Làm tốt khảo sát trước khi thực hiện chính sách cho người nghèo

Minh Nguyệt (thực hiện) Thứ sáu, ngày 21/12/2018 06:30 AM (GMT+7)
Dù là quốc gia có tốc độ giảm nghèo ấn tượng nhưng Việt Nam vẫn phải đối mặt với tình trạng nghèo đói kinh niên ở vùng lõi và nhóm người dân tộc, người yếu thế.
Bình luận 0
img

Dù là quốc gia có tốc độ giảm nghèo ấn tượng nhưng Việt Nam vẫn phải đối mặt với tình trạng nghèo đói kinh niên ở vùng lõi và nhóm người dân tộc, người yếu thế. Ông Nguyễn Thắng (ảnh) – Giám đốc Trung tâm Phân tích dự báo (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) đã trao đổi với PV Báo NTNN về về những giải pháp ứng phó và giảm nghèo hiệu quả ở nhóm đối tượng này.

Theo báo cáo về giảm nghèo đa chiều của Việt Nam tính đến năm 2018 vừa được công bố, tỷ lệ hộ nghèo Việt Nam đã giảm mạnh. Ông đánh giá thế nào về kết quả này?

- Báo cáo hiện nay đã chỉ ra rất rõ, dù đo bằng thước đo nào, bằng thu nhập hay thước đo nghèo đa chiều của Việt Nam, hay đa chiều của thế giới thì kết quả giảm nghèo của Việt Nam cũng rất ấn tượng. Cụ thể, tốc độ giảm nghèo rất nhanh, mặt khác nhóm đồng bào dân tộc thiểu số, nhóm yếu thế cũng đạt được tốc độ giảm nghèo tương đối nhanh. Mặc dù vậy, vẫn tồn tại thực trạng là nhóm đồng bào yếu thế vẫn còn ở lại phía sau như nhận định của nhiều chuyên gia và Bộ LĐTBXH.

Chúng ta vẫn thường nói “Tốc độ của đoàn quân đi nhanh hay chậm phụ thuộc vào anh đi cuối cùng”. Việc giảm nghèo nhanh hay chậm tại Việt Nam sẽ phụ thuộc rất nhiều ở đối tượng đồng bào dân tộc thuộc nhóm yếu thế này. Vì vậy, ngoài việc có thể tự hào về thành tích giảm nghèo nói chung, chúng ta cũng phải có những nỗ lực mới hướng vào nhóm yếu thế kể trên.

Thực tế cho thấy việc giảm nghèo ở địa phương vẫn chưa thực chất. Có hiện tượng một số địa phương cố tình cho các hộ nghèo thoát nghèo chỉ vì thành tích. Ông nghĩ gì về vấn đề này?

- Là đơn vị nghiên cứu, báo cáo vừa được Viện phối hợp với Bộ LĐTBXH, UNDP công bố không dựa trên số liệu từ địa phương mà dựa trên số liệu điều tra, khảo sát dân cư của Tổng cục Thống kê. Đây là cơ quan độc lập, khách quan, khoa học không bị phụ thuộc. Chính vì vậy, tôi nghĩ kết quả từ báo cáo mà chúng tôi vừa công bố mới đây là đáng tin cậy.

Vậy theo ông khó khăn hiện nay trong công tác giảm nghèo đa chiều của chúng ta là gì?

- Khi chuyển sang một phương pháp tiếp cận giảm nghèo mới rõ ràng chúng ta sẽ đối mặt với nhiều những khó khăn mới. Một trong những khó khăn lớn mà chúng ta đang gặp phải chính là sự thiếu hụt nhà vệ sinh và vấn đề tiếp cận giáo dục của người lớn và chiều tiếp cận BHYT. Đương nhiên, trong 2 năm gần đây chúng ta đã có những tiến bộ lớn trong lĩnh vực BHYT, nhưng 2 chiều còn lại vẫn khá khó khăn. Do đó, thời gian tới vấn đề nhà vệ sinh sạch và tiếp cận giáo dục người lớn cần được ưu tiên giải quyết.

Nhiều địa phương cho rằng có những tiêu chí còn chưa phù hợp như tiêu chí nhà vệ sinh, tiêu chí tiếp cận thông tin... cơ quan quản lý nhà nước đã nghiên cứu tới vấn đề này chưa, thưa ông?

- Có thể nói quá trình xây dựng chương trình nghèo đa chiều là quá trình rất chặt chẽ đề cập trong nghị quyết của Quốc hội. Chính phủ đã thực hiện rất nhiều vòng tham vấn như chuyên gia, cơ quan quản lý địa phương, trung ương, nhà khoa học, lấy ý kiến bộ ngành, người dân... để xây dựng ra bộ tiêu chí này. Tất nhiên không có bộ tiêu chí nào đáp ứng được hết tất cả các vùng miền vì thế với mỗi địa phương, vùng miền cần có nghiên cứu để đưa ra chính sách chuyên sâu hơn.

Nếu được hiến kế về chính sách giảm nghèo trong thời gian tới, ông sẽ hiến kế gì?

- Theo tôi, khi thực hiện chính sách giảm nghèo cơ quan quản lý từ Trung ương tới địa phương cần phải thực hiện linh hoạt, giao quyền tự quyết cho địa phương, người nghèo. Thực tế, có những nơi người nghèo được lựa chọn cách thoát nghèo và điều này mang lại hiểu quả rất cao. Bên cạnh đó, lại có những địa phương không làm tốt việc này, thực hiện cách áp đặt. Ví dụ như khi thực hiện chính sách tín dụng một cách áp đặt, ở trên nghĩ tín dụng quan trọng nhưng khi họ không có phương tiện sản xuất thì tín dụng lại là một gánh nặng, cho nên việc người nghèo tự suy nghĩ cân nhắc là có vay hay không là việc cần thiết. Chính bởi vậy mà các địa phương cần làm tốt bước khảo sát trước khi thực hiện các chính sách giảm nghèo, đặc biệt cần chú ý việc phân cấp phân quyền, giao quyền tự chủ chọn cách thoát nghèo cho người nghèo.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem