Làm phim truyền hình từ văn học 1930-1945: Tìm lại dấu hương xưa

Thứ ba, ngày 05/06/2012 11:47 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Hãng phim Hội Điện ảnh VN đang bắt tay vào một dự án rất lãng mạn và đầy chất điện ảnh: Chuyển thể những tác phẩm văn học giai đoạn 1930-1945 thành phim truyền hình.
Bình luận 0

Trong một lần gặp gỡ, NSƯT Nguyễn Hữu Phần- Phó Giám đốc Hãng phim Hội Điện ảnh VN (Hodafilm) tâm sự với chúng tôi: “Không hiểu các nhà báo bây giờ có còn giữ được thói quen đọc sách nữa không, còn sinh viên ở Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, nơi tôi đang tham gia giảng dạy thì quả là một tình trạng đáng báo động. Nhiều khi tôi muốn phân tích một cảnh phim, một nhân vật, một tình huống, hỏi các bạn ấy đã đọc cuốn A, cuốn B chưa, tất cả mặt cứ ngây ra. Với tư cách một thầy giáo đứng trên bục giảng, lúc đó tôi có cảm giác mình như một người lính ra trận mà lại bị tước hết vũ khí”.

img
Cảnh trong phim “Lều chõng” được đạo diễn Nguyễn Thanh Vân dàn dựng từ tác phẩm của nhà văn Ngô Tất Tố.

Chính bởi sự thất vọng về văn hóa đọc của một bộ phận lớp trẻ hiện nay mà ông Phần và các đồng nghiệp ở Hodafilm quyết tâm tiến hành một dự án vô cùng lãng mạn mà lại rất hữu ích, đó là chuyển thể các tác phẩm văn học nổi tiếng của văn học VN giai đoạn 1930-1945 thành phim truyền hình.

Hiện nay, Hodafilm đang có trong tay một đội quân khá tinh nhuệ, đó là các đạo diễn, biên kịch, quay phim rất có nghề và tâm huyết với việc làm những bộ phim “tử tế”. Đó là các đạo diễn Nguyễn Thanh Vân, Nhuệ Giang, Phi Tiến Sơn, Nguyễn Hữu Phần, Đào Bá Sơn, các biên kịch Lê Phương- Trịnh Thanh Nhã... Nói về đội ngũ làm phim, đạo diễn Nguyễn Thanh Vân- Giám đốc Hodafilm tỏ ra khá tự tin: “Hội Điện ảnh VN hiện có tới 1.800 thành viên, trong đội ngũ những đạo diễn, biên kịch của Hãng có rất nhiều người mà tôi tin rằng họ có khả năng tái hiện tác phẩm văn học thời kỳ ấy trên màn ảnh một cách có nghề, đơn giản là họ làm phim bằng niềm say mê và toàn bộ tâm huyết”.

Đầu tháng 7 tới, hai đạo diễn Phạm Nhuệ Giang và Phan Đăng Di sẽ bấm máy 30 tập phim “Ánh sáng kinh kỳ” do Lê Phương - Trịnh Thanh Nhã chuyển thể từ loạt tác phẩm “Số đỏ”, “Cơm thầy cơm cô”, “Kỹ nghệ lấy Tây”, “Làm đĩ”... của nhà văn Vũ Trọng Phụng.

Về kinh phí làm phim, đạo diễn Hữu Phần cho biết: “Đây là dự án chúng tôi phối hợp với Trung tâm Sản xuất phim truyền hình Việt Nam (VFC) và Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện. Ban đầu, nhiều người lo rằng dự án phim này sẽ khá tốn kém bởi kinh phí làm phim truyền hình dao động từ 150 – 200 triệu đồng/tập phim. Trong khi đó, chúng tôi phải dựng lại bối cảnh quá khứ, may quần áo thời xưa... Nhưng “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”, nếu dự án làm vài chục tập phim thì chúng tôi chịu chết, nhưng nếu đài truyền hình ký với chúng tôi khoảng 200-300 tập thì chắc chắn sẽ làm được. Bởi bối cảnh, đạo cụ, phục trang có thể tận dụng làm nhiều phim khác...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem