Làng mộc 100 tỷ đồng

Thứ ba, ngày 09/11/2010 08:54 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Nghề mộc truyền thống ở thị trấn Thanh Lãng (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) mấy năm nay phát triển mạnh, doanh thu gần 100 tỷ đồng/năm. Đây là kết quả của dự án hỗ trợ ND phát triển ngành nghề do T.Ư Hội NDVN đầu tư.
Bình luận 0
img
Anh Kim Văn Gia (trái) giới thiệu sản phẩm với Phó Chủ tịch T.Ư Hội NDVN Nguyễn Duy Lượng. Ảnh: Phương Đông

Dù là thời gian nông nhàn, hiếm khi thấy có người dân thị trấn Thanh Lãng thong dong, nghỉ ngơi. Mùa đông cũng như mùa hè, từ 7 giờ khắp các làng xóm trong thị trấn đã vang lên tiếng đục, tiếng gõ, tiếng máy bào, máy cưa chạy re re.

Trẻ, già đều có việc

Vợ chồng ông Lưu Đức Cường, thôn Đồng Lý có 6 người con, đến nay chỉ có anh con đầu mở xưởng mộc tại nhà, những người còn lại đều học đại học và thoát ly đi làm doanh nghiệp, công chức. “Nghề mộc truyền thống đã giúp vợ chồng tôi nuôi được các cháu ăn học thành người.

Dự án hỗ trợ ND phát triển nghề mộc truyền thống do T.Ư Hội NDVN và Hội ND tỉnh Vĩnh Phúc đã giúp ND 11 chi hội thị trấn Thanh Lãng mua 22 máy cưa, máy bào (mỗi chi hội được hỗ trợ 1 máy cưa, 1 máy bào). UBND thị trấn cũng đã thành lập Ban quản lý chi hội nghề nghiệp.

Trước kia, ngoài thời gian đi học, còn lại các cháu xúm vào giúp bố mẹ đục đẽo, đánh vécni. Xưởng mộc của gia đình nay phải thuê thêm thợ về làm. Nghề mộc khi đã vượng thì từ trẻ em cho đến người già đều có thể tham gia. Thậm chí, nhiều người thoát ly đi làm công ty, công chức nhà nước nhưng về đến nhà vẫn có thể tranh thủ làm thêm nghề mộc...”.

Chúng tôi vào thăm xưởng mộc của gia đình anh Kim Văn Gia, thôn Đoàn Kết. Tuy là thời điểm đang bị mất điện, nhưng xưởng mộc của anh vẫn đều đều vang lên tiếng đục đẽo lách cách. 10 thợ mộc đang chăm chút cho những sản phẩm bàn ghế, tủ, giường...

Anh Gia cho biết: “Chẳng khi nào thợ có thể ngơi tay. Làm khoán sản phẩm, ai cũng tranh thủ thời gian. Công thợ tuỳ theo tính chất công việc và tay nghề. Việc đơn giản, thợ mới ra nghề thì thu nhập 2-3 triệu đồng/người/tháng. Còn thợ lâu năm, giỏi nghề thường có thu nhập hơn 6 triệu đồng/người/tháng...”.

Theo bà Trần Thị Sáu -Bí thư Đảng uỷ thị trấn, sau hơn 15 năm hồi sinh và phát triển, nghề mộc truyền thống đã mang lại doanh thu gần 100 tỷ đồng/năm, tạo công ăn việc làm cho hơn 3.200 lao động.

img
 

Hình thành chi hội nghề

Từ năm 2008, trên địa bàn thị trấn Thanh Lãng đã hình thành 9 công ty, doanh nghiệp tư nhân hoạt động sản xuất kinh doanh các sản phẩm từ nghề mộc truyền thống. Con số này còn khá khiêm tốn so với 80% số hộ cá thể làm nghề này ở thị trấn. Nhiều hộ, do không có vốn để mua máy móc nên thường nhận làm hàng gia công giá trị thấp, hoặc nhận làm những công đoạn hoàn thiện sản phẩm.

Để khắc phục tình trạng này và gắn kết ND làm nghề mộc với nhau, được Ban Kinh tế (T.Ư Hội NDVN) hỗ trợ, tháng 10-2010, Hội ND tỉnh Vĩnh Phúc đã triển khai thực hiện dự án hỗ trợ ND thị trấn Thanh Lãng phát triển nghề mộc theo hình thức nhóm hộ và chi hội nghề. Anh Nguyễn Huy Minh - Trưởng nhóm hộ làm nghề mộc thôn Đoàn Kết cho hay: “Nhóm của tôi có 20 hộ làm nghề mộc.

Nhóm được dự án hỗ trợ 1 máy cưa, 1 máy bào. Các hộ có thể đưa máy của dự án về nhà hoặc mang gỗ đến nơi đặt máy để cưa, bào. Quy chế quản lý, điều hành máy được cả nhóm thống nhất”.

Nhờ có máy cưa, máy bào của dự án, giá trị ngày công của thợ cũng như doanh thu của hộ gia đình thành viên của nhóm theo đó cũng tăng lên. Số lao động thu hút vào các xưởng mộc của các hộ thành viên trong nhóm cũng tăng lên. Bà Nguyễn Thị Văn-Chủ tịch Hội ND thị trấn chia sẻ: “Các xưởng mộc đang rất thiếu lao động có tay nghề, nhưng chưa đáp ứng được bởi việc truyền nghề mang tính riêng lẻ.

Để khắc phục tình trạng này, năm 2009, Hội ND thị trấn đã tổ chức 2 lớp dạy nghề mộc tại chỗ với tổng số hơn 60 học viên. Học viên ra nghề, thạo việc đều được các nhóm hộ, chi hội nghề mộc nhận vào làm tại các xưởng...”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem