Được trao gà giống, lợn giống, vật dụng nuôi tằm, người nghèo ở Lâm Đồng cam kết nuôi tốt, vươn lên

Văn Long Thứ sáu, ngày 25/08/2023 12:50 PM (GMT+7)
Với phong trào thi đua “chung tay vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau”, các sở, ngành, cá nhân, tổ chức tại Lâm Đồng đã chung tay, góp sức, hỗ trợ sinh kế cho các hộ nghèo, phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững.
Bình luận 0

Đầu năm 2023, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành kế hoạch vận động nguồn lực hỗ trợ công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Theo đó, tỉnh Lâm Đồng đưa ra mục tiêu vận động các sở, ngành, tổ chức, đơn vị, cá nhân và huy động nguồn lực xã hội hóa để hỗ trợ công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh Lâm Đồng cũng đặt ra mục tiêu toàn tỉnh sẽ vận động hỗ trợ cho ít nhất 3.415 hộ nghèo, cận nghèo. Trong đó, hỗ trợ 2.014 hộ đồng bào dân tộc thiểu số với tổng số kinh phí khoảng 68 tỷ đồng.

Được trao gà, lợn giống cùng vật dụng nuôi tằm, người dân cam kết thoát nghèo vươn lên - Ảnh 1.

Đại diện UBND xã Liêng Srônh trao dụng cụ nuôi tằm để phát triển kinh tế, thoát nghèo cho gia đình hộ dân Rơ Ông Ha Nam.

Ông Huỳnh Minh Hải – Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lâm Đồng cho biết, thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh, Sở đã thực hiện cuộc vận động "Chung tay hỗ trợ sinh kế thoát nghèo cho hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2023" đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc sở và đã vận động được 100 triệu đồng.

"Với số tiền trên, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lâm Đồng đã phối hợp với UBND xã Liêng Srônh (huyện Đam Rông) để trao sinh kế cho 5 hộ nghèo trên địa bàn. Cụ thể, Sở đã trao dụng cụ nuôi tằm cho các hộ Rơ Ông K’ Riêng, Rơ Ông Ha Nam và Đơng Jri Y Bel. Bên cạnh đó, Sở này cũng trao gà giống, lợn giống cho các hộ Rơ Ông K’ Nhòng, Pang Ting Chòng. Đặc biệt, ngoài con giống, dụng cụ vật tư chăn nuôi theo yêu cầu cụ thể của các hộ dân, chúng tôi đã trang bị cho mỗi hộ 1 điện thoại thông minh và cung cấp gói data 1 năm sử dụng internet", ông Huỳnh Minh Hải thông tin.

Được trao gà, lợn giống cùng vật dụng nuôi tằm, người dân cam kết thoát nghèo vươn lên - Ảnh 2.

Bà Rơ Ông K’Riêng bên những khay tằm chuẩn bị cho thu hoạch của gia đình mình.

Trở lại xã Liêng Srônh sau 3 tháng người dân được trao sinh kế, phóng viên ghi nhận sự phấn khởi cũng như sự phát triển của người dân. Cùng đi với phóng viên, ông Nguyễn Đạo Hoàng – Trưởng phòng Thông tin Báo chí Xuất bản, Tổ phó Tổ hỗ trợ công tác giảm nghèo của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lâm Đồng cho biết, với sinh kế đã được trao, những hộ nghèo đã cam kết ra khỏi danh sách hộ nghèo, cận nghèo năm 2023. Đặc biệt, các hộ nghèo đã rất chủ động, hăng hái và sử dụng vốn hiệu quả.

Tại nhà của hộ gia đình bà Rơ Ông K’Riêng, những khay tằm được gia đình bà chăm sóc kỹ, làm cả màn để hạn chế ruồi nhặng đốt tằm. Đây là lứa tằm đầu tiên gia đình nuôi sau khi được hỗ trợ dụng cụ chăn nuôi tằm của Sở Thông tin và Truyền thông. Với giá tằm tiếp tục ổn định và tằm nuôi đạt, gia đình ông K’Riêng có thể thu được 5-7 triệu đồng sau khi bán kén.

Được trao gà, lợn giống cùng vật dụng nuôi tằm, người dân cam kết thoát nghèo vươn lên - Ảnh 3.

Bà Rơ Ông K'Bò bên những chú lợn đang phát triển nhờ vốn của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lâm Đồng hỗ trợ.

Cũng là hộ được hỗ trợ dụng cụ nuôi tằm thì gia đình Rơ Ông Ha Nam đã nuôi được hai lứa tằm, bán kén được tổng cộng 12 triệu đồng. Số tiền này là số tiền lớn, mang lại thu nhập cho gia đình sau khi được hỗ trợ sinh kế.

Trong khi đó, bà Rơ Ông K'Bò cũng phấn khởi cho biết: "Được Sở Thông tin và Truyền thông hỗ trợ vốn, gia đình tôi đã mua được 8 con lợn để chăn nuôi. Ngoài làm thuê thì gia đình nuôi thêm lợn, chúng ăn khỏe và lớn nhanh, hy vọng cuối năm sẽ có thêm một khoản thu nhập để nhập đàn lợn mới về nuôi. Chúng tôi cũng hy vọng mau thoát khỏi cái nghèo, vươn lên phát triển kinh tế nhờ vốn của sở".

Được trao gà, lợn giống cùng vật dụng nuôi tằm, người dân cam kết thoát nghèo vươn lên - Ảnh 4.

Gia đình chị Rơ Ông K’Nhòng được hỗ trợ đã nhập 100 con gà về nuôi, chuẩn bị được bán.

Ông Rơ Ông Ha Doanh – Phó Chủ tịch UBND xã Liêng Srônh cho biết: "Từ tháng 6 đến nay, 5 hộ dân tại xã đã nhận được vốn cũng như các dụng cụ, vật nuôi được Sở Thông tin và Truyền thông hỗ trợ. Hiện tại, những hộ đăng ký hỗ trợ dụng cụ nuôi tằm đã có thu nhập từ 5-7 triệu đồng vì trước đó họ đã có trồng dâu nhưng không có dụng cụ nuôi. Chính vì vậy, việc hỗ trợ sinh kế cho người dân đã phát huy hiệu quả. Trong khi đó, các hộ nhận gà, heo giống cũng đang chăm sóc vật nuôi rất tốt, dự kiến sẽ bán được sớm, tạo thu nhập cho người dân".

Được trao gà, lợn giống cùng vật dụng nuôi tằm, người dân cam kết thoát nghèo vươn lên - Ảnh 5.

Từ tỷ lệ hộ nghèo 73%, hiện nay huyện Đam Rông đã giảm tỷ lệ này xuống còn hơn 19%.

Theo ông Nguyễn Quốc Hương – Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam huyện Đam Rông, từ khi thành lập huyện, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn lên tới 73%, cho đến nay, đã giảm chỉ còn hơn 19%. Có được điều này là sự nỗ lực của toàn hệ thống chính trị cũng như quyết tâm thoát nghèo của người dân. Từ năm 2005 đến nay, huyện Đam Rông đã vận động xã hội hóa để bỏ 3.000 nhà tạm, hiện nay đang xây dựng nhà cho người dân theo tiêu chí nền cứng, tường cứng, mái cứng.

Đặc biệt, hiện nay trên địa bàn huyện đã có nhiều mô hình làm kinh tế của các hộ đồng bào dân tộc thiểu số như trồng sầu riêng, trồng dâu nuôi tằm mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần với địa phương để giảm nghèo bền vững.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem