Lặng lẽ mà tỏa sáng

Lưu Khánh Thơ Chủ nhật, ngày 09/01/2022 11:12 AM (GMT+7)
Đọc sách Lặng lẽ những đời văn, tư liệu văn học, tiểu luận phê bình của Ngô Thảo NXB Hội nhà văn, 2021.
Bình luận 0
Lặng lẽ mà tỏa sáng - Ảnh 1.

Cũng giống như phần lớn các nhà văn, nhà thơ mặc áo lính cùng thế hệ với mình, chiến tranh đã là một phần đời có sức ám ảnh ghê gớm nhất, chi phối đến toàn bộ cuộc sống cũng như định hướng cho ngòi bút phê bình của Ngô Thảo. Mảng văn học viết về chiến tranh và người lính đã có một sức hấp dẫn khá lớn đối với anh. 

Kể từ tập phê bình tiểu luận đầu tiên ra đời cách nay đã hơn bốn chục năm với tên gọi Từ cuộc đời chiến sĩ (1978) cho đến hàng loạt tác phẩm sau này như Đời người - đời văn, Văn học với đời sống - Đời sống văn học, Văn học với người lính, Mây bay về núi, Thao thức với phàn đời chiến trận, Dĩ vãng phía trước, Nghiêng trong bóng chiều, Bốn nhà văn nhà số 4…đã cho thấy sự tập trung cao độ trong sự nghiệp phê bình của nhà văn Ngô Thảo.

So với phần lớn những cây bút phê bình cùng lứa tuổi, Ngô Thảo có một vốn sống thực tế chiến đấu khá phong phú và anh đã biết huy động đúng mức, đúng chỗ vốn liếng đó vào các bài viết của mình. Có thể nói, cuộc đời của người lính mà anh đã từng trải qua cùng với sự đồng cảm sâu sắc đối với họ đã tạo nguồn cảm hứng và làm nên sức nặng cho nhiều bài viết của Ngô Thảo. 

Bởi không chỉ bị cuốn hút ở mảng đề tài lớn này mà quan trọng hơn phẩm chất của người lính đã làm nên giọng điệu chân thành, thẳng thắn, đáng tin cậy cho ngòi bút phê bình của nhà văn. Lặng lẽ những đời văn vẫn tiếp nối mạch nguồn các tác phẩm phê bình văn học đã ra đời trước đây của Ngô Thảo. Ngay trong Lời đầu sách, tác giả đã cho biết cuốn sách này cùng với 2 cuốn sách nữa được ra mắt bạn đọc vào năm nhà văn bước vào tuổi 80, là một trong muôn vàn cố gắng, góp phần lưu giữ một số kí ức về những tác giả và tác phẩm.

Cuốn sách dày 494 trang, được chia làm 3 phần. Phần I gồm hơn ba chục bài viết về các tác giả và tác phẩm cụ thể. Phần II tập hợp hai chục bài bàn về những vấn đề chung trong lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật. Phần III gồm một số bài phê bình về các tác phẩm của Ngô Thảo.

So với công việc nghiên cứu, lý luận thì phê bình văn học trong phạm vi tác giả, tác phẩm cụ thể có cái khó riêng. Nó dễ trở thành bình tán chung chung, nặng về cảm nhận trực giác mà ít phần khái quát, sâu sắc. 

Nhưng ở đây, Ngô Thảo đã tránh được lối mòn này, nhờ vào năng lực cảm thụ tinh nhậy và sự hiểu biết sâu sát tác giả, tác phẩm, không loại trừ cả những chuyện bếp núc trong sáng tác và những chi tiết đời tư đầy uẩn khúc. 

Anh đã kết hợp được một cách nhuần nhuyễn giữa phê bình và thưởng thức, giữa lý trí và tình cảm. Anh kể lại nồng nhiệt và đầy cảm hứng với người đọc về những cảm nhận và hiểu biết của mình về các tác giả và tác phẩm. 

Diện "phủ sóng" của anh khá rộng: Từ nhà văn Đỗ Quang Tiến khiêm cung, trung hậu, nhà văn Trang Thế Hy, cây cổ thụ của vườn văn Nam Bộ đến nhà báo kỳ cựu Phan Quang vói những bài học kinh nghiệm của một đời người. Thế hệ sau chút ít là những người như nhà văn Nguyễn Quang Sáng, Văn Lê, Tô Nhuận Vỹ… 

Chân dung những văn nghệ sĩ nổi tiếng, tiêu biểu như Huỳnh Văn Nghệ, Lưu Quang Vũ….đã được tái hiện bằng cảm hứng khâm phục tự hào.Hình ảnh người bạn thơ thân thiết Hoàng Cầm với bao nhiêu kỷ niệm đẹp đẽ và bi tráng. Từ tập sách đàu tay Bí mật tuổi trăng non của nhà nghiên cứu trẻ Nguyễn Thanh Tâm (ĐHSP Huế) đến những bài thơ của các nhà thơ còn ít người biết như Trần Sơn Nam, Duy Thảo, tất cả đều được nói đến một cách trọng thị, được soi chiếu bằng cái nhìn của một người bám sát đời sống văn học, lại từng trải qua môi trường sống của người chiến sĩ trong những năm chiến tranh. 

Đặc biệt, nhà phê bình tỏ ra ưu ái đối với những người viết trẻ như: Kiều Bích Hậu, Bình Nguyên Trang, Hoàng Thiên Nga… Đó là kiểu phê bình có khả năng tạo động lực, đánh thức năng lượng cho người sáng tác cho.

Giữa nhà phê bình văn học và người lính Ngô Thảo có một cầu nối quan trọng – đó là Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Khó có thể hình dung cuộc đời văn nghiệp của Ngô Thảo sẽ như thế nào nếu không có những năm tháng sống và làm việc ở môi trường ấy, với những người đồng nghiệp ấy. Trong các cuốn sách của mình,Ngô Thảo đã nói đến địa chỉ nhà số 4 Lý Nam Đế với rất nhiều tình cảm nâng niu, quý trọng.
Ở phần viết về tác giả tác phẩm này tôi rất ấn tượng với 2 bài viết Tiếp cận Hoàng Ngọc Hiến ngoài văn bảnChút kỷ niệm với Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh. Đó là những tiểu luận khoa học thú vị về nghề phê bình của các bậc thầy đáng kính ở nước ta đã được phân tích một cách khá sắc sảo và thấu đáo. Hai bài viết có dung lượng không dài, nhưng đã chỉ ra được chính xác quan niệm và phong cách phê bình của tác giả một cách đầy thuyết phục. 

Chúng ta hiểu thêm nhà giáo Hoàng Ngọc Hiến, hiểu thêm nghề phê bình qua lời tự bạch của ông: "Viết phê bình để làm gì? Tôi viết phê bình để làm sáng giá và sang giá những tác phẩm tôi tâm đắc. Không có sự tâm đắc này, phê bình văn học hướng về những mục đích ngoài văn học. Những bài phê bình hay làm người đọc yêu văn học. Yêu văn học là yêu những giá trị tinh thần: sự khô cạn của tình yêu này dường như là một trong những sự khốn cùng của thế giới hiện đại. Cũng như các thể loại văn học khác, viết phê bình không thể thiếu cảm hứng. Người viết phê bình là người có chủ kiến mạnh mẽ ( về các vấn đề nhân sinh, học thuật)"

Có những điều không dễ nói về nhược điểm của tác giả qua tác phẩm đã được Ngô Thảo diễn đạt mềm mại, chân tình mà vẫn thẳng thắn, không hề là sự ve vuốt một chiều. Nói chung cách viết phê bình của anh thoải mái tự nhiên, không bị chi phối bởi những quy phạm và lý luận giáo điều, khô cứng. Anh đã đi từ thực tế tác phẩm, tác giả và thực tiễn sáng tác văn học để rút ra những vấn đề của lý luận – phê bình. Do đó những ý kiến nhận xét, đánh giá trở nên gần gũi, sinh động với người đọc và cả người sáng tác.

Ở phần Hai, khả năng bao quát, tổng hợp của nhà phê bình có phần rộng rãi hơn. Các lĩnh vực được mở ra nhiều hướng. Và cũng có thể thấy tinh thần phản biện xã hội được thể hiện rõ rệt hơn với hàng loạt những kiến nghị và giải pháp trong các lĩnh vực văn hoá xã hội. Hàng loạt bài viết như: Nhà văn trong sự phát triển của đất nước, Ý thức về quỹ thời gian, Cơ sở để tự do sáng tạo, Tính hai mặt của tiếp nhận trong giao lưu văn hóa… đã thể hiện tầm nhìn và trách nhiệm của một người lính – nhà văn đầy tâm huyết với cuộc đời và sự phát triển bền vững của văn hoá

Một số vấn đề quan thiết trong đời sống văn học của đất nước cũng đã được anh nhìn nhận và đánh giá một cách thẳng thắn, mạnh bạo, không né tránh, có thể "trái tai" những người không thích "thuốc đắng giã tật" nhưng lại được sự ủng hộ của những người tâm huyết với sự phát triển của nền văn học nước nhà (Góp một cách nhìn về văn học nghệ thuật hiện nay, Hãy tìm cách đưa nhà văn và tác phẩm vượt khỏi… làng, Chúng ta đang thiếu tiềm lực trí thức, Nỗi lo văn hóa nền, Thư ngỏ gửi Bộ trưởng Bộ Nội vụ…). 

Đánh giá về vị thế và tình hình phê bình văn học thời gian qua, anh có nhận xét khá xác đáng với bài viết Phê bình văn học khi tác phẩm là hàng hóa trong nền kinh tế thị trường. Mặc dù mang một cái nhìn có phần "bi quan" về tình hình phát triển của nền văn học đương thời nhưng nhà phê bình Ngô Thảo lại tỏ ra khích lệ và trông chờ vào các cây bút trẻ. Bởi một nền văn văn học của niềm tin và hy vọng cần được tiếp sức của nhiều cây bút trẻ. Tuy nhiên, bên cạnh đó bậc đàn anh đi trước này cũng không quên "cảnh báo" các bạn viết văn trẻ phải xác định được sứ mệnh của mình vì mỗi bạn trẻ chọn nghề văn là chọn tư thế tìm đường trên biển lớn: Người viết trẻ - Niềm tin và hy vọng.

Phê bình thời sự– tham gia trực tiếp vào đời sồng văn học đương thời, nâng niu những giá trị văn học của quá khứ là một cách lựa chọn của nhà phê bình Ngô Thảo. Ở đây anh lại tập trung vào mảng đề tài chiến tranh, người lính, (tuy anh có hơn 20 năm gia nhập giới sân khấu và số lượng bài viết về lĩnh vực này cũng không ít) và đã ghi được những dấu ấn riêng, thể hiện tâm huyết, bản lĩnh của một ngòi bút phê bình có phong cách. 

Tuy không khó nhận thấy những hạn chế nhất định của cuốn sách(sự trùng lặp ở một vài luận điểm trong các bài viết, kiểu phê bình trực chiến báo chí lấn át tính khái quát, hàm súc của lý luận, việc nhập cuộc với đời sống phê bình qua tác phẩm cụ thể chưa thật tiêu biểu, đa dạng…). Người đọc trân trọng với những suy nghĩ của Ngô Thảo trong bài viết về nhà văn Văn Lê: "Lựng lẽ sống. Lặng lẽ viết. Lặng lẽ tìm về những kí ức chiến trận, mà trong đó, còn nhiều, rát nhiều những điều chưa thể công bố, chưa thể công khai kể lại, nhưng lãng quên nó lại là một tội lỗi"

12/2021 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem