Làm việc trong nhà máy sợi nhưng không đội mũ bảo hiểm, cô gái bị máy cuốn sợi lóc toàn bộ da đầu
Làm việc trong nhà máy sợi nhưng không đội mũ bảo hiểm, cô gái bị máy cuốn sợi lóc toàn bộ da đầu
Bạch Dương
Thứ ba, ngày 20/02/2024 18:16 PM (GMT+7)
Bị máy cuốn sợi kéo lóc toàn bộ da đầu và một phần vành tai, cô gái 28 tuổi đã được các bác sĩ nối mạch máu, ghép nguyên vẹn mảng da đầu bị cuốn đứt rời.
Chiều 20/2, Bệnh viện Chợ Rẫy đã thông tin về trường hợp báo động đỏ, vi phẫu cấp cứu ghép nối lại mảnh da đầu đứt rời.
TS.BS Ngô Đức Hiệp, Trưởng khoa Bỏng – Phẫu thuật tạo hình cho biết, bệnh nhân K.O (sinh năm 1996, ngụ Tây Ninh) làm việc trong một nhà máy kéo sợi. Sáng 18/1, khi đang làm việc, do không đội mũ bảo hiểm, khi cúi xuống, tóc đã bị cuốn vào máy, lóc toàn bộ da đầu, đứt một phần vành tai trái, được các bệnh viện ở địa phương sơ cứu rồi chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy lúc 10h cùng ngày.
Trong lúc bệnh nhân được đưa đi cấp cứu, đồng nghiệp đã lấy mảng da đầu bị lóc bỏ vào túi nylon buộc lại, cho vào thùng đá và chuyển đến viện sau đó.
Ngay khi nhập viện, bệnh nhân đã bị lóc toàn bộ da đầu từ trước ra sau, lộ xương sọ, được dùng thuốc giảm đau, an thần, kháng sinh, kích hoạt báo động đỏ cấp cứu. 13h, bệnh nhân được mổ cấp cứu.
"Khó khăn nhất là miếng da đầu lóc bị cuốn vào máy, dập nát các mạch máu bên trong, rất khó để làm vi phẫu nối lại", BS Hiệp chia sẻ.
Ca mổ kéo dài 4h30. Các bác sĩ vi phẫu đã tìm kiếm, bóc tách, bảo tồn những mạch máu chưa bị dập nát để nối lại, cố gắng cứu sống da đầu cho bệnh nhân.
Điều các bác sĩ lo ngại nhất là sau ca mổ, mạch máu không lưu thông để nuôi phần da đầu được ghép. Sau một vài tắc nghẽn nhẹ ngay sau mổ, da đầu bệnh nhân đã sống tốt, tóc bắt đầu mọc lại một tuần sau phẫu thuật. Sau một tháng, tóc bệnh nhân đã mọc lại hoàn toàn, vành tai bên trái được nối đã liền hẳn.
"Đây là tổn thương rất nặng, khó xử trí. Rất may bệnh nhân sơ cứu và chuyển cấp cứu khá nhanh, bảo quản phần da đầu rất tốt và đúng cách: Bỏ vào túi nilong, cột chặt rồi cho vào nước đá, không để trực tiếp bộ phận cơ thể vào nước đá vì sẽ làm tổn thương các mô, mạch máu", BS Hiệp thông tin thêm đồng thời khuyến cáo công nhân trong các nhà máy, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phải thực hiện nghiêm các biện pháp an toàn lao động.
Mỗi năm, Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận 8-10 ca lóc da đầu, ngoài do tai nạn lao động thì còn nhiều trường hợp do bị vướng vào ghe, tàu. Đa phần các ca này đều ở tỉnh xa, khi đưa lên bệnh viện đã quá trễ, phần da bị lóc không được bảo quản nên khó ghép.
Với những trường hợp miếng da đầu hoại tử không dùng được, phải dùng nhiều biện pháp như ghép các miếng da đầu dưới lên che hộp sọ, lấy một lớp da đầu mỏng ghép lên, dù da sống nhưng không mọc được tóc; đặt túi giãn da…
BS.CK2 Phạm Thanh Việt, Trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết, các ca như vậy không có nguy cơ tử vong tại chỗ nhưng nếu không xử lý thì sẽ để lại hậu quả xấu. Da đầu không có miếng da che phủ, để lộ xương sọ lâu sẽ dẫn đến hoại tử xương sọ, có thể nguy hiểm tính mạng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.