Đọc lại “Việc làng”, ngẫm chuyện ngày nay

Mai An Thứ sáu, ngày 06/11/2015 08:16 AM (GMT+7)
“Việc làng”- loạt phóng sự của nhà văn Ngô Tất Tố được in trên báo Hà Nội Tân văn in lần đầu tiên vào năm 1940.
Bình luận 0

Đến giờ, những người yêu mến sự nghiệp của ông có thể tìm đọc lại tác phẩm này trong tủ sách “Việt Nam danh tác” do Nhà xuất bản Hội Nhà văn và Công ty Nhã Nam ấn hành. 75 năm đã qua, đọc lại một tác phẩm danh tiếng của một trong những cây phóng sự bậc nhất Bắc kỳ hồi đó, những nỗi đắng cay, chua chát, ngậm ngùi dường vẫn còn nguyên.

imgNhà phê bình văn học Lại Nguyên Ân đã viết: “Như một nhà dân tộc học với trải nghiệm thâm hậu, Ngô Tất Tố đã cung cấp những dẫn liệu điền dã cực kỳ sống động về những góc khuất của cái cấu trúc đằng cấp nhiều tầng bậc chồng chéo của thôn quê Bắc kỳ… Cả thành tựu miêu tả phong tục ngang sức với những thiên khảo cứu nghiêm túc, lẫn chất lượng ngôn ngữ vượt trội của nó, trong đó nỗ lực miêu tả ngôn ngữ của con người chốn hương thôn Bắc kỳ ở thời đại tác giả, là một thành tựu đặc sắc mà chỉ những tay bút bậc thầy mới có thể đạt được”.

Trong “Việc làng”, nông thôn miền Bắc những năm đầu thế kỷ XX hiện lên sống động, trọn vẹn  với đầy đủ mọi vẻ, mối quan hệ làng xã. Ngòi bút Ngô Tất Tố phơi bày tất cả mặt trái của vẻ phong lưu mà các hương chức ở làng thôn khoác lên mình, bên trong nó là máu, nước mắt và nỗi khổ cực của những phận dân nghèo.

Như lời cụ Thượng ở làng Lão Việt nói với tác giả trước lúc nhắm mắt xuôi tay, để lại cái nợ cỗ bàn việc làng cho con cháu: “Một nước giống như cái xe bò, lớp trí thức là người làm bò, lớp dân quê là người đẩy xe. Nếu kẻ đẩy xe còn bị những dây tệ tục buộc chặt hai chân, thì kẻ làm bò tài giỏi bậc nào cũng không thể kéo được cái xe bò lên dốc… Vì vậy, tôi chỉ mong mỏi các ông đưa mắt đến chỗ bẩn thỉu, tối tăm trong lũy tre xanh”.

Sau luỹ tre xanh, hương thôn Bắc kỳ thời ấy có thể giết nhau chỉ vì một lời nói mắng mỏ dân ngụ cư, cả đám cúng tế lao vào choảng nhau vì một miếng thịt “lăm” lợn vốn dành cho ông chủ tế. Cái thuyết “một miếng giữa làng” đã khiến cho người ta rình rập, kèn cựa nhau đến mất cả nhân cách. Và nỗi tái tê khi con người ta sống không ra sống, chết chẳng dám chết vì những hủ tục cúng tế, lễ lạt đè nặng lên họ trong suốt cuộc đời, từ lúc sinh ra đến lúc nhắm mắt xuôi tay.

Đọc lại chuyện xưa để ngẫm đến ngày nay, càng thấy tinh thần “gạn đục khơi trong” và loại bỏ hủ tục mới có thể khiến cho nông thôn Việt Nam cất cánh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem