Nghệ sĩ không có điểm diễn cố định, thiếu vở hay mới, hấp dẫn, ít khán giả… là những nguyên nhân khiến cải lương ngày càng èo uột hơn. Lúc này, nhiều nghệ sĩ, những người làm nghề yêu cải lương lại đang chung tay, nỗ lực giữ cho cải lương được sống, kéo khán giả trở lại rạp.
Chung tay vực dậy cải lương
Dự án đưa cải lương đến được ví trí “thánh đường” do Hội Sân khấu TP.HCM phối hợp sân khấu Idecaf và Nhà hát Bến Thành đang được chờ đợi từ phía những người làm nghề và giới mộ điệu cải lương. Sự phối hợp này đem lại hi vọng phục hồi cho nghệ thuật cải lương trong thời điểm này. Ông Huỳnh Anh Tuấn - sân khấu Idecaf cho rằng: “Chúng tôi thực hiện dự án này với mong muốn phục hồi sân khấu cải lương, khán giả phải được đặt lên hàng đầu. Nhà hát Bến Thành là nơi phù hợp để kéo khán giả đến rạp. Đến đây khán giả sẽ có cảm giác được trân trọng hơn từ trang trí sân khấu, hình ảnh tờ rơi đẹp…”.
Vở diễn “Trung Thần”
Với chủ đề “Tôi yêu cải lương”, tại sân khấu này định kỳ hai tháng sẽ có 4 suất diễn/1 vở diễn đã từng được khán giả yêu thích như Trung Thần; Tô Ánh Nguyệt; Đời cô Lựu; Lục Vân Tiên - Kiều Nguyệt Nga; Đường gươm Nguyên Bá; Nghêu Sò Ốc Hến…
Trước đó, sân khấu Lê Hoàng khai mạc điểm diễn cải lương tại Trung tâm Văn hóa quận Tân Bình. Nơi đây quy tụ nhiều diễn viên, nghệ sĩ trẻ và các nghệ sĩ gạo cội như NSND Bạch Tuyết; Lệ Thủy, Bạch Mai, Kim Tử Long, Tú Sương… với các vở tuồng cải lương kinh điển và tâm lí xã hội như Chung vô Diệm; Ngọc Kỳ Lân… đang có đối tượng khán giả riêng của mình.
Nhóm Thắp sáng niềm tin phối hợp với Công ty Asia Media mở thêm một địa chỉ cho khán giả mộ điệu cải lương tại sân khấu của khách sạn Oscar, trên đường Nguyễn Huệ, quận 1. Địa chỉ này sẽ diễn định kì mỗi tháng 2 buổi, theo từng chủ đề riêng biệt. Đạo diễn Quốc Kiệt cho rằng: “Những năm gần đây, sân khấu cải lương gặp khó khăn về tình hình điểm diễn, khán giả. Vì vậy khi có sự hợp tác của đối tác chúng tơi rất vui mừng vì nghệ sĩ có thêm nơi để biểu diễn”.
Mong ước khán giả “rủ nhau đi coi cải lương”
Theo đạo diễn Hoa Hạ, các vở diễn cũ sẽ được dựng lại theo đúng phiên bản đầu tiên kể cả từ phong cách, cảnh trí và trang phục. Điều đặc biệt là khán giả sẽ được thưởng thức dàn nhạc dân tộc, hoàn toàn không sử dụng nhạc điện tử.
Ông Huỳnh Anh Tuấn chia sẻ: “Slogan của chương trình sẽ là “Rủ nhau đi coi cải lương” tức là chúng tôi muốn làm các chương trình cải lương hấp dẫn, nghiêm túc trong không gian sân khấu trang trọng, giá vé phù hợp đủ mọi loại đối tượng. Cải lương muốn tồn tại phải nhờ vào khán giả, chính vì vậy trân trọng khán giả để họ cùng nhau đến xem cái hay, đẹp của nghệ thuật dân tộc mình là điều quan trọng”.
Ông Tuấn cho rằng: “Giữ cho cải lương được sống tiếp, nghệ sĩ được cơ hội ca diễn tốt hơn. Qua đó nhắc nhở người xem, những người làm nghề về bản chất gốc của cải lương Việt Nam”.
Giữa bộn bề những khó khăn, trong đó không tránh khỏi nỗi lo “cơm áo gạo tiền” đối với nghệ sĩ, đặc biệt là nghệ sĩ trẻ. Nhưng sự chung tay, đồng lòng lúc này của nghệ sĩ hơn hết đó là tình yêu với nghệ thuật dân tộc nói chung, giữ gìn và phát triển nghệ thuật cải lương nói riêng. Nghệ sĩ ưu tú Lê Tứ chia sẻ: “Chúng tôi luôn khao khát làm nghề một cách đàng hoàng nhất. Ao ước của nhiều nghệ sĩ chính là được diễn thường xuyên trên sân khấu. Chúng tôi chỉ biết làm hết mình để giữ gìn nghệ thuật cha ông để lại”.
Còn quá sớm để đánh giá về sự thành công hay lâu dài của các sân khấu mới này. Nhưng với những nỗ lực, tình yêu và sự tâm huyết của cả nghệ sĩ và những người có lòng với cải lương trong thời điểm này là vô cùng đáng quý. Ngay lúc này, giữ cho cải lương được sống cần nhất vẫn là những tấm lòng như thế…
H.Trần (Báo Văn hóa)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.