|
Ông Út Hữu bên chiếc xuồng cui đang làm dở. |
Tất bật làng nghề
Vừa đến đầu rạch Bà Đài (xã Long Hậu), chúng tôi đã nghe những âm thanh nhộn nhịp, lốc cốc tiếng búa -đinh -gỗ… rộn ràng vang lên từ những trại đóng ghe nằm san sát nhau hai bên bờ rạch.
Tiếng máy cưa, máy bào, đóng đinh rộn rã cả một góc trời… Từng tốp thợ đang tất bật với công việc để cho xuất trại những chiếc xuồng mới.
Ông Út Hữu (58 tuổi) một tay thợ lành nghề đóng ghe xuồng ở đây hồ hởi: "Nghề đóng ghe xuồng ở xứ này có hàng trăm năm nay. Người đầu tiên khởi xướng là ông Sáu xuồng cui - ông ngoại tui.
Ông Phạm Văn Thuông (1875-1945) - còn gọi là ông Sáu xuồng cui được người dân xem là ông tổ của nghề đóng ghe, xuồng ở xứ này. Ông là người giỏi nghề mộc và đã nghiên cứu để đóng những chiếc xuồng cui, ghe tam bản nổi tiếng khắp vùng. Những thế hệ nối tiếp nhau học nghề và cải tiến kỹ thuật để đóng ghe, xuồng phục vụ theo nhu cầu của khách hàng. Đến nay đã có hàng ngàn người theo nghề".
Những ngày này, trại đóng ghe xuồng của ông Út Hữu cũng như nhiều trại khác trong xóm đang tất bật đóng xuồng để giao cho thương lái. Hôm chúng tôi ghé thăm trại, ông đang hoàn tất những công đoạn cuối cùng của chiếc xuồng Cần Thơ, còn đứa con trai của ông- anh Nguyễn Cao Trọng, 33 tuổi, đang đóng chiếc trẹt (dạng chiếc phà nhỏ- PV) theo đơn đặt hàng của khách. Đặt chiếc búa đóng đinh xuống, ông nói: "Nghề này làm tất bật quanh năm, suốt tháng. Hết đóng ghe, vỏ lãi theo đơn đặt hàng rồi lại đóng xuồng để phục vụ bà con mưu sinh mùa nước nổi…".
Nhiều địa phương khác, thanh niên phải đi xa làm thuê, hay làm công nhân ở các khu công nghiệp thì hầu hết thanh niên ở làng nghề này đều có việc làm từ nghề này. Mỗi ngày, xã Long Hậu xuất xưởng hàng trăm chiếc ghe, xuồng bán cho bà con mưu sinh trong mùa nước nổi. Những người thợ đóng xuồng được trả công từ 100 - 140 nghìn đồng/ngày, phụ nữ trét chai, sơn xuồng được 70 - 80 nghìn đồng/ngày. Trung bình mỗi trại đóng ghe xuồng đều mướn thêm 1 đến 3 thợ.
Mở rộng, phát triển làng nghề
Bình quân mỗi ngày 1 thợ giỏi có thể đóng được 2 chiếc xuồng với tiền công khoảng 60 - 70 nghìn đồng/chiếc. Nghề này làm quanh năm không ngơi nghỉ, thanh niên cũng có nghề, lo mần ăn nên ít tệ nạn hơn hẳn các địa phương khác.
Ông Nguyễn Văn Xẹ, 52 tuổi, đã có thâm niên gần 30 năm trong nghề
Năm 2005, UBND tỉnh Đồng Tháp có quyết định công nhận nghề đóng ghe xuồng ở xã Long Hậu là làng nghề truyền thống để có chính sách mở rộng, phát triển làng nghề. Từ 240 hộ dân theo nghề đóng ghe, xuồng, đến nay con số này đã lên đến 400 hộ. Nghề đóng ghe, xuồng chủ yếu tập trung ở rạch Bà Đài thuộc ấp Long Hòa, thời gian gần đây đã phát triển sang các khu vực khác thuộc ấp Long Hưng, Long Thuận. Hầu hết thanh niên trong xóm đều được gia đình dạy nghề này khi còn học phổ thông.
Ông Trần Văn Hùng - Chủ tịch UBND xã Long Hậu cho biết: "Từ khi được công nhận là làng nghề truyền thống thì nghề đóng ghe xuồng ở Long Hậu không ngừng phát triển về số lượng lẫn chất lượng. Mùa nước nổi người dân tập trung đóng xuồng nhỏ, các mùa khác đóng vỏ lãi, trẹt, ghe hàng có trọng tải lớn… Làng nghề phát triển góp phần giải quyết việc làm ổn định cho lao động ở địa phương".
Theo ông Hùng, hiện chính quyền địa phương đang khuyến khích mở rộng làng nghề. tận dụng ưu thế thuận lợi giao thông đường thủy để phát triển nghề, ưu tiên cho vay vốn mở rộng cơ sở đóng ghe xuồng ở địa phương.
Hoàng Mai
Vui lòng nhập nội dung bình luận.