Tháng 6/1985, khi đang khai thác mỏ đá trên núi ở thành phố Thông Liêu, miền đông Khu tự trị Nội Mông Cổ, các công nhân bất ngờ đào được một bức tường đá.
Ban đầu họ chỉ nghĩ đây là tảng đá ngầm lớn và không mấy quan tâm đến nó nhưng khi đào vào sâu bên trong, những người thợ phát hiện ra vị trí đặt các phiến đá rất đều đặn, có dấu vết chạm khắc rõ ràng.
Nhận thấy dấu hiệu chôn cất, đội thợ đá nhanh chóng thông báo cho Viện khảo cổ Khu tự trị Nội Mông. Sau khi cử đội khảo cổ đến kiểm tra, Viện khảo cổ cho biết, những công nhân này đã đào đúng vị trí cổng vào ngôi mộ cổ hơn 1.000 năm tuổi, tồn tại từ thời nhà Liêu.
Theo Baike, lăng mộ này không hề đơn giản mà có cả hệ thống lăng đá với hành lang, buồng mộ và các khoang trái phải nằm bên trong, tổng chiều dài 16,4m. Dựa vào thiết kế cầu kỳ này, các nhà khảo cổ khẳng định đây phải là một ngôi mộ hoàng gia.
Đội khảo cổ tại hiện trường đều kinh ngạc khi khám phá ra những bậc thang được xây giữa vách đá cheo leo của núi Tu'erjishan, cầu thang này dẫn xuống một buồng mộ rộng rãi. Nơi đây chôn giữ số lượng lớn đồ tùy táng vàng bạc, đồ sơn mài, ngọc trai, mã não, pha lê, hổ phách và lụa quý.
Phát hiện điều bất thường
Cùng với quan tài, bên trong ngôi mộ còn có 200 di vật này đều là đồ tùy táng quý giá như cốc pha lê, yên ngựa mạ bạc, hoa tay vàng, chuông vàng, dao găm cán pha lê… và chúng đều còn rất nguyên vẹn.
Cổ vật hấp dẫn nhất trong lăng mộ là một quan tài gỗ bách sơn màu đỏ huyết, bên trên chạm khắc hoa văn phượng hoàng tinh xảo và được bảo quản rất tốt. Chiếc đế gỗ đặt quan tài cũng được sơn màu sặc sỡ.
Tuy nhiên, do bị đất phù sa ẩm ướt vùi lấp trong thời gian dài nên phần lớn màu sắc trên chiếc đế quan tài không còn nữa.
Đội khảo cổ đã phải hợp lực để mở nắp chiếc quan tài gỗ tùng cực nặng và khi nắp quan tài hé mở, hai thi thể đeo mặt nạ vàng kỳ lạ dần lộ diện. Hai thi thể này còn tương đối nguyên vẹn và được cuốn trong nhiều lớp áo lụa.
Để bảo vệ phẩm giá của người chết, các chuyên gia không gỡ bỏ ngay tấm mặt nạ vàng. Họ quyết định sử dụng công nghệ tiên tiến nhất thời điểm đó để chụp chiếu thi thể nhằm xác định thêm thông tin về chủ ngôi mộ.
Khi đội khảo cổ chuẩn bị di chuyển thi thể về phòng nghiên cứu, một chất lỏng trắng kỳ lạ bỗng rò rỉ từ khe hở bên trong quan tài và chảy ra ngày một nhiều.
Vừa nhìn thấy điều này, các chuyên gia vội vàng hô hoán và sơ tán tất cả những người có mặt trong hầm mộ. Họ kịp thời chạy thoát là bởi các chuyên gia đều biết người Khiết Đan có phong tục đổ thủy ngân lên xác người chết để giữ cho họ được nguyên vẹn. Thủy ngân rất độc.
Lượng thủy ngân lớn được ngâm trong quan tài đã lý giải vì sao hai tử thi ngàn năm tuổi này không bị thối rữa. Tuy nhiên, con người không may hít phải lượng lớn thủy ngân trong không khí có thể bị ngộ độc thậm chí là co giật, tử vong tại chỗ nên đội khảo cổ phải lập tức sơ tán khỏi khu vực này.
Cuối cùng, họ quyết định chuyển thi hài về bảo tàng để làm sạch và cho tiến hành xét nghiệm ADN. Kết quả báo cáo xét nghiệm ADN đã khiến cho giới học giả rất bất ngờ.
Danh tính chủ nhân ngôi mộ
Không chỉ tìm thấy quan tài gỗ quý chạm khắc cùng nhiều đồ tùy táng đắt giá, bên trong lăng mộ, các nhà khảo cổ còn phát hiện tấm văn bia đặc trưng của các lăng chôn cất hoàng gia.
Thông qua văn bia cùng những tư liệu Liêu Sử, cuốn sử chính thức của triều đại nhà Liêu (triều đại tồn tại từ năm 907–1125), các nhà khảo cổ xác định được đây là lăng mộ của công chúa Liêu Trần Quốc của vương triều Khiết Đan, em gái hoàng đế Liêu Thái Tổ.
Công chúa qua đời khi chỉ mới 18 tuổi và được mai táng cùng phò mã, đồng thời là chú của mình (do phong tục hôn nhân cận huyết trong hoàng gia). Sử liệu không đề cập cụ thể lý do công chúa và phò mã qua đời, chỉ chép là cái chết do bệnh tật.
Liêu Sử cũng ghi rõ công chúa Trần Quốc là người nhiều công đức, hoàng đế và dân chúng đều yêu mến nên được ban cho lăng mộ hoành tráng.
Khi mai táng, cả công chúa và phò mã đều được đeo mặt nạ vàng, chạm khắc rõ đường nét gương mặt người quá cố.
Theo đó, đeo mặt nạ cho người chết là phong tục đặc biệt của người Khiết Đan, chiếc mặt nạ vàng này có tác dụng giữ cho họ nét mặt uy nghiêm kể cả khi các bộ phận trên mặt đã bị phân hủy.
Theo trang Sohu, chiếc mặt nạ vàng và đồ tùy táng trong lăng mộ công chúa Trần Quốc là những cổ vật nguyên vẹn đầu tiên được tìm lại từ triều đại nhà Liêu. Những cổ vật tìm thấy đã trở thành kho báu lịch sử, giúp lấp đầy khoảng trống tri thức về một vương triều hùng mạnh từng bị quên lãng.
Bảo vật độc nhất vô nhị trong mộ cổ 1.000 năm
Theo các chuyên gia, tổng cộng có 3.227 đồ tùy táng quý giá được khai quật từ lăng mộ của Trần Quốc công chúa.
Trong số này có một cái chén thủy tinh đeo dây chuyền vàng. Ban đầu các nhà khảo cổ học vừa bối rối vừa phấn khích vì không ngờ một cái chén thủy tinh thời hiện đại lại xuất hiện trong ngôi mộ cổ nghìn năm. Thậm chí có người còn cho rằng đây là đồ vật do trộm mộ bỏ quên.
Tuy nhiên, sau khi kiểm tra kỹ lưỡng, ngôi mộ không hề có dấu hiệu bị trộm mộ tấn công và hóa ra cái chén này được chế tác từ pha lê. Cái chén trong lăng mộ công chúa triều Liêu được coi như một phiên bản của chiếc cốc pha lê thời Chiến Quốc (được khai quật vào năm 1990).
Cái chén pha lê này được chế tác tinh xảo, có hai lỗ nhỏ ở thành chén để gắn dây chuyền vàng. Điều khiến các chuyên gia kinh ngạc hơn nữa là bảo vật này vẫn còn gần như nguyên vẹn sau gần 1.000 năm trong mộ cổ.
Việc chế tác các đồ vật bằng pha lê không hề đơn giản. Nhưng cái chén này lại được làm ra với những thông số gần giống với chén, cốc thời hiện đại. Rõ ràng công nghệ sản xuất, chế tác đồ dùng bằng pha lê vào triều Liêu đã đạt đến trình độ cao, thể hiện trí tuệ và sức sáng tạo cao của con người thời đại đó.
Mặc dù các chuyên gia vẫn chưa tìm ra cách người xưa làm ra cái chén pha lê này như thế nào, nhưng việc phát hiện ra nó cùng các cổ vật quý giá trong lăng mộ Trần Quốc công chúa có giá trị khảo cổ học rất lớn và ý nghĩa quan trọng đối với việc nghiên cứu lịch sử của nhà Liêu.
Cái chén pha lê triều Liêu được công nhận là bảo vật quốc gia ngay sau khi khai quật. "Chén pha lê đeo dây chuyền vàng" hiện được lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Nội Mông (Trung Quốc). Sau khi trông thấy bảo vật này trong bảo tàng, chắc chắn nhiều người đều cho rằng "xuyên không" là có thật.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.