Một góc làng bè Vũng Rô
Cập ghe vào Bãi Bàng, anh Phạm Văn Tiến hì hục xách những bao mồi chất lên ghe và đèo thêm mấy cây đá để ra bè ướp mồi cho cá bớp. Anh Tiến cho hay: Bè nuôi của tôi có 2.000 con cá bớp đến kỳ xuất bán, mỗi con nặng 5-7kg, mỗi ngày cá ăn 5 tạ mồi. Vì vậy, tôi “đi chợ 5 tạ”, có người nuôi ít hơn thì “đi chợ 3 tạ”.
Chợ mồi cho cá là xe tải đông lạnh, người mua thức ăn cho cá bớp không lựa mà mua trụm. Bữa chợ hôm nay có trên 10 người đàn ông dàn hàng ngang xách mồi cho cá, mỗi túi ni lông là 10kg, cứ thế phần ai nấy xách ra ghe rồi nhổ neo.
Quê ở Yến, vùng biển thuộc xã An Hòa (huyện Tuy An), anh Tiến vào Vũng Rô làm nghề nuôi trồng thủy sản bằng lồng bè trên 10 năm. Anh sống một cảnh hai quê, có khác là sống ở đây quanh năm suốt tháng chịu cảnh ngủ bè. Đêm ngủ bè sóng vỗ, bè cựa quậy, khó chợp mắt. Đó là chưa nói đến mùa biển động có hôm sóng lớn, bọt nước liếm bè ướt sống lưng, nhưng riết thành quen.
Chếch về phía tây là Bãi Hương, tôi đi thúng chai ghé lên bè anh Phan Văn Kiệt đang nuôi cá bớp. Sau khi cho cá ăn no nê, gần trưa anh lắc thúng chai đi chợ, nói vui: Trên xóm bè chỉ toàn là đàn ông nên đàn ông trở thành “chuyên gia” đi chợ. Tính ra một ngày mỗi người đi chợ 2 lần, lần cho cá và lần cho mình. Đi chợ cho mình thì đơn giản gọn nhẹ, khi thì mua ký thịt với miếng bí đỏ về nấu canh, khi thì mua lát cá thu thêm bó rau muống.
Quê anh Kiệt ở tận Ninh Hòa (Khánh Hòa). Lúc lập gia đình, vợ chồng anh đến với nhau chẳng có gì, bảo nhau làm ăn để nuôi sống bản thân và con cái. Khi con lớn, sợ không lo cho được bằng bạn bằng bè nên hai vợ chồng bàn với nhau để anh đi làm ăn xa. Ngày anh theo người quen ra Vũng Rô nuôi cá, chị tặng chiếc nhẫn mài bằng nhôm như vật tượng trưng để mọi người biết anh là người đã có vợ. Từ ngày nuôi cá lồng bè, qua mỗi vụ, anh đều mang tiền về nên cuộc sống dần khá hơn.
Xa lắc ngoài kia là Bãi Nhãn. Sau một hồi ngồi thúng chai, tôi vào thăm bè nuôi tôm hùm của anh Trần Văn Lan. Được hỏi về nghề nuôi tôm, anh Lan cười tươi rói: “Nếu nuôi “trúng mánh” thì cũng vài trăm triệu đồng, tôi nuôi túc tắc năm rồi cũng “xém” 100 triệu đồng. Ở đây, cứ năm mười ngày hoặc nửa tháng, tôi về quê một lần, đó là dịp nhà có đám giỗ hay khách khứa”.
Quê anh Lan ở xã Xuân Quang 3 (huyện Đồng Xuân). Hồi vợ chồng mới ra riêng, anh mở cái quán nhỏ ở gần đường, cạnh trường tiểu học. Hàng ngày, cánh cửa tre được chống lên, treo mấy bì kẹo thèo lèo, đậu phộng, mấy nải chuối, gói mì tôm… Có hôm bán cả ngày, cả vốn lẫn lời không được 10.000 đồng. Anh bảo: Lúc đó, con còn nhỏ nên phải ráng chịu. Nhưng trong đầu tôi đã nảy ra ý định đi làm ăn xa để đổi đời chứ ở nhà đất ruộng bao nhiêu có chừng, khó phát triển lắm!
Sống trên bè, có khách đến, anh Lan đổ nồi nước bắc lên bếp nấu canh chua dọn bữa trưa. Nước sôi, anh nhổm người đứng dậy với tay rút gói bột ngọt, tiêu, nêm xong gói lại cất vô chỗ cũ. Anh nói tiếp: Lúc trước, tôi nấu bữa trưa, ăn luôn bữa chiều. Có một mình ăn mấy hột đâu, nấu nướng chi nhiều cho mất công. Sau đó rủ được đứa em rể vô nuôi chung thì nấu nướng ngày hai bữa cho đàng hoàng.
Trại trong bè chỉ kê đủ cái sạp nằm ngủ, cuối sạp để bộ bình chén, ăn cơm xong ngồi bó gối trên sạp rót nước trà uống. Anh Lan chia sẻ: Xóm “đàn ông” này cũng có qua có lại, lúc thì người ở bè bên kia bưng qua tô cháo đùm, lúc thì mình bưng lại chén cá kho keo. Xóm bè ơn nghĩa với nhau mà mưu sinh trong cuộc sống an bình…
Mạnh Hoài Nam (Báo Phú Yên)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.