“Làn gió” đuổi nghèo qua, Đắc Lua "vươn mình" đón sức sống mới

Trần Đáng Chủ nhật, ngày 03/09/2017 13:50 PM (GMT+7)
Sau bao năm gần như bị cô lập với xã hội bên ngoài, khi “làn gió” xây dựng nông thôn mới thổi qua, xã miền núi Đắc Lua (huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai) đã chuyển mình vươn lên với một sức sống mới.
Bình luận 0

Đắc Lua là vùng đất phù sa cổ, hằng năm vào tháng 8, tháng 9 đón hàng ngàn tấn phù sa từ thượng nguồn đổ về. Do địa hình cách trở, biệt lập với bên ngoài nên đời sống kinh tế, xã hội địa phương luôn trong tình trạng rất khó khăn.

Vươn mình khá giả

img

Anh Mai Văn Tần (ấp 4 xã Đắc Lua) đang thu hoạch bí đỏ.  Ảnh: T.Đ

Xã Đắc Lua có hơn 1.500 hộ gia đình với trên 6.000 nhân khẩu. Từ năm 2012 đến nay, tổng kinh phí xây dựng chương trình nông thôn mới ở xã Đắc Lua là 160 tỷ đồng, trong đó người dân đóng góp là 8,3 tỷ đồng. 

Theo lời mời của Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tân Phú Đinh Văn Bản, chúng tôi về xã Đắc Lua để xem nông dân phát triển sản xuất sau nhưng năm tháng nỗ lực xây dựng nông thôn mới. Đi ngang cây cầu Đắc Lua với kinh phí đầu tư 59 tỷ đồng bắc qua sông Đồng Nai, nối Đắc Lua với thế giới bên ngoài, anh Bản thổ lộ: “Cầu mới khai trương, nó như một sự kích hoạt quan trọng giúp Đắc Lua phát triển kinh tế, xã hội”.

Khoảng 20 năm trước tôi cũng có dịp đứng bên bờ sông này mà đau đáu nhìn qua bên kia xã Đắc Lua. Con sông rộng lớn, nước chảy cuồn cuộn nhưng chỉ có con phà nhỏ bé, quà của bộ đội Đoàn 600 tặng nhân dân Đắc Lua, gồng mình chở nặng người dân qua lại hai bờ. Con phà này không dùng tay chèo hay máy nổ, mà dùng phương pháp phân tích lực véc-tơ của dòng chảy. Phà được nối bằng một sợi dây cáp với một sợi dây cáp nữa căng ngang sông. Nước chảy xuôi với một lực đủ để sợi cáp căng ra, con phà cứ thế trượt lên.

Đắc Lua ngày ấy vẫn còn những bàu, bưng ken dày cây ma dương, cỏ năng và lác, mặc dù bà con từ các tỉnh Hải Dương, Hà Tây… vào đã bứng đi hàng ngàn, hàng vạn gốc ma dương, thay vào là những ruộng lúa, ruộng ngô.

Xe vào trung tâm xã Đắc Lua, anh Bản đưa chúng tôi đến xưởng xe tơ tằm của ông Nguyễn Văn Lành (ấp 12). Đây được xem là “mầm mống” tiểu thủ công nghiệp đang nhen nhóm trên địa bàn xã. Ông Lành cho biết đã mở xưởng hơn 10 năm nay. Hiện xưởng có 2 dàn máy xe sợi, với 30 công nhân nữ, thu nhập 5 – 10 triệu đồng/người/tháng. Theo ông Lành, kén tằm được thu từ các nơi nuôi tằm trên địa bàn. Mỗi ngày ông xuất xưởng gần 30kg sợi tơ. “Sản phẩm tơ của xưởng được xuất bán cho các làng dệt, như Vân Phúc, Tân Châu. Giá tơ thời gian qua khá ổn định, sản phẩm làm ra không đủ bán” - ông hồ hởi.

Theo anh Bản, những năm gần đây, xã Đắc Lua triển khai chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thâm canh tăng vụ. Điển hình như việc chuyển đổi diện tích trồng lúa, bắp kém hiệu quả sang trồng dâu, nuôi tằm, trồng khổ qua, bí đỏ… đem lại thu nhập cao và ổn định hơn cho người dân.

Theo ông Vũ Duy Thanh – một nông dân nuôi tằm, thấy tình hình thị trường tơ tằm phát triển, 3 năm trước ông đã bỏ cây bắp, chuyển sang trồng hơn 1ha dâu để nuôi tằm lấy kén. Dâu sinh trưởng tốt nên giảm bớt chi phí chăm sóc và gần như nuôi tằm được quanh năm. “Nhờ công nghệ và giống mới, mỗi tháng tôi thu hoạch được 2 lứa kén với năng suất 4 - 6 hộp trứng kén/tháng. Mỗi hộp trứng cho ra 35 - 45kg kén. Tôi thu lời trung bình 20 - 25 triệu đồng/tháng” - ông thổ lộ.

Anh Dương Hữu Sanh - một nông dân nuôi tằm khác cho biết, đây là giống tằm lai của Trung Quốc. Giống tằm này rất khỏe, khá phù hợp với điều kiện sinh trưởng ở Việt Nam. Giống dâu cũng được nhập từ Trung Quốc, sau đó được lai với dâu bản địa khoảng 20 năm nay. Cây dâu phát triển tốt vì phù hợp thổ nhưỡng Việt Nam. Khi cho tằm ăn, lá dâu không phải thái nhỏ như kiểu nuôi tằm bản địa mà cứ đặt nguyên cành dâu.

“Giống tằm và giống dâu cho sản lượng kén gấp 3-4 lần kén của tằm trong nước. Kén có màu trắng. Sợi tơ dai và rất dài. Một kén này cho 1.200m, trong khi một chiếc kén tằm trong nước chỉ cho 700m” - anh Sanh nói.

Trong khi đó, anh Mai Văn Tần (ấp 4 xã) đang trồng 1ha bí đỏ lấy hạt cho biết, từ năm 2016, hưởng ứng phong trào chuyển đổi cây trồng của bà con trong vùng, anh đã mạnh dạn chuyển đổi từ trồng lúa, bắp sang trồng cây bí đỏ lấy hạt, thu nhập 100 - 120 triệu đồng/vụ. “So với trồng ngô, trồng lúa thì trồng bí đỏ lấy hạt thu nhập gấp nhiều lần” - anh Tần phấn khởi.

Phấn đấu hết hộ nghèo

Năm 2012, tôi có dịp trở lại Đắc Lua. Lúc ấy, đường giao thông ở xã vẫn còn khá nhiều ổ voi, ổ gà, nắng bụi, mưa lầy. Nhưng giờ thì đã khác, xe chúng tôi chạy bon bon trên những con đường bê tông, thậm chí có đoạn đường  đã được lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng.

Đắc Lua đã trở thành xã nông thôn mới. Ông Nguyễn Thành Nam (ấp 4) chia sẻ, từ khi xã tiến hành xây dựng nông thôn mới, diện mạo địa phương thay đổi rất nhiều, nhất là hệ thống đường giao thông kiên cố giúp người dân thuận tiện đi lại, tiết kiệm thời gian vận chuyển hàng hóa.

Ông Nguyễn Ngọc Nhì – Phó Chủ tịch UBND xã Đắc Lua cho biết, hiện phần lớn người dân trong xã đã có việc làm, thu nhập ổn định, đời sống vật chất và tinh thần được nâng lên đáng kể. Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục tạo điều kiện để người dân vay vốn phát triển sản xuất, tạo việc làm cho người nhàn rỗi, phấn đấu đến năm 2020 cơ bản xóa hết hộ nghèo. “Xã đang chủ trương hướng tới sản xuất sạch, phát triển các chuỗi cung ứng sản phẩm nông nghiệp, tạo đầu ra ổn định, xây dựng thương hiệu cho nông sản của xã” - ông Nhì thổ lộ. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem