Ngoài bài “Tiếng Việt”, không hiếm lần thơ Lưu Quang Vũ phải sửa

PGS.TS. Lưu Khánh Thơ Thứ hai, ngày 04/07/2016 15:13 PM (GMT+7)
Theo tiết lộ của PGS.TS Lưu Khánh Thơ, việc khác nhau ở các văn bản tác phẩm của Lưu Quang Vũ không phải là điều hiếm gặp. Có khi do yêu cầu của người biên tập, cũng có khi do chính tác giả thay đổi.
Bình luận 0

LTS: Liên quan đến bài thơ “Tiếng Việt” của tác giả Lưu Quang Vũ xuất hiện trong đề thi Ngữ văn - kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016 vừa qua gây ra nhiều tranh cãi về tính chính xác của cách dùng từ “như bùn” hay “như đất cày”, để giúp bạn đọc tiếp cận trực tiếp với bản thảo ban đầu của bài thơ, được sự cho phép của gia đình tác giả, báo điện tử Dân Việt đã chính thức công bố bản thảo viết tay bài thơ “Tiếng Việt”.

Hôm nay, Dân Việt trân trọng tiếp tục gửi tới bạn đọc bài viết của em gái tác giả Lưu Quang Vũ là PGS.TS Lưu Khánh Thơ (Viện Văn học) viết riêng cho Dân Việt xung quanh câu chuyện văn bản tác phẩm Lưu Quang Vũ.

img

***

NHÂN BÀI "TIẾNG VIỆT" NÓI THÊM

VỀ VĂN BẢN TÁC PHẨM CỦA LƯU QUANG VŨ

Sau buổi thi môn Ngữ văn, hàng loạt ‎ ý kiến tranh cãi đã diễn ra liên quan đến câu thơ “Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa” trong bài thơ Tiếng Việt của tác giả Lưu Quang Vũ có trong đề thi bị cho là trích dẫn sai. Rất nhiều giáo viên, những bạn đọc yêu văn học, thậm chí có cả các nhà văn nhà thơ cho rằng Bộ Giáo dục đã nhầm lẫn trong đề thi năm nay. Ngay lập tức, khi được hỏi, tôi đã khẳng định Bộ Giáo dục không sai. Câu thơ “Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa” hay “Ôi tiếng Việt như đất cày, như lụa” đều chính xác, nằm ở trong các văn bản khác nhau. Về điểm này, tôi đã nói rõ trong bài viết trên danviet.vn. Người ra đề thi hoàn toàn có thể lựa chọn một trong hai văn bản, điều quan trọng nhất là đáp án phải phù hợp với câu thơ đã chọn. Các em học sinh yên tâm thực hiện theo tiêu chí của đề bài. Về mặt văn bản, sự khác nhau này là chấp nhận được, miễn là đã được công bố một cách chính thức.

Lúc sinh thời, việc in ấn tác phẩm của Lưu Quang Vũ (thơ cũng như truyện) gửi các báo, tạp chí, nhà xuất bản, hầu hết là do nhà thơ Xuân Quỳnh đảm nhiệm. Anh Vũ không mấy quan tâm. Sau khi anh chị tôi mất (1988), việc này do tôi thực hiện, khi cần thiết có tham khảo ý kiến của hai cháu Tuấn Anh (con trai nhà thơ Xuân Quỳnh) và Lưu Minh Vũ (con trai nhà thơ Lưu Quang Vũ).

Do đó, theo suy nghĩ của tôi, bài thơ “Tiếng Việt” được in trong cuốn “Thơ Việt Nam 1945-1985” của NXB Giáo dục, 1985 do GS. Nguyễn Đức Nam làm chủ biên là do nhà thơ Xuân Quỳnh cung cấp. Chị Xuân Quỳnh đã từng cộng tác với GS. Nguyễn Đức Nam tuyển chọn cuốn thơ “Tình bạn, tình yêu” (NXB Giáo dục, 1987) và rất quý trọng ông.

Xung quanh các tác phẩm của Lưu Quang Vũ, việc khác nhau ở các văn bản không phải là điều hiếm gặp. Có khi do yêu cầu của người biên tập (nhưng chắc chắn là phải có sự đồng ý của tác giả, bởi vì, anh chị tôi đều là những người khá cẩn trọng với đứa con tinh thần của mình), cũng có khi do chính tác giả thay đổi. Tôi xin công bố một số thông tin để người đọc hiểu rõ thêm. Bài thơ “Từ biệt” trong bản thảo gốc:

Chiếc cốc tan, không thể khác đâu em 

Anh nào muốn nói những lời độc ác 

Như dao cắt lòng anh như giấy nát 

Phố ngoài kia ngột ngạt những toa tàu 

Tiếng bán mua tiếng cãi chửi ồn ào 

Những nhà cửa nhỏ nhoi những mặt người bụi bẩn

Cuộc sống này chẳng có gì đáng trọng

Khiến người ta không thể tốt cùng nhau. 

Nhưng khi công bố lần đầu thì không có hai câu thơ sau, mà thay vào đó là dấu “...” sau “những mặt người bụi bẩn...”.

Hay trong bài “Lá thu”, câu thơ đầu ở một khổ thơ, Lưu Quang Vũ viết về một địa danh cụ thể: “xóm Hạ Hồi hôm ấy mưa rơi” gắn với một kỷ niệm tình yêu, nhưng sau đó anh đã chủ động đổi thành “ngõ phố dài hôm ấy mưa rơi”. Hoặc bài thơ “Những đêm hoa vàng” cũng có những phiên bản khác nhau, so với bản đã in và văn bản do một vài người bạn của anh cung cấp cho tôi. Khác ngay cả đầu đề, đã đổi thành “Hoa vàng ở lại”.

img

Bút tích bài thơ "Lá thu" có chi tiết do tác giả chủ động sửa lại. (Tư liệu gia đình cung cấp)

Không chỉ có thơ mà các sáng tác kịch của Lưu Quang Vũ cũng có nhiều thay đổi nếu so với văn bản gốc. Điển hình là kịch bản "Tôi và chúng ta" khi duyệt đã bị yêu cầu phải thay đổi 22 chỗ. Ngay cả kịch bản “Hồn Trương Ba da hàng thịt” nổi tiếng của anh ở phần kết của vở cũng có hai bản khác nhau, đều đã công bố chính thức, một in trong sách “Lưu Quang Vũ – Xuân Quỳnh gửi lại”, kỷ niệm ngày giỗ đầu của anh chị do NXB Đà Nẵng ấn hành (1989), một bản khác in trong “Tuyển tập kịch Lưu Quang Vũ”, NXB Sân khấu (1994).

Khi PGS.TS. Phạm Vĩnh Cư viết chuyên luận “Thể loại bi kịch trong văn học Việt Nam thế kỷ XX” (In trong “Sáng tạo và giao lưu”, NXB Giáo dục, 2007), ông đã yêu cầu tôi cung cấp cả hai văn bản. Và trong bài viết, ông đã chú dẫn rõ ràng là nghiên cứu của mình dựa vào văn bản thứ nhất. Ở phần kết bài viết, ông đã đưa ra một nhận định bao quát: “Vở kịch của Lưu Quang Vũ sở dĩ thu phục được nhiều khán giả nước ngoài, có lẽ bởi nó phù hợp với tâm trạng phổ biến trong xã hội hiện đại – xã hội đã đánh mất niềm tin cũ vào những giá trị siêu nhân loại và chưa tìm được cái gì thay thế nó”.

PGS.TS. Phạm Vĩnh Cư là một chuyên gia hàng đầu về văn hóa, văn học Nga và Việt Nam, một nhà nghiên cứu chuyên nghiệp, có uy tín đối với độc giả trong và ngoài nước. Khi bắt tay vào việc nghiên cứu một vấn đề nào đó, ông rất coi trọng việc xử lý văn bản tư liệu. Qua đó, chúng tôi càng có thêm cơ sở khoa học cho suy nghĩ của mình. 

Lưu Khánh Thơ

Nhà báo Lưu Minh Vũ – con trai của nhà thơ Lưu Quang Vũ cung cấp thêm thông tin tới Dân Việt:  “Tôi muốn nói lại cho rõ hơn. Bản viết tay có chi tiết "như bùn" là văn bản gốc, nhưng bản "đất cày" là văn bản ra mắt bạn đọc lần đầu tiên. Mặc dù tác giả muốn dùng bản nguyên gốc khi có điều kiện (như sách của NXB Giáo dục 1985, có thể tại tập tuyển này, nhà thơ đã gởi bản đầu để in - nhóm biên soạn đều là đồng nghiệp và người quen biết) nhưng sau khi nhà thơ mất, gia đình và bè bạn có xuất bản một số tập thơ của Lưu Quang Vũ như Tập “Mây trắng của đời tôi”, xuất bản 1989, bản thảo đã được chuẩn bị từ trước và xếp hàng ở NXB Tác phẩm mới, trong đó là “đất cày”.

Tôn trọng giá trị văn bản, gia đình vẫn quyết định giữ nguyên bản ra mắt bạn đọc lần đầu tiên, được nhiều người  biết. Còn bản "như bùn" (có nhiều câu khác với bản “đất cày”) vẫn được gìn giữ.

Có thể trong lần xuất bản tới gia đình sẽ in song song hai bản để bạn đọc hiểu thêm được một đời thơ như Lưu Quang Vũ, mà ở đó có cả những câu trong bản viết tay vốn hợp với “tạng” của nhà thơ hơn, sau những năm tháng "viển vông cay đắng u buồn", thơ viết ra chỉ ở trong tâm trí bạn bè, không thể được xuất bản".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem