“Hồn Trương Ba, da hàng thịt” là một trong nhiều vở kịch đỉnh cao của Lưu Quang Vũ, từng được giải thưởng quốc tế tại liên hoan sân khấu nước ngoài. Tác phẩm đã được dàn dựng và công diễn thành công rất nhiều lần trên sân khấu với nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau như chèo, kịch nói, kịch hình thể,… Nhưng đây là lần đầu tiên, kịch phẩm “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” nói riêng và kịch Lưu Quang Vũ nói chung được dựng dưới hình thức múa rối cạn. Vở diễn được Nhà hát Múa rối Thăng Long dàn dựng với nhiều tìm tòi sáng tạo mang hơi thở đương đại dự kiến sẽ tham dự Liên hoan Quốc tế Sân khấu thử nghiệm lần thứ III do Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tổ chức vào tháng 11.2016 tới đây.
Sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa rối và người gây ấn tượng cho người xem. Ảnh: Khánh Thư
Theo NSND Nguyễn Hoàng Tuấn - Giám đốc Nhà hát Múa rối Thăng Long, vở rối cạn “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” có thể xem như một “siêu phẩm” được thực hiện kỳ công nhất của các nghệ sĩ rối Việt Nam từ trước đến nay. Từ nguyên gốc kịch bản sân khấu 90 trang, NSƯT Đăng Tiến đã chuyển thể thành 30 trang kịch bản dùng cho rối cạn với các lớp lang, màn diễn cô đọng nhất mà vẫn đảm bảo những nhân vật, tình huống, diễn biến cốt truyện mang sắc thái kinh điển như nguyên tác.
Với nung nấu muốn làm một “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” không giống ai, một ngôn ngữ mới cho nghệ thuật rối, đạo diễn vở - NSƯT Lê Chí Kiên đã mất 2 tháng mới ra ý tưởng sân khấu là bàn cờ âm dương, có thiên đình và hạ giới, người trần và tiên cảnh. Và trong không gian hỗn độn đó, những triết lí nhân văn về cuộc đời, về con người của kịch Lưu Quang Vũ được chuyển tải tới người xem bằng hơi thở của thời đại, bằng nét riêng có của nghệ thuật múa rối.
Hình ảnh bàn cờ và triết lý âm dương được NSƯT Doãn Bằng thể hiện rõ trong thiết kế sân khấu. Ảnh: Khánh Thư
Tại buổi tổng duyệt vở rối “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” vào cuối tuần qua, ông Đào Đăng Hoàn – Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Bộ VHTTDL) đánh giá: Mặc dù trong loại hình múa rối thường rất khó để có thể thể hiện cảm xúc như kịch nói thông thường, nhưng vở rối này đã lồng vào được tinh thần sân khấu rõ nét. Trong khi đó, NSƯT Lê Chức- Phó Chủ tịch Hội nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam nhận xét vở diễn hướng tới sự sáng tạo, tìm tòi và phát triển cái mới mà ở đó rối và người phối hợp với nhau rất tự nhiên và nhuần nhuyễn, không bị “kênh” dù thể hiện ở nhiều tầng sân khấu. Nhà nghiên cứu phê bình - PGS.TS. Lưu Khánh Thơ - em gái tác giả Lưu Quang Vũ cũng cho rằng vở diễn đã tìm cách biểu hiện mới và đạt được hiệu quả nghệ thuật khi kết hợp giữa yếu tố truyền thống và yếu tố hiện đại.
Chú trọng đến hình thức thể hiện hấp dẫn, vở rối “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” được đầu tư phần âm nhạc có sự kết hợp đa dạng từ ca cải lương, hát tuồng, hát chèo, hát xẩm, hát chầu văn đến cả hát nhạc mới. Đây cũng là một điểm nhấn thú vị và mới mẻ cho đông đảo người xem, góp phần giúp vở diễn “lấy lòng” được cả lớp thế hệ cũ và khán giả trẻ.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.