Làng dệt thổ cẩm Zơra

Thứ hai, ngày 09/09/2013 11:27 AM (GMT+7)
Dệt thổ cẩm, kinh doanh các sản phẩm dệt thổ cẩm kết hợp với du lịch cộng đồng là cách làm hiệu quả ở làng nghề truyền thống Zơra, xã Tà Bhing, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam.
Bình luận 0
Nghề chính của người Cơ Tu ở Zơra không phải nghề dệt thổ cẩm, mà bằng nghề làm nương rẫy. Phần lớn thời gian, người dân ở đây lên rẫy hái bắp trồng lúa. Một tuần 3 lần hoặc khi việc rẫy đã xong, người dân mới tập trung trong một ngôi nhà sàn để may, thêu, dệt. Các sản phẩm chủ yếu của làng nghề là túi xách, ba lô, bao gối, túi mỹ phẩm, túi đựng máy tính… Các họa tiết, hoa văn tinh vi trên sản phẩm đều do các “nghệ nhân” sáng tạo nên.

Thổ cẩm của người Cơ Tu được dệt thủ công với nguyên liệu như bông, gai, đay, xe sợi, nhuộm, dệt vải, tạo hoa văn. Các khung dệt ở đây cũng được làm hết sức đơn giản, có sẵn ở vùng núi Zơra này. Hội viên Bnướch Tâm có thâm niên 4 năm tại làng nghề chia sẻ: “Để hoàn thành một sản phẩm, thường mất khá nhiều thời gian. Những sản phẩm nhỏ đơn giản có thể làm trong 1 ngày, với sản phẩm lớn, có họa tiết tinh xảo, hoa văn khó thì có khi 1 tháng”.

Năm 2000, Hợp tác xã (HTX) Dệt thổ cẩm ZơRa (thôn ZơRa) được thành lập, từ 2001 - 2008, Tổ chức Cứu trợ và Phát triển quốc tế Nhật Bản (FIDR) đã đầu tư 10.000USD để khôi phục, phát triển nghề dệt thổ cẩm của dân tộc Cơ Tu trên địa bàn huyện Nam Giang.

HTX hiện nay có 43 thành viên là con em đồng bào Cơ Tu, hoạt động chính là dệt thổ cẩm, kinh doanh các sản phẩm từ dệt kết hợp với làm du lịch cộng đồng. Năm 2012, doanh thu của HTX đạt 200 triệu đồng, góp phần đáng kể tạo thu nhập cho các thành viên trong HTX. Sản phẩm làm ra được bày bán tại Đà Nẵng, Hội An, Hà Nội, TP.HCM. Vào mỗi dịp festival, làng đưa sản phẩm trưng bày, giới thiệu với các công ty du lịch, lữ hành. Mỗi tháng có vài đoàn khách lên thăm, ngoài việc được giới thiệu từng công đoạn của nghề dệt tại ngôi nhà chung, giới thiệu sản phẩm, du khách còn được ngồi vào khung dệt, tự tay đưa thoi theo hướng dẫn của các bà, các chị trong làng nghề.

Chị Nguyễn Thị Kim Lan - Chủ nhiệm HTX Dệt thổ cẩm Zơra, cho biết: “Từ khi làng nghề ra đời đã giải quyết việc làm tại chỗ cho nhiều chị em. Dù mức thu nhập mỗi hội viên chưa cao, nhưng cái chính mà làng nghề làm được là giữ gìn nét văn hóa, giữ gìn nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Cơ Tu”.
Nguyễn Lánh (Nguyễn Lánh)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem