Lâm tặc “mở hội” ở Vườn quốc gia Yok Đôn

Thứ năm, ngày 12/05/2011 18:45 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Hàng trăm cây gỗ quý bị đốn hạ. Hàng ngàn khối gỗ theo lâm tặc về xuôi. Yok Đôn - một trong những vườn quốc gia lớn nhất Việt Nam (thuộc huyện Buôn Đôn, Đăk Lăk) đang bị lâm tặc xâu xé đến hoang tàn…
Bình luận 0

Lâm tặc “phản đòn”

Sáng 25.4, trước những bức xúc của dư luận về việc lâm tặc hoành hành trong Vườn quốc gia (VQG) Yok Đôn, UBND huyện Buôn Đôn đã “tưng bừng” làm lễ ra quân truy quét lâm tặc.

img
Cây gỗ hương có đường kính gốc hơn 1m bị lâm tặc đốn hạ ngay trong ngày ra quân “truy quét lâm tặc”.

Thế nhưng cũng trong sáng 25.4, cách nơi đang diễn ra lễ “diệt giặc rừng” gần 10km theo đường chim bay, tại tiểu khu 499 của VQG Yok Đôn, một cây gỗ hương có đường kính gốc hơn 1m bị đốn hạ. Rất kỳ lạ là không hiểu sao người báo tin lại không gọi cho những người có chức trách đang chủ trì buổi lễ kia để lập luôn chiến công trong lễ ra quân, mà lại báo cho các phóng viên - những người không có khả năng bắt lâm tặc?

Qua trạm bảo vệ rừng số 2 của VQG, theo đường 6B khoảng 2km là nơi vừa xảy ra vụ việc. Một cây hương cổ thụ “ngã nhào” ra đường. Cú “ngã” của nó khiến 2 cây căm xe bên cạnh cũng “qua đời”.

Về số phận của cây hương, nó bị hạ bởi một nhát cưa rất ngọt. Phần giữa dài khoảng 2m - đoạn đẹp nhất của cây đã bị lấy đi. Và tại hiện trường vết xe cải tiến còn hằn sâu từ gốc cây chạy thẳng ra đường lộ thênh thang, nơi luôn có ít nhất vài cán bộ kiểm lâm VQG qua lại tuần tra...

Xâu xé Yok Đôn

Đường 6B, nơi chúng tôi vừa đi, ô tô có thể đạt tốc độ 100km/giờ. Ngoài con đường này, để dễ dàng cho việc tuần tra rừng tại VQG Yok Đôn, người ta còn mở hàng loạt đường rộng thênh thang.

Đi trên đường 6B, chỉ một đoạn dài chừng 3km, chúng tôi đã đếm được đến trên 30 cây hương bị xẻ thịt. Ở đó, đường đi của lâm tặc nhẵn thín như đường vào nhà. Và tất cả những con đường ấy đều xuôi về dòng Sê Rê Pôk. Cách trạm bảo vệ rừng số 3 - nơi luôn có ít nhất 2 kiểm lâm “trấn giữ” - chừng 50m, chúng tôi đếm được hơn 40 gốc hương bị đốt thành than.

Vườn quốc gia Yok Đôn không âm u, không phải vượt suối, leo đèo để tuần tra. Ở đó có 170 người được giao nhiệm vụ giữ rừng 24/24 giờ. Thế nhưng thực tế lại trái ngược hoàn toàn: VQG Yok Đôn đang bị tàn sát.

Ông Đoàn Xuân Thiện - cán bộ VQG, người dẫn đường chúng tôi, “thuyết minh”: “Giám đốc VQG chỉ đạo đốt để xoá dấu vết đấy. Vụ này xảy ra cách đây vài tháng thôi”. Một đồng nghiệp của tôi nhẩm: “40 gốc này nếu bán đi đủ tiền xây cái nhà kha khá đấy. Tiếc nhỉ!”.

Tại các tiểu khu 507, 508, 419, 420, 484, 408, 434, 425, 421… được bảo vệ nghiêm ngặt nhất đang có một thực tế rất bất thường. Những nơi đó, thậm chí nhiều kiểm lâm của VQG còn chưa được đặt chân đến lại chính là nơi “mở hội” của lâm tặc. Điều đó không khó nhận ra, chỉ cần đi một vòng quanh tiểu khu 507 bằng ô tô thôi cũng đủ thấy “ngày hội” của lâm tặc lớn đến chừng nào.

Ở đấy dấu xe của lâm tặc vẫn còn hằn chằng chịt trên đất. Mất 2 giờ khảo sát các tiểu khu 507, 434, chúng tôi đã thống kê được hơn 100 cây hương chỉ còn lại gốc và cành ngọn. Ngoài những cây đã được phát hiện có bút tích của kiểm lâm, rất nhiều cây vẫn chưa được kiểm lâm “sờ” đến. Nếu quy thành tiền thì số tài sản bị mất tại hai tiểu khu này đã lên tới cả chục tỷ đồng.

Bỏ ruộng nương theo lâm tặc

Việc lâm tặc “tề tựu” về Yok Đôn không chỉ khiến rừng tan hoang, tài nguyên quốc gia bị xâm hại nghiêm trọng mà còn khiến tình hình an ninh địa phương trở nên vô cùng phức tạp.

Tại xã Krông Na (Buôn Đôn), một xã vùng 3 biên giới còn hết sức khó khăn của tỉnh Đăk Lăk, hầu hết trẻ em đều biết dùng điện thoại di động. Hiện tượng lạ này được những người am hiểu giải thích rằng: Chúng được lâm tặc chu cấp và đào tạo để làm... cộng sự. Hàng ngày, những đứa trẻ này ngoài việc chăn bò trên rừng, chúng còn được giao “nhiệm vụ” báo tin nếu thấy có dấu hiệu bất lợi cho lâm tặc. Và dĩ nhiên chúng sẽ được trả công xứng đáng.

Ông Đào Kim Anh - Chủ tịch xã Krông Na, cho biết, vào “mùa lâm tặc” (mùa khô) xã gặp rất nhiều khó khăn trong việc vận động bà con xuống đồng. Không kể già trẻ, gái trai... lâm tặc “tuyển dụng” tất. Những người không được “tuyển dụng” cũng khó cưỡng lại trước nguồn lợi khổng lồ từ rừng. Họ tự sắm dụng cụ đi làm lâm tặc. Hoặc nếu không có tiền, sức khoẻ yếu thì họ vào rừng “ăn hôi”. Chỉ với việc “ăn hôi”, người ta cũng có thể kiếm vài trăm ngàn mỗi ngày. Tình trạng này đã được xã ra sức xử lý nhưng hiện nay vẫn còn ít nhất 1/3 số lao động của địa phương bỏ ruộng nương, “đầu quân” cho lâm tặc; một số học sinh của Trường THCS Võ Thị Sáu bỏ học lên rừng...

“Nhiều năm nay, tình hình trật tự địa phương vốn đã phức tạp lại càng thêm phức tạp bởi sự “hội tụ” của các đối tượng làm ăn phi pháp. Nhiều người và phương tiện ra vào địa bàn không kể ngày đêm, gây mất trật tự an ninh và xảy ra nhiều vụ tai nạn thương tâm.

(Còn nữa)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem