Trong cả năm, giá vàng tăng 30%, còn giá USD tăng 9,68%.
Người nghèo thì không quan tâm mấy tới giá vàng hay giá USD tăng giảm, vì họ chẳng có vàng cũng chẳng có USD. Nhưng giá lương thực tăng tới 4,67% trong tháng 12 là điều khiến người nghèo đau đầu nhất, khi họ phải tính từng bữa ăn của gia đình mình. Có một điều lạ, là trong "rổ hàng hoá tính CPI" thì "món hàng giáo dục" lại có số tăng cao nhất trong năm 2010 (tăng gần 20%).
Lạm phát tác động đến cả nền kinh tế, nhưng tác động khốc liệt nhất của nó luôn hướng tới người nghèo, những người không có bất cứ khoản tích lũy nào, những người phải "ăn đong" và phụ thuộc hoàn toàn vào giá cả ngoài thị trường.
Người nghèo ở đây gồm cả người nghèo ở nông thôn và người nghèo ở đô thị, và đặc biệt chịu tác động một cách đau đớn nhất chính là tầng lớp công nhân công nghiệp-những người hoàn toàn phụ thuộc vào đồng lương "giá rẻ"-những người phải lao động rất nhiều và thu nhập rất thấp nhưng tất tật mọi chi tiêu đều trông chờ vào lương.
Rất nhiều công nhân trong cơn "bão giá" đã chỉ có một "thực đơn" duy nhất trong cả tháng là rau, đậu phụ và trứng. Họ không dám ăn thịt, ăn cá, vì các mặt hàng này đều quá khả năng chi trả của họ.
Khi chỉ số GDP năm 2010 có thể đạt tới xấp xỉ 7%, thì với chỉ số lạm phát tăng gần 12%, không cần phải là nhà kinh tế cũng biết được tình trạng này là xấu cho nền kinh tế. Như thế, so với dự kiến của Quốc hội và phấn đấu của Chính phủ, lạm phát đã tăng gần 5% (dự kiến là 7%, nhưng thực tế là gần 12%).
Điều đó đặt nồi cơm của người nghèo và "nhiệt độ" của nền kinh tế vào mức báo động. Báo động ở mức nào thì còn phải nhìn nhận, nhưng rõ ràng, năm 2011 sẽ là năm cả người nghèo và nền kinh tế phải chịu những thách thức lớn. Dĩ nhiên, người giàu cũng chịu ảnh hưởng tiêu cực, nhưng nạn nhân chính của lạm phát bao giờ cũng là người nghèo.
Thanh Thảo
Vui lòng nhập nội dung bình luận.