Làng hoa Tây Tựu mong được giá khi cận Tết Nguyên đán

Nhật Hà Chủ nhật, ngày 14/01/2024 07:10 AM (GMT+7)
“Năm nay nắng nóng kéo dài nên hoa bị nở sớm, dáng hoa không đẹp. Chỉ ngày rằm mới bán được chứ ngày thường rất ít người mua, tôi chán lắm”, một phụ nữ vừa chất những bó hoa mới ngắt từ ruộng lên xe, vừa thở dài thườn thượt.
Bình luận 0

Chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, người dân trồng hoa ở phường Tây Tựu (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đang phấp phỏng mong chờ những ngày gần Tết thời tiết sẽ thuận lợi để hoa nở đúng dịp và được giá bởi giá hoa hiện tại đang thấp hơn so với thời điểm năm ngoái, trong khi giá thành phân bón, thuốc trừ sâu, nhân công đều tăng.

Kỳ vọng gỡ gạc vốn

Làng hoa Tây Tựu mong được giá khi cận Tết Nguyên đán- Ảnh 1.

Ông Đặng Trần Nhương đang thu hoạch vườn cúc trong ngày đầu tháng Chạp mưa rét. Ảnh: Nhật Hà

Làng hoa Tây Tựu mong được giá khi cận Tết Nguyên đán- Ảnh 2.

Vợ ông Nhương cùng chồng vác những bó cúc từ ruộng lên đường. Ảnh: Nhật Hà

Ông Đặng Trần Nhương (75 tuổi, tổ dân phố Trung 6, phường Tây Tựu) trong bộ áo mưa mỏng vào ngày mưa rét, đôi chân ngập bùn đất, ông vừa vác những bó cúc từ dưới ruộng lên đường (để vợ và con gái phân loại và bó vào từng bó), vừa chia sẻ: "Nhà tôi có 3 sào hoa cúc, nếu hoa loại 1 thì đổ buôn với giá 2-3.000 đồng/bông, còn hoa loại 2 thì chỉ được 1.000 đồng/bông. Năm ngoái, thời điểm này mỗi bông hoa cúc bán từ 3.500 đồng đến 4.000 đồng. Như vậy, năm nay hoa bán rẻ hơn năm ngoái, trong khi giá thuốc sâu, phân bón tăng cao hơn. Gia đình tôi đầu tư mỗi sào hơn chục triệu đồng mà với tình hình này chỉ mong thu hồi vốn đã là may mắn lắm rồi", ông Nhương não nề nói.

Làng hoa Tây Tựu mong được giá khi cận Tết Nguyên đán- Ảnh 3.

Bà Nguyễn Thị Thành chở hoa hồng từ ruộng về nhà. Ảnh: Nhật Hà

Ở ruộng kế bên, bà Nguyễn Thị Thành (tổ dân phố Trung 7, phường Tây Tựu) cũng chung nỗi lo. Năm nay, nhà bà Thành trồng 4 sào hoa hồng, 4 sào hoa cúc. Thời điểm này, gia đình bà đang thu hoạch hoa hồng với giá 1.000 đồng /bông. "Tôi chán lắm, nói chung là bán chậm, năm nay thời tiết nắng nóng nhiều nên hoa bị nở sớm, bông không đẹp. Chỉ vào ngày rằm, ngày mùng 1 còn bán được hoa, chứ ngày thường rất ít người mua bởi năm nay kinh tế khó khăn, không nhiều người tha thiết mua hoa", bà Thành buồn bã.

Chung tâm trạng đó, ông Nguyễn Hữu Hùng (tổ dân phố Trung 4, phường Tây Tựu) đang lo lắng cho gần mẫu hoa cúc của mình. "Tính tổng tất cả các chi phí (chưa tính công nhà làm được) thì phải bán giá 2.000 đồng /bông mới thu hồi được vốn. Từ đầu năm âm lịch đến nay, người trồng hoa cúc Tây Tựu chưa có lãi, thậm chí nhiều nhà còn lỗ vốn. Những bông hoa loại 1 được nhà buôn đến lấy, còn những bông hoa loại 2 phải mang ra chợ bán lẻ", ông Hùng chia sẻ.

Để hoa đẹp 90% phụ thuộc vào thời tiết

Làng hoa Tây Tựu mong được giá khi cận Tết Nguyên đán- Ảnh 4.

Ông Chu Hữu Lượng chăm sóc 2 sào ly tại Tây Tựu. Năm nay anh đầu tư 2 loại ly đỏ có tên ly Dalian và ly Fundo nhiều tai. Ảnh: Nhật Hà

Là người có gần 30 năm gắn bó với nghề trồng hoa, năm nay ông Chu Hữu Lượng (tổ dân phố Trung 7, phường Tây Tựu) đã trồng các loại hoa ly, cúc, loa kèn trên 1 mẫu đất thuê ở xã Yên Sở (huyện Hoài Đức) còn trên 2 sào đất ở phường Tây Tựu, ông đã đầu tư trồng hoa ly đón Tết.

Theo ông Lượng, dịp Tết năm ngoái, hoa ly bán giá từ 35-40.000 đồng/cây, trừ các chi phí, mỗi sào gia đình ông lãi được từ 30-40 triệu đồng. Năm nay giá cả "đầu vào" đều tăng cao, như: Mỗi củ giống là 18.000 đồng (năm ngoái là 15.000 đồng/củ), thuê nhân công trồng là 1.300 đồng/củ (năm ngoái thuê nhân công trồng 1.200 đồng/củ)… So sánh giữa trồng hoa ly với hoa cúc, ông Lượng nhẩm tính, mỗi sào hoa ly đầu tư gần 100 triệu đồng, cao gần gấp 10 lần tiền đầu tư trồng hoa cúc nhưng trồng hoa ly nhàn hơn, không phải chăm bón nhiều, trong khi thời gian thu hoạch ngắn hơn (khoảng 75 ngày, còn hoa cúc phải 3,5 - 5 tháng).

Làng hoa Tây Tựu mong được giá khi cận Tết Nguyên đán- Ảnh 5.

Những chiếc xe chở đầy hoa cúc vàng trong ngõ xóm ở làng hoa Tây Tựu. Ảnh: Nhật Hà

Năm nay, ông Nguyễn Phan Triển (tổ dân phố Trung 6, phường Tây Tựu) trồng hoa cúc trên 1 mẫu đất thuê ở xã Yên Sở (huyện Hoài Đức). Ông cho biết, trên 1 mẫu đất này, gia đình trồng xen canh gối vụ để có thời gian chăm bón, thu hoạch. "Năm ngoái, vào dịp Tết, hoa cúc có giá từ 6-7.000 đồng/bông còn năm nay thì chưa thể đoán trước được thị trường. Trồng hoa thì đến 90% phụ thuộc vào thời tiết. Nếu từ giờ đến Tết, thời tiết rét thì hoa sẽ nở đều, đẹp. Còn thời tiết nắng nóng, nồm ẩm thì hoa sẽ nở nhỏ, bông không đẹp, thậm chí hoa sẽ nở trước Tết, giá bán không thể cao được. Hơn nữa, giá bán hoa còn phụ thuộc vào yếu tố thị trường. Với tình hình suy thoái kinh tế như hiện nay, người dân sẽ không mặn mà với việc chơi hoa Tết", ông Triển bộc bạch.

Làng hoa Tây Tựu mong được giá khi cận Tết Nguyên đán- Ảnh 6.

Một khách hàng xuống tận làng hoa Tây Tựu để mua được những bó hoa tươi. Ảnh: Nhật Hà

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Đinh Duy Hòa, Giám đốc Hợp tác xã Tây Tựu 1 cho biết, diện tích trồng hoa của Tây Tựu đang ngày một thu hẹp do quá trình đô thị hoá, hiện còn gần 300ha. Để có đất trồng hoa, người dân Tây Tựu đã đi thuê đất ở các vùng lân cận như Thượng Mỗ, Hạ Mỗ, Cát Quế, Dương Liễu, thậm chí Sơn Tây.… với tổng diện tích hơn 400ha.

Thêm nữa, thời tiết năm nay thay đổi thất thường nên ảnh hưởng nhiều đến chất lượng hoa và thời điểm thu hoạch. Để hạn chế sự tác động của thời tiết, nhiều người dân Tây Tựu đã đầu tư nhà lưới hoặc thắp đèn vào buổi tối giúp hoa đạt được độ cao khoảng 50-70cm, đảm bảo hoa phát triển tốt, nở đều và đẹp dịp Tết.

"So với mọi năm thì hoa thời điểm này rẻ hơn nhưng từ giờ tới Tết Nguyên đán, chưa thể đoán trước được điều gì. Làng hoa Tây Tựu vẫn đang kỳ vọng gỡ gạc vốn khi Tết cận kề", ông Hoà kỳ vọng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem