Lầm tưởng bằng thạc sĩ dễ xin việc

Thứ hai, ngày 30/09/2013 16:15 PM (GMT+7)
Theo các chuyên gia giáo dục, trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, các nhà tuyển dụng ngần ngại sử dụng bằng cấp cao vì liên quan hệ số lương thưởng. Thực tế này khiến nhiều thạc sĩ ra trường gặp khó khi xin việc.
Bình luận 0
Ngày càng nhiều tân cử nhân học lên thạc sĩ vì thất nghiệp khi mới ra trường, khiến vòng luẩn quẩn tốt nghiệp - thất nghiệp tái diễn. Theo các chuyên gia giáo dục, đặc thù đào tạo bậc cao cần có sự định hướng nghề nghiệp tốt trước khi đăng ký học.

“Phong trào” nâng bằng cấp

Tốt nghiệp ĐH Đông Á (Đà Nẵng) ngành Quản trị kinh doanh với tấm bằng giỏi, Nguyễn Thị Hoài B. (quê Quảng Bình) “rải” đơn xin việc đến hàng loạt cơ quan chức năng địa phương, miền Trung nhưng không có việc làm ổn định. Nghe lời khuyên bạn bè, B. ôn luyện và thi đỗ học viên cao học Quản trị kinh doanh ĐH Đà Nẵng. “Nhiều chỗ nói không nhận bằng dân lập nên mình muốn nâng bằng để hồ sơ xin việc sau này tốt hơn”, B. nói. Theo B., lớp hơn chục học viên, nhưng phần lớn là sinh viên mới tốt nghiệp ra trường đăng ký học lên thạc sĩ.

Hơn 3 tháng ra trường không xin được việc làm, Trần Minh N. (quê Thăng Bình, Quảng Nam) đăng ký dự thi cao học ngành Ngôn ngữ học (ĐH Đà Nẵng). N. bảo: khóa K29 mới thi ngày 21.9 vừa qua, chưa có kết quả. Tỉ lệ “chọi” khá cao, em đang mong mình đạt kết quả tốt. Đằng nào chưa có việc làm, học lên thạc sĩ để sau này có bằng cao, có thể dễ xin việc hơn.

Xu hướng sinh viên tốt nghiệp, không việc làm ổn định học lên cao học ngày càng nhiều.
Xu hướng sinh viên tốt nghiệp, không việc làm ổn định học lên cao học ngày càng nhiều.

Theo Ban Đào tạo sau đại học (ĐH Đà Nẵng), những năm gần đây xu hướng sinh viên mới tốt nghiệp ĐH đăng ký học luôn thạc sĩ rất nhiều. Phần vì muốn nâng cao bằng cấp, kiến thức, phần vì chưa có việc làm ổn định. Một cán bộ Ban này cho hay: Từ năm 2010 về trước, đơn vị có thống kê tuổi các học viên nhưng sau đó thì không duy trì. Lấy mốc năm 2010, tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp học luôn thạc sĩ chỉ chiếm 15-20%. Nhưng đến nay, con số này ước khoảng trên dưới 50%.

Chỉ tính riêng các lớp khóa K29 vừa thi mấy ngày trước, trong tổng số 1.800 thí sinh dự thi, có đến gần 200 thí sinh sinh năm 1990 (mới tốt nghiệp ra trường) và gần 1.000 thí sinh sinh năm 1988-1989. Trung bình mỗi năm, ĐH Đà Nẵng mở thêm 1-2 ngành đào tạo cao học bậc thạc sĩ mới. Thống kê hiện nay, ĐH này có 29 chuyên ngành thạc sĩ và 18 chuyên ngành tiến sĩ. Riêng số lượng học viên thạc sĩ mới mỗi năm trên dưới 1.000 người cho 2 đợt tuyển sinh. Nhiều trường ĐH dân lập đăng ký đào tạo sau đại học, mở thêm hàng loạt mã ngành theo nhu cầu đào tạo, sử dụng, khiến số lượng thạc sĩ tốt nghiệp mỗi năm là con số không hề nhỏ.

Định hướng tốt, dễ xin việc

PGS.TS Phan Cao Thọ, Phó trưởng ban Đào tạo sau đại học (ĐH Đà Nẵng), cho hay: Ngành đào tạo bậc cao, thạc sĩ, tiến sĩ là một nhu cầu thực tế cần thiết trong việc nghiên cứu, đào tạo và sử dụng lao động chuyên môn cao. Không riêng ĐH Đà Nẵng, xu hướng cả nước học viên cao học đang tăng. Với hình thức đào tạo chính quy không tập trung, nên nhiều học viên có việc làm đăng ký theo học để nâng cao trình độ chuyên môn.

Thời gian gần đây tỉ lệ sinh viên mới tốt nghiệp, chưa có việc làm đăng ký học cao học chiếm tỉ lệ khá cao. ĐH Đà Nẵng chú trọng, đảm bảo chất lượng đào tạo cao học. Tuy nhiên việc sử dụng thế nào lại phụ thuộc vào các nhà tuyển dụng. Có khi người ta không cần bằng cấp mà chỉ xét theo năng lực. Do đó, trước khi đăng ký cao học, học viên phải có sự định hướng tốt nhất cho quá trình ra trường, tốt nghiệp của mình, TS Thọ nói.

Theo các chuyên gia giáo dục, trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, các nhà tuyển dụng ngần ngại sử dụng bằng cấp cao vì liên quan hệ số lương thưởng. Thực tế này khiến nhiều thạc sĩ ra trường gặp khó khi xin việc.

Luật sư Lê Cao, Cty Luật hợp danh FDVN (Đoàn luật sư TP Đà Nẵng) cho hay: Thạc sĩ thất nghiệp đang là một vấn đề đáng ngại, báo động cho công tác đào tạo hiện nay. Các nhà đào tạo, tuyển dụng cần nâng cao tính trách nhiệm xã hội. Thực tế, ngành giáo dục chưa kiểm soát hết được nhu cầu xã hội để đưa ra những chỉ tiêu tuyển sinh, đào tạo phù hợp. Trong khi đó, chất lượng đào tạo, đầu ra thạc sĩ như thế nào vẫn chưa có một khung chuẩn, thẩm định. Quyền học là của mọi người, và tuyển dụng như thế nào là quyền của các đơn vị tuyển dụng. Nếu không có tiếng nói chung thì tình trạng đào tạo tràn lan, thạc sĩ thất nghiệp ngày càng phổ biến- Luật sư Cao nói.

Tiền Phong (Theo Tiền Phong)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem