Một làng cổ hơn 500 năm tuổi, nằm cách TP Huế 40km, được đề xuất nâng hạng lên Di tích Quốc gia đặc biệt

Linh Chi Thứ tư, ngày 04/09/2024 14:23 PM (GMT+7)
Ngôi làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa, huyện Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên Huế) được bao bọc bởi con sông Ô Lâu êm đềm tạo nên khung cảnh bình yên.
Bình luận 0

Ngôi làng cổ Phước Tích - Ngôi làng thứ 2 đạt Di tích Quốc gia

Làng cổ Phước Tích được thành lập từ năm 1470, dưới thời Lê Thánh Tông. Ngôi làng được bao bọc bởi con sông Ô Lâu nằm cách thành phố Huế 40km về phía Bắc. Ban đầu, ngôi làng này có tên là Phúc Giang. 

Đến thời vua Gia Long, ngôi làng mới được đổi tên thành Phước Tích như ngày nay với mong muốn người dân trong làng sẽ tích được nhiều phúc đức để lại cho con cháu đời sau.

img

Một cảnh quê ở làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa, huyện Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên Huế).

Đây là điểm đến thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. Trải qua nhiều năm, làng cổ Phước Tích vẫn giữ được nét cổ, mang đậm không gian làng quê đậm chất Bắc Trung Bộ.

Phước Tích ngày xưa nức tiếng với nghề gốm với 12 cửa lò, 12 bến nước. Nhờ những nghệ nhân gốm tài hoa, gốm Phước Tích mang nét độc đáo riêng. Nhờ đó mà 12 bến nước bên dòng sông Ô Lâu lúc nào cũng tấp nập, nhộn nhịp, đầy ắp ghe xuôi ngược chở gốm đi khắp các vùng.

img

Gồm Phước Tích-sản phẩm gốm nổi tiểng của Thừa Thiên Huế và cả nước. Xưa, gốm làng cổ Phước Tích làm theo nhu cầu của hoàng cung nhà Nguyễn.

Gốm Phước Tích nổi tiếng vượt qua nhiều sản phẩm gốm khắp các vùng trong nước để trở thành lựa chọn duy nhất trong Hoàng cung: Om Phước Tích ngon cơm hoàng đế / Sen Hà Trì quý thế Phú Xuân.

Ở làng cổ Phước Tích hiện có 26 ngôi nhà rường cổ có tuổi đời trên 100 năm, trong đó có 12 ngôi nhà có giá trị đặc biệt về kiến trúc, nghệ thuật. Những ngôi nhà rường có một điều thú vị là dường như đều được quy hoạch từ trước. 

Mỗi căn nhà đều có khu vườn rộng, được ngăn cách bởi những hàng chè xanh thẳng tắp. Những ngôi nhà rường đều đã trên 100 năm tuổi và được chạm khắc họa tiết, hoa văn vô cùng tinh xảo, công phu.

img

Ngoài ra, tại làng cổ còn có hệ thống nhà thờ họ, công trình di tích, tôn giáo, tín ngưỡng mang văn hóa Chăm Pa như Miếu Hiển Linh, nhiều công trình thờ tự đậm chất làng quê thời xưa như Miếu Cây Thị hay còn gọi là Miếu Bà.

Và một nơi bạn không thể bỏ qua tại làng cổ Phước Tích chính là hồ sen trắng với hương thơm thanh nhẹ, dễ chịu làm tăng thêm vẻ đẹp cổ kính của cả ngôi làng.

img

Làng cổ Phước Tích nằm bên dòng sông Ô Lâu thơ mộng của xứ Huế.

Với những nét đặc trưng này, làng cổ Phước Tích là ngôi làng cổ thứ 2 được công nhận và cấp bằng Di tích Quốc gia sau làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội). Mới đây, làng cổ Phước Tích vừa được cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên Huế đề xuất nâng hạng thành Di tích Quốc gia đặc biệt.

Làng cổ Phước Tích có gì?

Làng cổ Phước Tích cách trung tâm thành phố Huế khoảng 40km, mất khoảng 40 phút di chuyển. Từ thành phố Huế, du khách có thể thuê xe máy hoặc taxi để thuận tiện di chuyển.

img

Từ Huế, du khách đi theo đường quốc lộ 1A ra phía Bắc khoảng 40km, đến gần cầu Mỹ Chánh (huyện Hải Lăng, Quảng Trị), thì rẽ phải theo quốc lộ 49B và đi chừng 1km qua cây cầu bắc ngang sông Ô Lâu là sẽ đến làng cổ Phước Tích.

Để giữ được nét đẹp gần gũi và bình dị, du khách đến với làng cổ Phước Tích thường đi bộ hoặc thuê xe đạp đi tham quan theo sự hướng dẫn của hướng dẫn viên du lịch.

img

Đến với làng cổ Phước Tích, ngoài việc được tham quan vẻ đẹp bình yên và tìm hiểu về lịch sử của ngôi làng, du khách nên thưởng thức những món ăn địa phương của làng với hương vị quen thuộc như bánh bèo, bánh bột lọc, hến xào xúc bánh đa…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem