Làng chuối khô, bánh tráng “hốt bạc” dịp Tết

Hoàng Hạnh-Chúc Ly Thứ năm, ngày 28/01/2016 06:49 AM (GMT+7)
Cứ vào dịp đầu tháng Chạp, người dân tại các làng nghề sản xuất chuối khô, bánh tráng ở khu vực miền Tây lại tất bật đêm ngày để cho ra lò những sản phẩm tốt nhất, đẹp nhất, ngon nhất nhằm phục vụ thị hiếu của người tiêu dùng khắp mọi miền đất nước dịp Tết Nguyên đán.
Bình luận 0

 Trong số đó, phải kể đến làng nghề chuối khô ở Cà Mau và làng nghề làm bánh tráng giấy ở Vĩnh Long. Đây là 2 trong số nhiều làng nghề có đơn đặt hàng nhiều nhất hiện nay.

img

Người dân làng nghề chuối khô Cà Mau tất bật sản xuất hàng tết. 

 Trăm năm làng nghề chuối khô

  Theo thống kê của Bộ NNPTNT, khu vực ĐBSCL hiện có trên 210 làng nghề tiểu thủ công, với một số nhóm nghề chính: Nghề đan đát, nghề dệt chiếu, thảm ở Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Trà Vinh…; nghề chằm nón, chằm lá ở Vĩnh Long; nghề làm gạch, làm gốm ở Vĩnh Long, Đồng Tháp, Cần Thơ...; nghề thủ công mỹ nghệ từ cây dừa, mây, tre, trúc và nhóm nghề phục vụ ẩm thực (nghề làm bánh, làm cốm, làm kẹo ở Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Vĩnh Long…; nghề làm khô, làm dưa, nem, rượu, sản xuất nước chấm...).

Có mặt tại các làng nghề chuối khô nổi tiếng của huyện Trần Văn Thời như Cơi Ba, So Le, Kiễu Mẫu, người dân cho biết, đây là những “vựa” chuối khô lớn nhất tỉnh Cà Mau, mỗi năm cung ứng ra thị trường trong và sau tết trên dưới 500 tấn chuối khô các loại. Trong không khí làm việc khẩn trương, ông  Phạm Văn Quây (66 tuổi, ngụ ấp 10 C, xã Trần Hợi) cho biết: “Hàng năm vào khoảng đầu tháng Chạp là người làm chuối khô ở địa phương lại trắng đêm sản xuất để có hàng bán cho thương lái trong và ngoài tỉnh. Giá bán sản phẩm những ngày này cũng khá cao, hiện ở mức 25.000 đồng/kg, tăng từ 10 - 20% (tùy loại) so với ngày thường”.

Nhiều lao động có hàng chục năm kinh nghiệm trong việc làm chuối khô ở các xã Trần Hợi, Khánh Hưng, Khánh Hải của huyện Trần Văn Thời cho biết: Vụ sản xuất trong và sau tết năm nào người dân cũng trúng đậm. Cá biệt có nhà sản xuất nhiều, với quy mô lớn kiếm lời trên dưới 30 triệu đồng/vụ. “Một chục chuối tươi có giá 35.000 đồng (14 nải), ép được khoảng hơn 7kg chuối khô, với giá bán dao động từ 20.000 -  25.000 đồng/kg thì người sản xuất đã có lãi khá rồi” – ông Thái Văn Hòa nói chắc nịch.

“Hốt bạc” với nghề bánh tráng giấy

Một trong những làng nghề độc đáo nhất ở miền Tây không thể không nhắc đến chính là làng nghề bánh tráng giấy Tường Lộc (ấp Nhà Thờ, xã Tường Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long), hiện thu hút gần 400 lao động làm nghề. Vào những ngày giáp tết, không khí sản xuất ở làng nghề càng nhộn nhịp, tất bật hơn bao giờ hết, các cơ sở sản xuất đang chạy “nước rút” để kịp giao hàng khắp nơi.

Những hộ sản xuất lâu năm ở đây cho biết, làng nghề bánh tráng giấy Tường Lộc được hình thành từ năm 1985. Từ đó đến nay, mỗi năm làng nghề sản xuất trên 150 tấn sản phẩm các loại, giá trị gần 2 tỷ đồng, với các mặt hàng chủ yếu là bánh tráng giấy, bánh xếp quặn, bánh xếp làm kẹo, bánh xếp. Riêng tháng giáp tết, sản lượng bánh tiêu thụ tăng từ 10 - 15% so với ngày thường.

Chị Nguyễn Thị Lượm- chủ cơ sở sản xuất Thành Liêm chia sẻ: “Mỗi năm, sản phẩm bánh tráng giấy luôn được đặt hàng rất nhiều, nếu không tranh thủ làm thì chắc chắn không kịp. Vào dịp tết lượng hàng làm ra tăng khoảng 5 lần so với ngày thường”.

Trò chuyện với PV, ông Thều Văn Hớn – Chủ nhiệm làng nghề bánh tráng giấy Tường Lộc cho biết: Số hộ tham gia làng nghề không ngừng tăng qua các năm, với khoảng 60 hộ theo nghề. Bí quyết của làng nghề nằm ở chỗ qua nhiều năm vẫn giữ được hương vị truyền thống, mùi thơm đặc trưng từ nước cốt dừa tự nhiên, không sử dụng phẩm màu, hương liệu nên được khách hàng khắp nơi ưa chuộng, tin tưởng... 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem