Làm nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn đừng chộp giật, nửa vời, vật nuôi hữu cơ cũng cần được tôn trọng
Làm nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn đừng chộp giật, nửa vời, vật nuôi hữu cơ cũng cần được tôn trọng
Văn Long
Thứ sáu, ngày 25/08/2023 16:12 PM (GMT+7)
Để phát triển nông nghiệp bền vững, sản xuất hữu cơ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm thì các cá nhân, tổ chức thực hiện phải đảm bảo 4 nguyên tắc: “Sức khỏe, sinh thái, cân bằng và cẩn trọng”.
Sáng ngày 25/8, tại TP.Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Lâm Đồng tổ chức Diễn đàn khuyến nông @ nông nghiệp với chủ đề "Phát triển nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn gắn với bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học".
Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, tại Việt Nam hiện có khoảng 500.000ha diện tích đất sản xuất nông nghiệp hữu cơ trong tổng số 11,53 triệu ha đất sản xuất nông nghiệp. Cả nước hiện có 46/63 tỉnh thành đang thực hiện và có phong trào sản xuất nông nghiệp hữu cơ, với sự tham gia của 100 công ty và 17.000 nông dân.
Kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm hữu cơ đạt khoảng 335 triệu USD/năm. Các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ của nước ta chủ yếu gồm gạo, tôm, dừa, cà phê, sữa, trà, rau, trái cây...
Mô hình trồng rau hữu cơ của chị em phụ nữ người Chu Ru tại huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Nguyễn Văn Châu – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng cho biết, trong những năm gần đây, nông nghiệp của tỉnh Lâm Đồng đã có bước phát triển vượt bậc và trở thành ngành kinh tế chủ lực, chiếm hơn 40% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh.
Trong quá trình phát triển nông nghiệp, việc ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, trong đó có sử dụng chất hóa học giúp thâm canh, tăng năng suất, sản lượng cây trồng vật nuôi đã một phần tác động xấu đến môi trường, ảnh hưởng tới sức khỏe người sản xuất cũng như người tiêu dùng.
Mô hình nuôi cá tầm theo tiêu chuẩn VietGAP của anh Huỳnh Ngọc Thu tại xã Rô Men, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng.
Chính vì vậy, trong những năm qua, tỉnh Lâm Đồng đã triển khai thực hiện Đề án phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2025. Bên cạnh đó, tỉnh cũng có cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển kinh tế tuần hoàn gắn với bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học.
"Hiện nay, tỉnh Lâm Đồng đã xác định được 171 vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn toàn tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh xây dựng và ban hành 17 quy trình tạm thời về sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên các đối tượng cây trồng, vật nuôi chủ lực trên địa bàn tỉnh bao gồm: Rau ăn lá, rau ăn quả, rau ăn củ, củ năng, lúa, chè, cà phê, sầu riêng, bơ, chuối, mắc ca, atiso, nấm rơm, đương quy, bò sữa, bò thịt và gà đẻ trứng..." - ông Châu thông tin.
Cũng theo đại diện lãnh đạo Sở NNPTNT Lâm Đồng, đến nay địa phương đã xây dựng được 14 mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ như cà phê, lúa, mắc ca, rau ăn củ, củ năng, măng tây, chè, gà đẻ trứng để người dân học tập và từng bước nhân rộng.
Đồng thời, tổ chức được 30 lớp với 1.140 lượt người tham dự đạt 85,7% mục tiêu đề án, nội dung phổ biến các tiêu chuẩn, quy chuẩn nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam, các quy trình sản xuất trồng trọt và chăn nuôi hữu cơ...
Ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cùng đoàn công tác thăm mô hình trồng hoa cúc tại TP.Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.
Trong khi đó, Tiến sĩ khoa học Hà Phúc Mịch – Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam cho hay, nhằm mục đích nâng cao chất lượng sản phẩm và đảm bảo phát triển nông nghiệp bền vững, sản xuất hữu cơ cần đảm bảo 4 nguyên tắc: Sức khỏe, sinh thái, cân bằng và cẩn trọng.
Tiến sĩ Hà Phúc Mịch giải thích: "Nông nghiệp hữu cơ cần đảm bảo và tăng cường sức khoẻ của đất, của cây trồng, động vật, con người và cả hành tinh như một thể thống nhất không thể tách rời. Đất "khoẻ" tạo ra cây trồng khỏe, để nuôi dưỡng sức khoẻ của vật nuôi và con người. Vai trò của nông nghiệp hữu cơ dù là trong nuôi trồng, chế biến, tiêu thụ hay tiêu dùng thì đều cần đảm bảo duy trì và tăng cường sức khoẻ của hệ sinh thái và các sinh vật sống từ nhỏ nhất ở trong đất đến con người.
Nông nghiệp hữu cơ cần xây dựng trên mối quan hệ đảm bảo tính công bằng cùng với sự quan tâm đến môi trường chung và những cơ hội sống cho tất cả các sinh vật.
Nguyên tắc này nhấn mạnh rằng tất cả những gì có liên quan đến nông nghiệp hữu cơ cần đối xử trong mối quan hệ như con người, đảm bảo công bằng với tất cả các tầng lớp và các bên liên quan: Nông dân - công nhân - trí thức - nhà phân phối - thương nhân và người tiêu dùng. "Nó cũng bao hàm rằng các vật nuôi hữu cơ cần được tôn trọng và được cung cấp những điều kiện và cơ hội sống theo bản năng, tập tính tự nhiên và sống thoải mái" - ông Mịch khẳng định.
Theo Tiến sĩ Hà Phúc Mịch, sản xuất nông nghiệp hữu cơ cần đảm bảo 4 nguyên tắc: Sức khỏe, sinh thái, cân bằng và cẩn trọng.
Cũng theo Tiến sĩ Hà Phúc Mịch, nông nghiệp hữu cơ cần được quản lý theo cách phòng ngừa và có trách nhiệm để bảo vệ môi trường, sức khỏe và hạnh phúc của các thế hệ hiện tại và tương lai. Đó là những quan tâm chính trong việc lựa chọn cách quản lý, phát triển và áp dụng công nghệ trong nông nghiệp hữu cơ.
Nông nghiệp hữu cơ cần ngăn ngừa những khả năng rủi ro trước khi áp dụng công nghệ và không chấp nhận sử dụng những công nghệ không thể dự đoán được những hậu quả của nó.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Lê Quốc Thanh – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nhận định, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn là xu thế, mang lại hiệu quả nhưng phải tuân thủ quy trình, các nguyên tắc đảm bảo an toàn. Chính vì vậy, người làm nông nghiệp hữu cơ không sản xuất theo phong trào mà phải xem xét các điều kiện về thời gian, kinh tế, đất đai, trình độ cũng như thị trường đầu ra của sản phẩm.
Theo ông Lê Quốc Thanh, người làm nông nghiệp hữu cơ phải xem xét các điều kiện, không làm chộp giật, nửa vời.
Ông Thanh nhấn mạnh: "Làm nông nghiệp hữu cơ phải đầu tư nghiêm ngặt, xác định ngay từ đầu không chộp giật, nửa vời. Người làm cần tham quan thực tế các mô hình, tiếp cận tài liệu để nắm bắt các tiêu chuẩn, chứng chỉ hữu cơ".
"Tại diễn đàn lần này chúng tôi ghi nhận các ý kiến, câu hỏi của đại diện các doanh nghiệp, hộ nông dân, các địa phương về các vấn đề nông nghiệp hữu cơ và sẽ tổng hợp để có định hướng, giải pháp cụ thể trong thời gian tới. Chúng tôi mong muốn, qua diễn đàn này, người sản xuất có được thông tin bổ ích để áp dụng vào đầu tư, sản xuất, phát triển", ông Lê Quốc Thanh phát biểu tại diễn đàn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.