Làm sao chấp dứt tình trạng "chụp mũ" tư tưởng văn học?

Thứ hai, ngày 25/03/2013 10:05 AM (GMT+7)
Dân Việt - Không phải đến bây giờ một tác phẩm văn học bị quy chụp về vấn đề tư tưởng như truyện ngắn "Bóng anh hùng" của tác giả Doãn Dũng đăng trên báo Phú Yên.
Bình luận 0

Nhìn lại lịch sử văn học đương đại Việt Nam mấy mươi năm qua, chúng ta nhận thấy từng xảy ra nhiều nghi án văn chương mà kết quả… không thành án, nhưng hệ luỵ của nó gây ra có tác hại không nhỏ đối với tác giả lẫn đời sống sáng tạo văn học.

Làm sao chấp dứt tình trạng quy chụp tư tưởng văn học? Đó là vấn đề mà dư luận đang rất quan tâm, nhất là những người cầm bút trực tiếp làm ra sản phẩm văn học. Không còn giới hạn phạm vi câu chuyện ở Phú Yên, chúng tôi mở rộng trao đổi với một số nhà văn trên nhiều vùng của đất nước mong góp phần làm sáng tỏ thêm vấn đề, chấm dứt tình trạng quy chụp tư tưởng văn học, tạo môi trường lành mạnh cho các nhà văn tự do sáng tác, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.

Nhà văn Dương Hướng (Quảng Ninh):

Quy chụp tư tưởng đối với một tác phẩm văn học thường có ở một số cây bút bảo thủ lạc hậu và một số cán bộ lãnh đạo kém hiểu biết về văn học, hay suy diễn thô thiển, nông cạn, ấu trĩ nhưng lúc nào cũng huênh hoang hay rao giảng đạo đức muốn thể hiện hơn người về lập trường tư tưởng… Và có cả những kẻ quy chụp với mục đích khác ngoài văn chương…

Quy chụp tư tưởng đối với một tác phẩm văn học xưa nay đã gây nên bao hệ luỵ cho tác giả và tác phẩm. Đã có nhà văn bị vào tù oan, hoặc làm nhụt ý chí sáng tạo, bị độc giả hiểu lầm quay lưng, cô lập. Có tác giả phải chịu thiệt thòi tới quyền lợi kinh tế, chính trị suốt cả cuộc đời. Có tác phẩm đã bị vùi dập bằng mọi hình thức, không tái bản, không tuyên truyền quảng bá, thậm chí có tác phẩm bị nghiền thành giấy vụn…

Các nhà văn chân chính phải tỏ rõ quan điểm của mình trước dư luận, lên tiếng mạnh mẽ, có thái độ kiên quyết lên án kẻ quy chụp bằng mọi hình thức: viết bài, tranh luận công tâm. Những người làm công tác quản lý văn học phải tỉnh táo, sáng suốt, biết nhìn nhận đúng đắn để phán quyết kết luận cho chính xác. Đề phòng nhiều trường hợp phê phán, tranh luận lên án, hạ bệ “đánh nhau” ngoài mục đích văn chương.

Phải vạch mặt chỉ tên những kẻ cơ hội cố tình quy chụp thổi phồng những khiếm khuyết nhỏ để “Đục nước béo cò” lợi dụng dư luận để thể hiện mình. Những kẻ thủ đoạn đó sẵn sàng đạp lên đồng nghiệp bạn bè, tiến thân bằng mọi cách hèn hạ. Nhiều chuyện “cười ra nước mắt”, bởi có kẻ còn cố tình “khua chuông gõ mõ” cổ động cho không ít những kẻ khác a dua cổ suý một cách hồn nhiên như thể trò đùa mà không hiểu được người bị quy chụp bị khốn đốn tới mức nào. Hiện tượng này hiện nay đang xảy ra ở nhiều địa phương trên cả nước.

Người bị quy chụp phải có lập trường quan điểm rõ ràng, vững vàng trước công luận.

Người làm công tác quản lý văn học phải có biện pháp cứng rắn xử lý nhanh dứt điểm, nghiêm khắc trừng trị kẻ nào cố tình quy chụp để hạn chế tình trạng này. Chả lẽ thời đại này mà vẫn còn lối suy diễn quy chụp nhau như thời “nhân văn giai phẩm sao?” Thật buồn lắm thay.

Nhà văn Ngô Phan Lưu (Phú Yên):

Một tác phẩm văn học khi xuất hiện, luôn được hiểu và cảm nhận theo nhiều trình độ và góc thưởng ngoạn khác nhau. Các trình độ và góc thưởng ngoạn ấy càng phức tạp càng phong phú, càng sâu xa càng cảm động, càng nhân bản càng ám ảnh. Tác phẩm ấy hay lắm, cứ sinh động, đa diện như cuộc sống. Nhưng việc cắt rời từng sự kiện trong tác phẩm để quy chụp tư tưởng phản động nhằm triệt hạ, sẽ dứt khoát làm cho tình hình sáng tác rơi vào bế tắc.

