Làm nông nghiệp hữu cơ: Tốt nhưng tránh theo phong trào, ảo tưởng

Nguyên Vỹ Thứ bảy, ngày 09/02/2019 06:40 AM (GMT+7)
Phương thức sản xuất nông nghiệp hữu cơ (NNHC) đòi hỏi những yêu cầu khắc khe nên thị trường rất hạn chế. TS. Nguyễn Văn Bộ, nguyên Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho rằng cần ủng hộ sản xuất NNHC nhưng tránh tư duy phong trào, cực đoan và tạo ra ảo tưởng.
Bình luận 0

Ông có thể đánh giá sơ bộ vị trí của NNHC Việt Nam so với thế giới?

Thống kê cho thấy, trong 10 năm gần đây, sản xuất NNHC của Việt Nam tăng hơn 6 lần; từ 12.200 ha năm 2007 lên 77.000 ha năm 2016, song vẫn chỉ xếp thứ 3 trong khu vực Asean, sau Philipin (198.309ha) và Indonesia (126.014ha). Còn xét về cơ cấu, sản phẩm trồng trọt hữu cơ chỉ chiếm 45%, còn lại chủ yếu là sản phẩm thủy sản hữu cơ và thu hái tự nhiên.

img

TS. Nguyễn Văn Bộ, nguyên Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Nguyên Vỹ

Xem xét các sản phẩm tiềm năng của Việt Nam, chúng ta không có tên trong 10 nước sản xuất lương thực hữu cơ, cho dù thế giới có trên 400.000 ha lúa hữu cơ; 450.000 ha ngô hữu cơ. Chúng ta xuất khẩu cà phê thứ hai thế giới, song trên bản đồ cà phê hữu cơ cũng không có tên Việt Nam.

Dù có thế mạnh với đa dạng khí hậu, song diện tích rau hữu cơ chỉ đạt 192ha, chưa bằng 30% diện tích của Thái Lan. Rất may, chúng ta xếp thứ 4 thế giới về nuôi trồng thủy sản hữu cơ, song cũng chỉ có trên 10.000 ha (chiếm 2,6% so  toàn cầu). Trong nước, NNHC vẫn chiếm một tỷ trọng rất nhỏ, không đáng kể trong tổng sản lượng nông nghiệp.

Như thế, NNHC Việt Nam có nhiều cơ hội không thưa ông?

Hiện nay, NNHC thực sự là cơ hội cho nông nghiệp Việt Nam, nhất là khi giá bán các nông sản đang xuống thấp, chất lượng và VSATTP chưa được kiểm soát hiệu quả. Cơ hội cho phát triển NNHC sẽ ngày càng cao do nhu cầu trong nước và quốc tế tăng mạnh đối với những sản phẩm an toàn. Vì thế, một số sản phẩm hữu cơ đã có chỗ đứng vững trên thị trường như rau, chè, thịt hữu cơ...

img

Người tiêu dùng có nhu cầu ngày càng cao với những sản phẩm an toàn. Ảnh: Nguyên Vỹ

Quá trình tái cơ cấu nền nông nghiệp đang có xu hướng giảm diện tích gieo trồng lúa, giảm xuất khẩu gạo để gieo trồng nhiều hơn các giống lúa chất lượng, nâng cao tỷ lệ giống đặc sản, bản địa có chất lượng. Như vậy, cơ hội trở lại canh tác hữu cơ với một số giống lúa đặc sản bản địa là hiện hữu.

Với điều kiện tự nhiên đa dạng, NNHC có cơ hội cho ngành hàng rau, nấm, trái cây, dừa, chè, cây gia vị, cây làm thuốc, thủy sản, nuôi ong và một tỷ lệ nhất định với cà phê, hồ tiêu.

Vậy những thách thức nào còn chờ phía trước?

Đúng là sản xuất NNHC ở nước ta gặp phải không ít khó khăn, thách thức. Trước hết, để đảm bảo an ninh lương thực, Việt Nam phải tăng năng suất và chỉ có con đường hóa học hóa. Đây cũng là xu thế của các nước đang phát triển.

Hai là, thách thức về thu nhập, sự phức tạp về quá trình sản xuất và giám sát, chứng nhận. Đa số nông dân chưa muốn chuyển đổi sang sản NNHC do sức hấp dẫn về thu nhập chưa được chứng minh, thị trường không được cam kết. Thêm vào đó, quy trình sản xuất khắt khe, chi phí sản xuất cao.

img

Đa số nông dân chưa muốn chuyển đổi sang sản NNHC do sức hấp dẫn về thu nhập chưa được chứng minh. Ảnh: Nguyên Vỹ

Ba là, thách thức về quản lý. Đến nay, nước ta chưa có khung pháp lý đồng bộ cho sản xuất, chứng nhận và giám sát quá trình sản xuất. Cho nên toàn bộ khâu chứng nhận phải thuê nước ngoài, rất tốn kém cho qui mô sản xuất còn nhỏ lẻ của chúng ta.

Bốn là thách thức về quy mô và hiệu quả sản xuất. Phần lớn các doanh nghiệp và hộ sản xuất NNHH còn nhỏ lẻ, chủ yếu dựa vào các dự án hỗ trợ của quốc tế, doanh nghiệp. Về tổng thể, chua có quy hoạch hay định hướng đối tượng cũng như thị trường cho sản phẩm hữu cơ... Mọi việc gân như tự phát.

Năm là, thách thức về môi trường. Bản thân sử dụng phân hữu cơ liều lượng cao cũng có những nguy cơ gây ô nhiễm môi trường như tích lũy kim loại nặng, vi sinh vật độc hại (trứng giun, E. coli...) hay quá trình phú dưỡng nguồn nước.

Vậy chúng ta nên có thái độ như thế nào đối với NNHC?

Nhìn vào sự phát triển của NNHC toàn cầu, có thể thấy rõ: thị trường NNHC tập trung ở các nước phát triển, thu nhập cao. Còn việc sản xuất thì tập trung ở các nước đất rộng, người thưa, không chịu áp lực về dân số, an ninh lương thực.

img

Ngày càng có nhiều doanh nghiệp đầu tư và sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Ảnh: Nguyên Vỹ

Vấn đề quan trọng không phải chúng ta sản xuất gì mà là chúng ta sản xuất để bán cho ai, theo tiêu chuẩn nào và thu nhập phải cao hơn sản xuất theo phương pháp thông thường.

Do vậy, chúng ta cần ủng hộ những trang trại, doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hữu cơ nếu hội đủ điều kiện về hạ tầng và thị trường. Vì phương thức canh tác này không chỉ cho ra sản phẩm an toàn mà còn giúp bảo vệ đa dạng sinh học, môi trường và mang tính xã hội sâu sắc.

Tuy nhiên, sản xuất sản phẩm gì, quy mô nào, theo chứng nhận của ai lại hoàn toàn phụ thuộc vào yêu cầu của thị trường, tránh tư duy phong trào, cực đoan và duy ý chí, tạo ra ảo tưởng

Cần làm gì để phát triển NNHH thành công ở Việt Nam?

Trước hết, cần có sự lựa chọn chính xác chủng loại sản phẩm và vùng sản phẩm thích hợp cho các thị trường xác định. Trong đó ưu tiên sản phẩm đặc sản, bản địa, gắn với nông nghiệp du lịch tại các vùng ít bị ảnh hưởng bởi môi trường ô nhiễm. Chúng ta đang có lợi thế về các sản phẩm hữu cơ như thủy sản, dược liệu, mật ong, dừa và một phần cà phê, chè, cây ăn quả.

img

Nuôi trồng thủy sản là cơ hội tốt cho sản xuất sản phẩm hữu cơ. Ảnh: Nguyên Vỹ

Diện tích đất canh tác trên đầu người ở ta thuộc loại thấp, dân số tăng nhanh; trong khi diện tích mặt nước lớn mà chưa được khai thác nhiều. Do vậy, trồng trọt vẫn theo hướng thâm canh, hóa học hóa là chủ yếu. Còn nuôi trồng thủy sản lại là cơ hội tốt cho sản xuất sản phẩm hữu cơ với tỉ lệ cao. Cần sớm hoàn thiện bộ tiêu chuẩn sản phẩm thủy sản hữu cơ.

Thị trường là yếu tố quyết định đến sự thành bại của sản xuất NNHC Việt Nam. Phát triển NNHC đòi hỏi sự ủng hộ của Nhà nước và các địa phương bằng chính sách cụ thể, hiệu quả từ quy hoạch đến hỗ trợ chế biến và thương mại.

Cần tăng cường công tác phổ biến về vai trò của sản phẩm hữu cơ; nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp, người sản xuất, người tiêu dùng và cả nhà quản lý về việc tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất, giám sát, chứng nhận.

Về kỹ thuật cần có các chương trình nghiên cứu ổn định và cải thiện hàm lượng hữu cơ trong đất, tăng cường chu trình hữu cơ với việc tái sử dụng tối đa các nguồn chất thải chăn nuôi, trồng trọt.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem