Theo TS Nguyễn Đức Thành - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách (ĐH Quốc gia Hà Nội) - chủ biên báo cáo, năm 2011, nền kinh tế VN đang chứng kiến những bất ổn vĩ mô như lạm phát tăng cao, thâm hụt ngân sách lớn, nợ công tiếp tục tích lũy, thâm hụt thương mại chưa được cải thiện, cải cách DN nhà nước còn nhiều vấn đề...
|
Với giá cả nhiều mặt hàng tăng cao, lạm phát năm nay sẽ ở mức ngoài dự kiến. |
Điều này cho thấy, VN đang đứng trước một "ngã ba đường". VN sẽ phải chọn cho mình một hướng đi để có thể thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững trong thời gian tới.
Có thể nói, báo cáo thường niên kinh tế VN năm nay đã đưa ra bức tranh khá toàn diện khi đề cập đến các vấn đề "nóng" của nền kinh tế.
Về lạm phát tăng cao hiện nay, báo cáo đã thẳng thắn nhìn nhận: Các chính sách chống lạm phát của VN vẫn còn quá thụ động. Đó là khi lạm phát diễn ra rồi, các chính sách thắt chặt tiền tệ, lãi suất mới được áp dụng. Lạm phát đã diễn ra trong nhiều năm gần đây khiến ký ức về lạm phát của người dân sâu đậm, càng làm cho tính hiệu quả của các giải pháp chống lạm phát kém hiệu quả. Báo cáo cho rằng, các chính sách chống lạm phát của VN nếu không có sự kiên nhẫn cao sẽ khó có thể phát huy tác dụng.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng, năm 2011, nền kinh tế VN sẽ vẫn phải chịu những "méo mó". Nếu các chính sách chống lạm phát tiếp tục được thắt chặt thì lạm phát năm nay của VN sẽ ở mức 15,5%, ngược lại nếu quý III/2011 có sự nới lỏng của chính sách thì lạm phát của VN sẽ ở mức 18,2%. Báo cáo cũng dự báo với lạm phát kịch bản 1 thì GDP của VN sẽ tăng trưởng 6,18%, còn kịch bản 2 thì GDP có thể tăng 6,55%.
Ở góc độ bình luận cho báo cáo kinh tế năm nay, TS Lê Xuân Nghĩa-Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, năm 2011, các chính sách tiền tệ, lãi suất của VN vẫn được điều hành quá "giật cục", có thể sẽ lặp lại như năm 2010 (khi 6 tháng đầu năm thắt chặt, còn 6 tháng cuối năm lại nới lỏng). 4 tháng đầu năm nay, tăng trưởng tiền tệ chỉ 1%, tín dụng 5%. "Lẽ ra chúng ta "thắt" cũng phải thắt từ từ lên tất cả các quý để DN, nền kinh tế còn chịu đựng được. Với lãi suất như hiện nay, cao hơn cả năm 2008, nhiều DN đã đứng bên bờ vực phá sản" - ông Nghĩa nói.
Mai Hương
Vui lòng nhập nội dung bình luận.