Đặc biệt tác giả cùng những người có liên quan bị khốn đốn. Theo tôi, nguyên nhân của việc quy chụp này chính là sự suy diễn theo định kiến có sẵn, cộng với khả năng văn hoá thấp, sự thẩm thấu kém khi đọc tác phẩm và có thể có cả những nguyên nhân cá nhân nằm bên ngoài tác phẩm. Việc này rõ ràng là không tốt, ảnh hưởng trầm trọng đến tác giả và tình hình sáng tác.

Trước những sự chụp mũ tư tưởng đối với tác phầm văn học, mong rằng những người có trách nhiệm về lĩnh vực văn hóa tư tưởng có những giải quyết rành mạch đâu ra đấy theo luật pháp qui định của ngành này để chặn lại. Riêng tôi, với cương vị một nhà văn, cũng từng bị dính qui chụp, lúc ấy chỉ cầu mong tai qua nạn khỏi, không biết phải ứng phó như thế nào.

Nhà văn Lê Hoài Lương (Bình Định):

Cứ tưởng đã qua lâu rồi chuyện “quy chụp tư tưởng”. Ngay cụm từ “quy chụp…” đã nói rằng nó bá láp, nhưng nó cứ tồn tại, năm ngoái với “cây dầu…” của Đàm Chu Văn, xa hơn chút có Quán dương cầm, rồi Trăng nghẹn…

Có lẽ đình đám phải kể xa thêm, thời Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư. Lúc này, một vị chức sắc lớn của Hội Nhà văn Việt Nam có bảo vệ truyện ngắn này, nhưng có thòng thêm ý: “… cũng có sai đấy!” Tác phẩm “có sai” này sau đó được giải thưởng Hội, giải thưởng Asean, được làm phim. Tôi kể sơ mấy chi tiết vừa rồi để trở lại vấn đề “quy chụp”, rằng đã một thời gian dài, luận xét, đánh giá tác phẩm văn học nghệ thuật người ta đặt nặng chuyện đúng - sai lên hàng đầu, rồi mới nói tới hay - dở. Cũng không lạ, xa lắc trước, ngay ông vua tài hoa văn chương như Tự Đức cũng đòi nọc Nguyễn Du ra đánh (nếu còn sống) vì dám viết về Từ Hải “Chọc trời khuấy nước mặc dầu/ Dọc ngang nào biết trên đầu có ai”. Và cũng có đâu đó trên thế giới chuyện này, ở các xã hội tập quyền. Ở đó văn nghệ nặng tính phục vụ giai cấp thống trị. Rồi sinh ra “nghệ sĩ cung đình” khác với nghệ sĩ tự do…

Việc quy chụp tư tưởng đối với tác phẩm văn học ở nước ta lâu nay khá phổ biến, ít nhiều nơi nào cũng có. Trước đây từng làm “thân bại danh liệt” nhiều người, thậm chí cả tù tội. Giờ đỡ hơn. Nhưng vẫn còn, vì đây là “hạn chế lịch sử”. Đã có một thời gian dài người ta được định hướng viết, đọc như thế. Lúc ấy còn giải thích rằng để phục vụ “kháng chiến kiến quốc”. Giờ hội nhập với bao khẩu hiệu và phương tiện nghe, nhìn, đọc; cách đọc, hiểu tác phẩm văn học nghệ thuật này là sự trì trệ và phản động. Nhưng, vì là “hạn chế lịch sử” nên dễ hiểu, nếu đâu đó xảy ra.

Vậy nó ảnh hưởng ra sao với tác giả và sáng tác? Tôi thích nhà văn Doãn Dũng trả lời trên báo Dân Việt rằng, những người có trách nhiệm đã khẳng định truyện của anh không có gì đặc biệt và sai phạm về nội dung và hình thức nên “những ý kiến còn lại là ý kiến độc giả, và không thể bắt họ nghĩ theo cách mình nghĩ được”. Dám chắc rằng chẳng ảnh hưởng gì đến anh trong quá trình sáng tác tiếp theo, dù anh kín kẽ nói “không có gì đặc biệt và sai phạm…”.

Nếu có ảnh hưởng ít nhiều thì ảnh hưởng đến “uy tín văn học” của Phú Yên như báo chí viết thôi. Điều này là bất khả ngăn cản, dù các vị quản lý, lãnh đạo Phú Yên và ngoài tỉnh khẳng định tác phẩm kia không sai: nó như chuyện xui rủi cho địa phương. Vài ý kiến đọc, cảm của “hạn chế lịch sử” chỉ như chút gia vị cho đời sống văn học quá bình lặng hiện nay. Dù mặn ngọt, đắng chát thế nào.

Cái ứng phó đầu tiên và cuối cùng, tôi nghĩ, là nhà văn chỉ nên ứng phó với chính mình, rằng chuyện “quy chụp…” chẳng có ý nghĩa gì với mình cả, hoặc ý nghĩa theo cách là sáng tác về “hiện trạng” này. Và, nếu có thể, hãy viết cho hay, vậy thôi.

Việc “chụp mũ vô lối”, đã thấy, qua nhận xét đầy trách nhiệm của những người quản lý và có chức sắc văn nghệ trong, ngoài Phú Yên: Đào Minh Hiệp, Nguyễn Trí Huân, Phạm Xuân Nguyên, Nguyễn Thế Kỷ…, thành sự hài hước về nhận thức. Người trong cuộc hẳn không thể vui, cũng có ít nhiều phiền hà. Nhưng đang nói chuyện văn học: đó là cuộc sống vậy.

Tôi nghĩ, nhà văn Đào Minh Hiệp “kinh nghiệm” mệt mỏi mười năm quản lý văn nghệ Phú Yên đề đạt chuyện “văn bản pháp quy quy định các bước thẩm định ý nghĩa tư tưởng tác phẩm” là vì anh ớn quá mà nói vậy. Cũng trong vụ này, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nêu nhận xét: “nhận thức của tác phẩm văn học là nhận thức tư tưởng bằng nghệ thuật”, thì không dễ có cái “văn bản pháp quy…”

Đáng mừng là chuyện “Bóng anh hùng”, từ tác giả đến những người có trách nhiệm cho in ấn, quản lý, các nhà văn đều đồng thuận nhận định tích cực. Cứ đồng thuận này, các “quy chụp” kia sẽ “mệt mỏi” dần rồi tự tiêu vong theo thời gian và nhận thức.

Nhà thơ Nguyễn Thái Sơn (TP.HCM):

Tình trạng quy kết qui chụp thô thiển thô bạo một số sáng tác văn học, cùng tác giả của những sáng tác ấy, từng xảy ra ở nơi này nơi kia; gần đây nhất, hết ở Đồng Nai lại đến Phú Yên, sau thơ đến văn, tiếp theo Đàm Chu Văn là Doãn Dũng, “Bóng anh hùng” nối “Lời những cây dầu cổ thụ…”. May là chỉ mới ở Đồng Nai, Phú Yên, nơi này chỗ kia, chứ không phải chưa phải ở Hà Nội, Sài Gòn!...

Khi mới nghe, tìm hiểu về hai “vụ” này tôi không sao nhịn được cười, bởi nó giống “chuyện hài” quá. Rồi ngạc nhiên. Rồi phân vân “thông tin sai lệch chăng, vô lý, làm quái gì có chuyện đó”. Rồi phẫn nộ. Rồi thấy đáng sợ, đúng ra là đáng “sợ”.

Thưa mấy ông mấy cụ kí tên viết thư đòi xử lí nhà văn Doãn Dũng, báo Phú Yên và những nhà báo này nhà thơ khác ở tỉnh nọ địa phương kia. Sự cống hiến cùng công lao của các cụ (nếu có, mà chắc là cũng có nên các cụ mới từng được nắm giữ những trọng trách ở quê mình, nơi tỉnh nhà lớn đến vậy) đáng để hậu sinh hậu bối hậu duệ nể phục kính trọng rồi, các ông các cụ chả cần tìm kiếm "chứng tỏ" thêm tài năng khả năng “am hiểu am tường văn thơ” nữa làm gì cho mệt, cho “rách việc”, không khéo lại làm cho “bọn hậu sinh” dễ mắc phải tội nói hỗn viết hỗn (nếu không cố kiềm chế kìm nén) với các ông với mấy cụ cũng nên. Thế thì khổ lắm ạ!...

Nhà văn Khôi Vũ (Đồng Nai):

Khi một tác phẩm văn học bị quy chụp về tư tưởng, tác giả kém bản lĩnh thì dù nhiều hay ít, lâu dài hay chỉ một thời gian ngắn, vẫn bị tác động đến tư tưởng và nhiệt hứng sáng tạo. Có thể sự việc sẽ khiến những tác giả này phải cân nhắc hơn và tự “lách” khi cầm bút, hạn chế tính tự do sáng tạo. Từ đó, tác phẩm của họ khó còn độ bay bổng hay khả năng đột phá.

Tuy nhiên điều này khó xảy ra với những tác giả có thực tài và bản lĩnh. Họ sẽ vẫn nghĩ, vẫn viết và có khi còn viết hay hơn trước, vì việc quy chụp vô lối thường giúp họ nhận được những lời nhận xét, đánh giá đúng (cả khen và góp ý) về tác phẩm và từ đó tự tin hơn.

Trong thực tế thì các vụ quy chụp vô lối thường khiến người quy chụp phải bẽ bàng, vì thế khó/ không thể gây ảnh hưởng xấu đến tình hình sáng tác nói chung.

Các nhà văn chỉ cần có tâm thì đã không có gì phải e sợ sự quy chụp rồi. Nếu có thêm tài năng vượt trội thì càng vững vàng hơn trên con đường sáng tạo. Vụ việc quy chụp chỉ xem như một kỷ niệm.

Chúng ta đã có Hội đồng Lý luận văn học nghệ thuật cấp trung ương. Tôi đề nghị Nhà nước ra một văn bản pháp quy xác định rằng kết luận về học thuật của Hội đồng này là kết luận cuối cùng để mọi người lấy đó làm căn cứ xử lý các vụ việc, chứ không phải chỉ là kết luận để tham khảo như hiện nay.

(còn nữa)

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem