Lan Hữu - một góc đời Nhượng Tống

Mai An Thứ sáu, ngày 20/11/2015 08:06 AM (GMT+7)
Nhà văn Nhượng Tống (1904 – 1949) tên thật là Hoàng Phạm Trân, quê ở làng Đô Hoàng, xã Yên Thành, huyện Ý Yên, Nam Định. Ông là nhà văn, nhà báo, dịch giả nổi tiếng, có rất nhiều đóng góp cho nền văn học và dịch thuật của Việt Nam. Sinh ra trong một gia đình Nho học, Nhượng Tống thông thạo chữ Hán từ nhỏ, sau tự học thêm tiếng Việt và tiếng Pháp.
Bình luận 0

img“Lan Hữu” là tên cuốn tiểu thuyết duy nhất của Nhượng Tống, từng được in cách đây hơn 70 năm vừa được Nhà xuất bản Văn học tái bản. Đó có thể được xem là cuốn tiểu thuyết thứ hai của nền văn học hiện đại Việt Nam, ra đời sau tác phẩm “Tố Tâm” của nhà văn Hoàng Ngọc Phách 15 năm. Đọc “Lan Hữu” câu chuyện tình thơ mộng của 3 nhân vật, Ngọc, Lan và Hữu, người đọc có thể cảm nhận rõ nhất một phần đời của chính nhà văn thông qua cuộc đời trang thiếu niên tên Ngọc.

Ngọc là cậu bé phát tiết tinh hoa từ sớm, được ông nội truyền dạy chữ Nho, khi được một người bác hỏi trong thơ Đường thích nhất nhà thơ nào, cậu bé nhận thích nhất thơ Đỗ Phủ. Cậu nói: “Thơ ấy gồm biết bao nhiêu bài tả những cảnh huống khổ nhục của đám dân nghèo. Mỗi khi con đọc, lại thấy như có đám người khố rách, áo ôm ấy kêu khóc ở bên tai, mà trong lòng thì uất ức muốn đứng phắt dậy… Thơ như thế mới thật là ‘khả dĩ hưng, khả dĩ quan, khả dĩ quần, khả dĩ oán”. Điều đó lý giải vì sao Nhượng Tống trở thành người bạn thân thiết, sát cánh bên vị anh hùng Nguyễn Thái Học trong cuộc đấu tranh của ông.

Đọc “Lan Hữu”, thấy phảng phất như “Hồng lâu mộng” với những mối tình thơ trẻ mà nồng nhiệt và đời sống nội tâm vô cùng phong phú của Ngọc. Một chàng trai yêu hoa từ bé, sống trong khu vườn mơ mộng của gia đình, mối tình đầu đời giấu kín với cô em họ và một cô bạn học tên Lan có bệnh thổ huyết chẳng khác gì Lâm Đại Ngọc trong “Hồng lâu mộng” khiến độc giả ngỡ như mình lạc vào một thế giới khác.

Bước ra khỏi thế giới ấy, các nhân vật va đập vào với đời sống thô ráp, sần sùi, họ vỡ mộng khi cô em họ phải lấy chồng, cô bạn học cũng nghe theo lời mẹ mà xa rời mối tình đầu thắm thiết. Và cuộc đời giống như một giấc mộng với kết truyện, hai cô gái gặp lại chàng trai  họ từng yêu tưởng có thể chết vì nhau.

Giá trị của “Lan Hữu” không phải là ở một câu chuyện tình tay ba éo le, mà người đọc có thể đọc từ trong văn Nhượng Tống thứ văn chương tinh khiết, run rẩy, mơ hồ và tràn đầy cảm xúc- điều rất hiếm thấy ở các tác phẩm văn chương hôm nay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem