Làm sao để không ai bị gạt ra ngoài sự phát triển?

Phạm Trung Tuyến Thứ sáu, ngày 29/01/2016 06:30 AM (GMT+7)
Sự đổi thay mang lại lợi ích cho người này sẽ lấy đi của người khác ít nhiều cơ hội. Câu chuyện phát triển luôn luôn là như thế, như con đường chạy giữa những buồn vui.
Bình luận 0

Mùa cá khoai năm nay, ngư dân xã Đất Mũi ở Cà Mau trúng kép. Cá nhiều, giá khô khoai lại cao gần gấp ba lần so với mọi khi. Đó là nhờ đoạn cuối của tuyến đường Hồ Chí Minh, từ Năm Căn xuống Đất Mũi đã thông tuyến, hàng bán dễ, mang đi cũng dễ. Đó là chuyện mừng, nhưng cũng có nhiều người dân ở xóm Rạch Tàu tỏ vẻ không vui. Họ bảo: “Chúng tôi chỉ làm công thì chả lợi gì, giờ mua cân khô khoai để nhậu giá đắt gấp ba. Rồi những thứ khác cũng đắt nữa khi du khách về nhiều thì biết phải làm sao?”

Con đường dài hơn 50 cây số xuyên qua những rừng đước bạt ngàn nơi tận cùng đất nước rồi sẽ thành một huyền thoại phát triển khi nó nối những vùng dân cư biệt lập lâu nay lại gần với thế giới ở bên ngoài U Minh.

img

Thông xe cầu Hòa Trung trên tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn Năm Căn- Đất Mũi.

Huyền thoại đó đã được mở ra từ ánh mắt háo hức của những người dân khi nhìn đoàn xe ô tô chạy về Đất Mũi, từ những chiếc xe máy đầu tiên trong cuộc đời của những người nông dân nuôi tôm ở huyện Ngọc Hiển. Nhưng cũng như chuyện khô khoai trúng mùa, có những ánh mắt buồn nhìn con đường ấy. Đó là nỗi buồn của biết bao con người hằng kiếm sống lâu nay bằng nghề chạy vỏ lãi đón đưa du khách, là nỗi buồn của chính những du khách khi trở lại nơi này và mất đi những ký ức đường sông, những hân hoan về miền cực kỳ bí.

Câu chuyện phát triển luôn luôn là như thế, như con đường chạy giữa những buồn vui. Năm 2010, khi cây cầu Cần Thơ khánh thành trong sự hân hoan của cả vùng đất 9 rồng thì những lá đơn kêu cứu của những con người mưu sinh đôi bờ Nam Bắc phà Cần Thơ vẫn còn được gửi đến các tòa soạn.

Cáp treo Fansipan cũng thế, sự hứng khởi của hàng triệu người trước cơ hội được chiêm ngưỡng đỉnh trời của đất nước cũng song hành với hoài niệm hoang sơ của biết bao người.

Con người không bao giờ cam chịu đứng yên, chẳng điều gì có thể ngăn cản được khát khao phát triển, và sự đổi thay mang lại lợi ích cho người này sẽ lấy đi cơ hội của người khác ít nhiều. Những người chạy vỏ lãi tuyến Năm Căn - Đất Mũi hôm nay, những người bán dạo trên chuyến phà Cần Thơ năm xưa, hay những người làm dịch vụ chinh phục đỉnh núi Fansipan mai kia… đều có những ánh mắt giống nhau, ánh mắt của những người cảm thấy mình bị gạt ra bên lề của những con đường mới. Và trên con đường mới mẻ đó, dĩ nhiên nhiều ánh mắt hân hoan.

Mâu thuẫn phát triển cũng giống như quá trình hình thành chính sách. Đó là một bài toán không có lời giải tuyệt đối đúng nhằm mang lại lợi ích cho tất cả mọi người. Ở một điều kiện lý tưởng, quá trình hình thành chính sách cũng đồng thời là quá trình thỏa hiệp, khi đại diện của những nhóm lợi ích mặc cả với nhau về sự bù đắp nhằm đảm bảo không có bất cứ ai trở thành người yếu thế và bị gạt bên lề.

Nhưng đó là điều kiện lý tưởng, khi mà mọi nhóm lợi ích trong xã hội đều thực sự có đại diện của mình, những người đại diện thực sự có tiếng nói, và thực sự vì quyền lợi của những thân phận mà họ thay mặt để lên tiếng.

Chúng ta có thể mơ ước về một điều kiện lý tưởng cho con đường phát triển hay không?

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem