Lâu nay, dân thôn 1 sống chủ yếu nhờ vào lúa, rau màu. Do đất sản xuất ít, nên phần lớn bà con đều nghèo. Cách đây 6 năm, khi việc đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) mới chớm ở Quảng Ngãi, nhiều địa phương còn e ngại thì thôn 1 đã nhận thấy đây là cơ hội mới để thoát nghèo. 26 lao động trong thôn đã mạnh dạn đăng ký, hoàn tất các thủ tục và xuất ngoại.
Sau đó, lần lượt các lao động khác trong thôn nối nhau đăng ký đi XKLĐ. Đến nay thôn 1 đã có 60 lao động đang làm ăn ở nước ngoài và hàng chục người khác chuẩn bị ra đi. “Đây là thôn có số lượng lao động tham gia XKLĐ sang thị trường Hàn Quốc thuộc loại nhiều nhất tỉnh”- ông Đoàn Khắc Chỉnh - Phó Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm Quảng Ngãi, cho biết.
Tuy yêu cầu khắt khe, chi phí cao hơn so với các thị trường khác trong khu vực, thế nhưng người dân thôn 1 vẫn chọn Hàn Quốc vì thị trường này cho thu nhập cao, lương trung bình 20 - 30 triệu đồng/người/tháng. Đó là chưa tính phần thu nhập thêm.
Tính bình quân mỗi năm gia đình có con em đi XKLĐ gửi về 100 triệu đồng/người thì tổng số tiền từ XKLĐ của 60 lao động thôn 1 khoảng 6 tỷ đồng/năm.
Ở thôn này có những gia đình, 2-3 người cùng đi XKLĐ. Như gia đình chị Đoàn Thị Thu Vân, có con trai Huỳnh Tấn Duy và Huỳnh Bảo Linh đi XKLĐ. Hay gia đình ông Hồ Được (60 tuổi) có 5 người con đi XKLĐ.
Ông Được cho biết: “Kể từ khi 2 đứa con đầu đi XKLĐ, vợ chồng tôi mới bớt khổ. Nhờ số tiền 2 con gửi về, gia đình tôi trang trải cuộc sống, và có chi phí để lo cho 3 đứa khác đi XKLĐ”.
Mỗi năm, một lao động đi XKLĐ gửi tiền về nhà “bèo nhất” cũng 120 triệu đồng. Chị Đoàn Thị Thu Vân không giấu giếm: “Với nghề hàn tiện, năm rồi Duy đã gửi về hơn 300 triệu đồng”.
Những gia đình có nhiều người đi XKLĐ gửi về từ 50-70 triệu đồng/tháng, thừa điều kiện để xây nhà to, mua xe xịn, sắm vật dụng đắt tiền… Được cái dân ở đây giản dị. Tiền bạc con em gửi về phần nhiều gửi tiết kiệm để dành.
“Tiền gửi về nhiều thật nhưng đó là công sức lao động vất vả của con em nơi đất khách. Thời gian lao động xuất khẩu mỗi người cũng chỉ kéo dài vài năm. Vì vậy phải nên tiết kiệm để con em sau này quay về quê có vốn liếng tính chuyện làm ăn” - một người có con XKLĐ tâm sự.
Công Xuân
Vui lòng nhập nội dung bình luận.