Lần duy nhất làm diễn viên của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

Thứ bảy, ngày 22/08/2015 09:20 AM (GMT+7)
Lần duy nhất làm diễn viên của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong bộ phim ít được phổ biến mang tên "Đất khổ" đã để lại trong lòng công chúng mến mộ cố nhạc sĩ tài hoa ấn tượng khó phai mờ.
Bình luận 0

"Đất khổ" được quay từ năm 1971 và hoàn tất vào năm 1973 do nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đóng vai chính cùng dàn nghệ sĩ nổi tiếng như: "kỳ nữ" Kim Cương, nhà văn Sơn Nam, diễn viên Bạch Lý, NSƯT Thành Lộc (Khi đó mới 8 tuổi).

Phim lấy bối cảnh từ ba biến cố chính trong lịch sử chiến tranh Việt Nam: vụ Phật giáo tranh đấu năm 1965 ở Huế, Tết Mậu Thân (1968), và Mùa đỏ lửa (1972). Với khuynh hướng hiện thực xã hội, có nhiều cảnh tàn khốc dùng từ cảnh quay và những thước phim tài liệu nên chính quyền Sài Gòn cũ cảm thấy lo ngại và cấm phổ biến rộng rãi.

Bởi thế, sau khi hoàn thành, bộ phim chỉ được chiếu 2 lần rồi rơi vào quên lãng trong ...xó hầm nhà của ông George Washnis - một nhà sản xuất phim ảnh của Mỹ từng sống làm việc tại miền Nam Việt Nam.

img

Trịnh Công Sơn "phiêu" với ca khúc "Tôi sẽ đi thăm"

Trong "Đất khổ", Trịnh Công Sơn đã vào vai nhạc sĩ Trịnh Quân với dáng vẻ phong trần và chất âm nhạc "đặc sệt da vàng". Qua màn ảnh, công chúng như bắt gặp nguyên mẫu Trịnh Công Sơn qua vai diễn Trịnh Quân yếu đuối, tài hoa trong vùng đất mẹ - xứ Huế khổ đau đầy bi tráng giữa những năm tháng chiến tranh ác liệt. Với trang phục áo jacket bụi bặm, tóc bồng bềnh, quần jeans ống loe cùng cây guitar... nhạc sĩ Trịnh Công Sơn gần như đạt đến độ diễn mà như không diễn.

img

Trịnh Quân của "Đất khổ" luôn gắn bó với cây đàn

Câu chuyện bắt đầu bằng hành trình đi bộ vượt đèo Hải Vân từ Đà Nẵng về Huế thăm mẹ của nhạc sĩ Trịnh Quân. Thấp thoáng trên vai, trong túi xách tay của anh là chùm hoa mang về tặng người yêu tên Diễm nhân dịp sinh nhật.

Không nhằm miêu tả cuộc chiến bạo liệt hay những thế lực thù địch đối kháng, bộ phim tuyệt nhiên là câu chuyện về tình yêu, tình ruột thịt, lòng yêu nước, sự gắn bó với văn hóa xứ sở và tiếng nói của giống nòi…

img

Cảnh bình yên hiếm có trong phim

Khá nhiều "ca khúc ca vàng" xuất hiện trong phim và gắn bó với cuộc đời của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn như: Dựng lại nhà, dựng lại người; Đại bác ru đêm; Khi đất nước tôi thanh bình... được công chúng yêu âm nhạc coi là gia tài vô cùng quý giá.

Với tiết tấu hơi dồn dập làm người nghe liên tưởng tới nhịp đạn pháo, nhịp chân chạy loạn cộng với lời ca thống thiết như tiếng kêu than buốt nhói về chia ly, mất mát.

img

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn với lối diễn nội tâm

Bối cảnh phim xoay quanh câu chuyện trong gia đình nhạc sĩ Trịnh Quân - điển hình cho hàng triệu gia đình Việt trong thời ly loạn: bà mẹ góa bụa (Bích Hợp đóng) cam chịu mọi đau khổ, cô chị gái (Xuân Hà) quá lứa lỡ thì vì vò võ đợi chờ người yêu, cô em út (Vân Quỳnh) là sinh viên yêu nước, chống chiến tranh. Đặc biệt phim còn có sự xuất hiện của một người lính Mỹ (diễn viên MỹJerry Liles đóng) đã "buông súng" quay lưng lại chiến tranh.

img

Nghệ sĩ Bích Hợp vào vai mẹ nhạc sĩ

"Đất khổ" đã phác thảo nên một thế giới phù du của những nghệ sĩ muốn tìm sự khuây khỏa trong âm nhạc và nét đẹp u hoài của nền văn hóa đang trên đà mai một, xói mòn trước những giá trị ngoại lai.

Dù phim chưa được phổ biến rộng rãi và nhiều khán giả cũng không hề biết đến lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất làm diễn viên của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nhưng giới chuyên môn trong và ngoài nước đã nhìn nhận "Đất khổ" không chỉ là một cuốn tư liệu quý về quá khứ mà còn làm người xem xúc động trước hình ảnh của cố nhạc sĩ tài hoa cùng một "thế hệ vàng" của văn nghệ Sài Gòn như: Nhạc sĩ Miên Đức Thắng, diễn viên Kim Cương, nhà thơ Lưu Nguyễn Đạt, nhà văn Sơn Nam...

Thùy Phương (Báo Gia đình & Xã hội)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem