Làm thế nào để điện ảnh trở thành đòn bẩy của du lịch Việt?
Làm thế nào để điện ảnh trở thành đòn bẩy của du lịch Việt?
Thứ bảy, ngày 01/08/2020 16:17 PM (GMT+7)
Đại dịch Covid-19 lan rộng đã khiến ngành du lịch Việt Nam đứng trước những thách thức mới. Vì lẽ đó, việc biến điện ảnh trở thành “đòn bẩy” để kích cầu du lịch là giải pháp đang được cân nhắc.
Đại dịch Covid-19 hoành hành khắp thế giới đã làm cho nhiều ngành nghề điêu đứng. Trong đó, du lịch là một trong những ngành chịu thiệt hại nặng nề nhất.
Ngay khi Việt Nam vừa kiểm soát được dịch bệnh vào hồi tháng 4/2020, ngành du lịch đã phải đẩy mạnh nhiều giải pháp kích cầu du lịch để hồi sinh ngành kinh tế mũi nhọn này. Tuy nhiên, việc tái bùng phát đại dịch này ở nhiều tỉnh/thành mấy ngày qua đã khiến cho du lịch phải đối mặt với nhiều thách thức mới.
Trong hội thảo “Xây dựng và quảng bá thương hiệu quốc gia Liên hoan phim Việt Nam” tại Hà Nội mới đây, ông Hà Văn Siêu - Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Du lịch cho biết, ngành du lịch đang đề ra nhiều giải pháp đồng bộ để vực dậy ngành du lịch sau đại dịch Covid-19. Đặc biệt, sẽ đẩy mạnh việc quảng bá và thu hút khách du lịch thông qua điện ảnh, xúc tiến thương mại và các hợp tác kinh tế khác.
“Du lịch và điện ảnh là hai trong năm ngành thuộc công nghiệp văn hoá đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Khái niệm “công nghiệp văn hoá” được nhắc đến thường xuyên hơn những năm gần đây và đã góp phần tạo ra nhiều giá trị gia tăng. Điện ảnh và du lịch có mối quan hệ đa tương hỗ rất chặt chẽ, tạo ra nhiều giá trị mới. Những phim điện ảnh thành công đã góp phần làm bối cảnh quay trở thành điểm đến hấp dẫn và toả sáng. Du lịch cũng tạo nên cảm hứng cho các đoàn phim trong việc xây dựng bối cảnh”, ông Hà Văn Siêu nhấn mạnh.
Theo ông Hà Văn Siêu, Liên hoan phim Việt Nam mỗi năm nên tổ chức ở một nơi để có sự mới mẻ và phát huy được thế mạnh du lịch của từng địa phương. Đặc biệt, địa điểm được lựa chọn tổ chức liên hoan phim phải gắn với năm du lịch quốc gia.
“Việt Nam có vô vàn điểm đến hấp dẫn, vừa có thể làm du lịch, vừa có thể xây dựng được thương hiệu liên hoan phim. Qua sự kiện này, tên tuổi của Việt Nam sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn để thu hút khách du lịch. Tuy nhiên, việc gắn với năm du lịch quốc gia sẽ có nhiều lợi thế về mặt quảng bá và xúc tiến du lịch kết hợp với nhiều giá trị khác. Nếu ngành du lịch và điện ảnh cùng phối hợp chặt chẽ và đề ra các giải pháp đồng bộ chắc chắn sẽ đạt được nhiều kết quả đáng ngờ”, vị này phát biểu thêm.
Tích cực quảng bá phim đầu tư bối cảnh để hút khách du lịch nước ngoài
Trong bài tham luận của mình, Ths. Hoàng Thu Thủy và Ths. Nguyễn Minh Tiệp cũng đã có những sáng kiến để điện ảnh trở thành đòn bẩy cho ngành du lịch Việt trong thời gian tới. Các vị này cho rằng, việc tích cực quảng bá cho các bộ phim đầu tư đặc biệt về bối cảnh để làm nổi bật cảnh sắc Việt Nam trên màn ảnh là một cách thu hút được khách nước ngoài đến với Việt Nam hiệu quả nhất. Và đây đang là một xu hướng được nhiều đạo diễn theo đuổi trong những năm gần đây.
“Bộ phim “Hoa vàng trên cỏ xanh” với những thước phim mãn nhãn, đạo diễn Victor Vũ đã khiến công chúng ngây ngất với cảnh đẹp của Phú Yên, đóng đinh nó với cái tên gọi nên thơ “xứ sở hoa vàng cỏ xanh”.
Mới đây nhất, khán giả lại có dịp ngây ngất với cảnh đẹp ở Huế trong bộ phim “Mắt biếc” - hiện tượng phòng vé mùa Giáng sinh 2019. Người yêu Huế dễ dàng nhận ra những cảnh đẹp quen thuộc như: đồi Thiên An với rừng thông xanh mát và ăm ắp những bụi hoa sim tím đẹp như mộng; đồi Vọng Cảnh nhìn xuống sông Hương; khu phố cổ nổi tiếng Bao Vinh (thị xã Hương Trà)... Sau khi phim ra mắt, nhiều địa điểm đã trở thành nơi check-in thu hút rất đông du khách đến tham quan.
Thực tế, việc tập trung đặc biệt vào bối cảnh không chỉ là lựa chọn nghệ thuật của riêng đạo diễn Victor Vũ mà đã hình thành xu hướng rõ rệt của giới trong nghề thời gian gần đây”.
Theo Ths. Hoàng Thu Thủy và Ths. Nguyễn Minh Tiệp, bên cạnh tính độc đáo, bối cảnh còn được xem là “bảo chứng bản sắc” cho phim Việt. Yếu tố bản sắc đặc biệt có ý nghĩa khi các nhà sản xuất muốn đem đứa con tinh thần của mình ra với thế giới. Đạo diễn Victor Vũ luôn cố gắng thể hiện thông điệp về con người, đất nước Việt Nam dù cách kể hay câu chuyện có “quốc tế” thế nào đi chăng nữa. Đạo diễn Lý Hải luôn biết “cài cắm” yếu tố bản sắc vào phim một cách hợp lý. Những thước phim liên quan tới đạo diễn, nhà sản xuất Ngô Thanh Vân thời gian gần đây cũng có thể thấy rất rõ chủ đích đưa hình ảnh và con người Việt Nam ra thế giới.
“Khán giả điện ảnh thế giới đã được xem đủ thể loại phim nhưng họ vẫn chấp nhận những bộ phim Việt. Đó là bởi người nước ngoài muốn xem cái gì đó mang bản sắc của Việt Nam - nơi mà họ chưa biết đến nhiều. Công chúng của các bộ phim cũng là một nguồn khách rất tiềm năng cho ngành du lịch nội địa bởi một trong số họ rất có thể là “đại sứ” một cách vô tình hoặc cố ý quảng bá cho điện ảnh - du lịch Việt Nam nếu họ có cơ hội được xem những thước phim thú vị.
Với khán giả là khách du lịch nước ngoài, thực tế, số lượng khách du lịch đến rạp xem phim chỉ chiếm 0,5% vì mục đích của họ tới không phải để xem phim mà là muốn đến thăm những danh lam thắng cảnh, kỳ quan mà họ chưa biết nhưng có thể đã được xem qua một bộ phim nào đó có bối cảnh quay ở Việt Nam.
Việc quảng bá phim Việt ở nước ngoài là cơ hội tuyệt vời để thu hút được sự chú ý của những người hoạt động trong ngành điện ảnh và du lịch. Đó là cầu nối quan trọng cho những người làm phim Việt có cơ hội quan sát và học hỏi kinh nghiệm, kết nối với thị trường làm phim quốc tế, xây dựng các quan hệ cá nhân để có thể mở ra cơ hội hợp tác trong tương lai. Đồng thời cũng xúc tiến mạnh mẽ việc kích cầu và quảng bá du lịch nội địa. Chiến lược này là có thể gọi là chiến lược “gây giống” khán giả theo nghĩa rộng nhất của từ này”, hai vị này chia sẻ thêm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.