Vào chiều 15.4, 9 em học sinh cùng lớp 6B trường THCS Nghĩa Hà (TP.Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) rủ nhau ra bờ sông Trà Khúc, đoạn qua thôn Thanh Khiết tắm sau đó tử vong do đuối nước. Vụ việc đã khiến dư luận và xã hội bàng hoàng, xót thương, bởi đây không phải lần đầu, hàng loạt các trẻ em “tử vong tập thể” vì đuối nước.
Theo một số nhân chứng, nguyên nhân của vụ tai nạn vô cùng thương tâm này là do có 1 em bị đuối nước, các em khác lo sợ đã nhảy xuống cứu bạn mình nên cùng gặp tai nạn.
Trước đó, ngày 11.10.2015, tại khúc sông Đá Giăng, thuộc thôn 6 (xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, Quảng Nam) cũng xảy ra vụ đuối nước khiến 4 em học sinh lớp 7 và 8 tử vong. Ngày 12.9.2012, tại An Mỹ huyện Mỹ Đức (Hà Nội) cũng xảy ra vụ việc đuối nước khiến 8 nữ sinh lớp 8 tử vong. Một em thoát chết đã kể lại, khi các em đang tắm thì 1 bạn bị chìm, các bạn khác lao vào cứu và đều tử vong…
Theo HLV Dương Thùy Linh, muốn cứu người đuối nước, bản thân người cứu đương nhiên phải biết bơi tốt và quan trọng hơn là phải có kỹ năng cứu người đuối nước. Phải lường trước một điều là người mắc nạn đuối nước lúc đó sẽ rất khỏe dù có thể họ không biết bơi, nhưng họ sẽ quẫy đạp rất mạnh để nổi lên do bản năng sinh tồn trong người trỗi dậy.
Trong trường hợp thấy có người tới cứu, nạn nhân sẽ ngay lập tức vồ lấy người cứu để bám víu vào áo, cổ, thậm chí là dìm người cứu mình xuống nước để mình có thể ngoi lên. Đã có rất nhiều trường hợp người xuống cứu cũng bị chết đuối theo do không bị người sắp chết đuối bám chặt và dìm xuống.
Một cách hiệu quả và an toàn để cứu người đuối nước.
Theo HLV Dương Thùy Linh, muốn cứu người sắp chết đuối, không nên trực tiếp áp sát ngay người đó khi họ vẫn đang khỏe. “Dù người cứu biết bơi giỏi đến mấy đi chăng nữa, hơi thở và sức lực không thể đủ kéo dài thời gian ở dưới nước. Chỉ khoảng trong hai phút là cả người cứu và người đuối nước sẽ bị chìm nghỉm trong làn nước” - bà Linh cho biết.
Theo bà Linh, để cứu người đuối nước, tuyệt đối không nên trực tiếp áp sát người đuối nước mà phải chờ cho người đuối nước đã gần như kiệt sức mới tiếp cận từ phía sau, tóm vào áo, vào gáy nạn nhân. Thậm chí kể cả khi người đuối nước đã bất tỉnh, chìm xuống nước thì vẫn có thể túm lấy và kéo vào bờ. Trong một thời gian nhất định, nếu làm sơ cứu đúng cách và kịp thời vẫn có thể cứu được người bất tỉnh.
Đặc biệt lưu ý bằng mọi cách không để cho nạn nhân tóm lấy mình. Người cứu nếu thực sự bơi, lặn giỏi cũng có thể lặn sâu xuống dưới nước để đẩy chân nạn nhân lên, tạo cho người đuối nước cảm giác không còn lo sợ nữa.
Với các em học sinh còn nhỏ, khi gặp trường hợp bạn bị đuối nước thì cách tốt nhất và an toàn nhất là hô hoán để người lớn tới trợ giúp. Còn nếu sự việc xảy ra gấp gáp thì cần tìm gậy, sào, dây, các đồ vật nổi trên nước có thể làm phao quăng ra cho nạn nhân bám vào.
“Ngoài việc học bơi, mỗi người đều cần phải học thêm một lớp cứu hộ trong trường hợp gặp người đuối nước. Cứu hộ người đuối nước cũng quan trọng không kém việc biết bơi vì như vậy mới biết cả khâu sơ cứu, các biện pháp hô hấp nhân tạo để cho nạn nhân ói hết nước trong lồng ngực ra. Nếu nạn nhân là trẻ em, nếu không biết sơ cứu đúng cách sẽ rất nguy hiểm” - HLV Linh khẳng định.
“Mỗi ngày có trung bình 9 trẻ em và người vị thành niên tử vong do đuối nước. Trong khi đó, số trẻ biết bơi tại đồng bằng sông Hồng là 10%, đồng bằng sông Cửu Long là 35%. Đuối nước vẫn là nguyên nhân hàng đầu trong số các tai nạn thương tích gây tử vong cho trẻ em. Tình trạng này tăng cao đặc biệt khi trẻ được nghỉ hè. Việc dạy trẻ em biết bơi và kỹ năng phòng chống đuối nước là điều cấp thiết”, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ LĐTBXH) cho hay.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.