Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Hữu Chiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa thể thao và Du lịch Đà Nẵng cho hay, thực trạng của Đà Nẵng sau khi Công văn 2662 được ban hành rộng rãi đã tạo nên hiệu ứng, tác động khá lớn tới việc trưng bày, sản xuất và kinh doanh các biểu tượng, sản phẩm, linh vật bằng đá trên địa bàn.
Thứ Trưởng Đặng Thị Bích Liên làm việc với Đà Nẵng về việc sử dụng các linh vật ngoại lai và thực hiện công văn số 2662.
Theo đó, qua khảo sát thực tế, Đà Nẵng hiện chủ yếu sử dụng tượng lân, (nghê), sư tử đá mang các phong cách tả thực, Châu Âu, Trung Quốc tập trung ở các khách sạn, chùa, trung tâm thương mại, nhà hàng…
Sau khi công văn số 2662 ra đời thì các mặt hàng ở làng đá Non Nước Ngũ Hành Sơn gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt trong 2 tháng lại đây, rất nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh buộc phải cho thợ nghỉ việc, ngừng sản xuất do mặt hàng chính là tượng lân, sư tử không tiêu thụ được.
Trong đó, có 400 hộ gia đình, cơ sở sản xuất kinh doanh, trong tổng số 900 hộ, cơ sở đã ngừng sản xuất, cho công nhân ngừng làm việc. Do vậy, đề nghị Bộ cần có hướng dẫn cụ thể về các tiêu chí để xác định biểu tượng, tượng linh vật như thế nào là vi phạm thuần phong mỹ tục, tượng linh vật nào không được phép sử dụng tại các địa điểm công cộng để các địa phương có cơ sở triển khai thực hiện, tuyên truyền và định hướng cho việc sản xuất kinh doanh của các cơ sở thủ công đá mỹ nghệ địa phương.
Đồng thời, có hướng dẫn quy trình, cách thức thực hiện chủ trương cho phù hợp với điều kiện thực tế các địa phương và giảm thiểu tác động của nó tới đời sống người dân.
Làng đá Non nước khó khăn từ khi có công văn 2662 của Bộ Văn hóa.
Ông Huỳnh Đức Thơ - Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng kiến nghị Bộ cần ban hành thông tư về việc cấp giấy phép bày trí linh vật qua đặt tượng, đúc tượng tại những nơi công sở, các di tích lịch sử, các nơi công cộng nói chung.
Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch cần xây dựng quy chế phối hợp với Bộ Xây dựng để đưa ra những quy định để khi thông qua những đề án kiến trúc như công sở, trường học cần thống nhất đạt được nét thuần phong mỹ tục Việt Nam.
Theo đó, khi bày trí linh vật tại địa phương phải thông qua giấy phép do Sở Văn hóa quản lý, còn về TW do Bộ Văn hóa xử lý. Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa thể thao du lịch phối hợp với Sở Xây dựng cấp giấy phép nhằm ngăn ngừa văn hóa ngoại lai xâm nhập vào Việt Nam.
Để chủ trương thực sự có hiệu quả, thì Bộ cần thường xuyên tổ chức những diễn đàn, đối thoại với sự tham gia của các nhà nghiên cứu, văn hóa tuyên truyền để người dân hiểu đúng và đầy đủ hơn.
Đồng thời, ông Thơ cũng đề nghị Bộ xem xét hỗ trợ làng nghề đối với những linh vật còn tồn đọng.
Kết luận tại buổi làm việc, Thứ Trưởng Bộ Văn Hóa Thể Thao và Du lịch Đặng Thị Bích Liên tiếp nhận ý kiến của Đà Nẵng và sẽ xem xét ban hành. Ngoài ra, sắp tới Bộ sẽ tổ chức hội thảo nghiên cứu giới thiệu về những linh vật của Việt Nam để các làng nghề có thể tiếp cận những linh vật phù hợp thuần phong mỹ tục Việt Nam, phát triển sản xuất.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.