Làng nghề 1.000 tuổi thiếu người kế cận

Thứ ba, ngày 13/11/2012 11:28 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Làng nghề chuyên làm tượng phật, đồ thờ sơn son thếp vàng Sơn Đồng (Hoài Đức, Hà Nội) đã có hơn 1.000 năm tuổi. Trải qua những thăng trầm, làng nghề đang đứng trước nguy cơ thiếu lớp người kế cận.
Bình luận 0

Không chỉ nổi tiếng với bề dày 1.000 năm, mà làng nghề Sơn Đồng còn nổi tiếng bởi những công trình của làng đang lưu giữ ở những nơi linh thiêng như đền Ngọc Sơn, Quốc Tử Giám, