lập đến nay, HTX chưa bao giờ phải lo đầu ra.
Cũng theo bà Huyền, hiện nay, HTX có hơn 30 chủng loại sản phẩm rau đa dạng, phong phú rải đều các vụ trong năm. Mỗi luống rau sạch đều được các thành viên HTX chăm bón tỉ mỉ theo tiêu chuẩn PGS (hệ thống bảo đảm có sự tham gia của các hộ, nhóm hộ, liên nhóm hộ giám sát chéo nội bộ) và ghi chép nhật ký sản xuất.
Các sản phẩm rau an toàn sau khi được thu hoạch sẽ được sơ chế và phân phối ra thị trường qua các thương lái, các công ty và các chuỗi cửa hàng cung ứng cho người tiêu dùng. Nhờ sản xuất và kinh doanh tiêu thụ rau an toàn, mỗi hộ thành viên HTX có doanh thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Không chỉ hướng đến những sản phẩm an toàn, từ năm 2019, Hợp tác xã Ba Chữ còn mạnh dạn đăng ký tham gia chương trình OCOP của Thành phố Hà Nội. Sau hơn 3 năm, HTX Ba Chữ đã có 11 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao, bao gồm rau cải chíp, rau cải ngồng, , rau cải xanh, cải bó xôi, rau mùng tơi, xà lách xoăn, rau muống…
Nói về phương hướng phát triển sản xuất trong thời gian tới, Phó Bí thư Thường trực Đảng uỷ xã Vân Nội Nguyễn Văn Hành cho biết: Diện tích đất sản xuất ngày càng thu hẹp do quá trình đô thị huyện lên quận, xã thành phường, do đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Vân Nội xác định đẩy mạnh phát triển sản xuất và tiêu thụ rau an toàn, nâng cao giá trị sản xuất trên ha canh tác là nhiệm vụ trọng tâm. Đồng thời, nâng diện tích rau an toàn lên 120 ha, phát triển một số vùng sản xuất con giống, trồng hoa cây cảnh… Bên cạnh, xã tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng các HTX dịch vụ nông nghiệp và HTX tiêu thụ; giữ vững thương hiệu rau an toàn Vân Nội.
Sau khi nghe báo cáo và thăm quan thực tế một số mô hình sản xuất, tiêu thụ rau an toàn của nông dân xã Vân Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Xuân Định cùng các thành viên trong đoàn công tác đánh giá cao hiệu quả mô hình trồng rau an toàn trên địa bàn xã Vân Nội.
Nhấn mạnh, sự phát triển của các mô hình ứng dụng KHKT, sản xuất nông nghiệp gắn với tiêu thụ cho thấy những chuyển biến mạnh mẽ về tư duy, cách làm của nông dân, qua đó, đem lại thu nhập ổn định cho nông dân, xoá hộ nghèo, tăng hộ khá, giàu, góp phần phát triển kinh tế, xã hội của địa phương; Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho rằng, kết quả khảo sát tại xã Vân Nội, huyện Đông Anh sẽ giúp đoàn có thêm tư liệu trong công tác Hội và phong trào nông dân cũng như việc nhân rộng các mô hình hiệu quả hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế.
Phó Chủ tịch Nguyễn Xuân Định cũng đề nghị, trong thời gian tới Hội Nông dân thành phố Hà Nội, huyện Đông Anh tiếp tục huy động nguồn lực, có chính sách động viên, hỗ trợ nông dân khai thác tiềm năng lợi thế, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao thu nhập cho hội viên nông dân, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.