Các chuyên gia ở Mỹ thử nghiệm phương pháp "đóng băng" người sống để chữa trị.
Chuyên gia Samuel Tisherman đến từ Đại học Maryland, Mỹ, nói trên tờ New Scientist, rằng nhóm các bác sĩ của ông đã đưa ít nhất một bệnh nhân vào trạng thái “đóng băng”. Tisherman không tiết lộ chi tiết số người tham gia thử nghiệm và những người sống sót.
Kỹ thuật trên được gọi là phương pháp dự phòng và hồi sức khẩn cấp (EPR). Các bệnh nhân được đưa đến trung tâm y tế Đại học Maryland ở Baltimore, Mỹ, trong tình trạng chấn thương cấp tính, ví dụ như bị đâm bằng dao hoặc bị đạn bắn.
Thông thường, tim của một bệnh nhân ngừng đập, lưu lượng máu trong cơ thể họ sẽ nhanh chóng giảm xuống tới một nửa. Các bác sĩ chỉ có khoảng vài phút để cứu sống bệnh nhân, với chỉ khoảng 5% khả năng thành công.
Với phương pháp mới, bệnh nhân được đưa vào trạng thái làm lạnh nhanh bằng cách thay máu với dung dịch nước muối lạnh, nhiệt độ cơ thể chỉ còn ở mức 10-15 độ C. Não bộ của bệnh nhân chỉ còn hoạt động ở mức tối thiểu.
Cơ thể bệnh nhân sau đó được tách khỏi hệ thống làm lạnh, nếu chưa được coi là đã chết, được đưa đến phòng phẫu thuật. Các bác sĩ có 2 giờ đồng hồ để giải quyết chấn thương của bệnh nhân.
Một khi quá trình này hoàn tất, bệnh nhân được đưa về phòng hồi sức, làm ấm cơ thể, kích cho tim đập trở lại. Tisherman nói ông dự kiến sẽ công bố toàn bộ thí nghiệm vào cuối năm 2020.
Thử nghiệm của Tisherman và các cộng sự dựa trên nguyên tắc nhiệt độ càng giảm thì quá trình trao đổi chất của cơ thể càng chậm. Ở nhiệt độ cơ thể 37 độ C, các tế bào cần oxy liên tục để tạo ra năng lượng sống. Một khi tim ngừng đập, não bộ chỉ có thể duy trì được 5 phút trước khi các tổn thương xảy ra.
Với phương pháp giảm nhiệt độ cơ thể xuống mức đáng kể, não bộ và các tế bào gần như ngừng hoàn toàn các phản ứng hóa học, từ đó cần lượng oxy ít hơn.
Kết quả sẽ được so sánh với 10 bệnh nhân khác cũng nhập viện trong điều kiện tiêu chuẩn nhưng không được điều trị. Đó là bởi họ nhập viện vào các khoảng thời gian mà các bác sĩ ở trung tâm y tế Đại học Maryland không kịp tổ chức đội cấp cứu và đội phẫu thuật cùng lúc.
Các cuộc thử nghiệm được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép. FDA yêu cầu các bệnh nhân sử dụng phương pháp điều trị đặc biệt phải là người rơi vào tình trạng thập tử nhất sinh và không có cách điều trị nào khác.
Trên thực tế, phương pháp điều trị của Tisherman vẫn còn nhiều rủi ro. Không ai biết bệnh nhân có thể “đóng băng” trong bao lâu. Khi được hồi sức trở lại, các tế bào có thể bị tổn thương vì nhiều lý do. “Chúng tôi có các phương án đối phó, nhưng chưa lường hết các rủi ro”, Tisherman thừa nhận.
Tiến sĩ Yuri Pichugin là người nghĩ ra cách bảo quản người chết bằng cách đóng băng để chờ cơ hội hồi sinh trong tương...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.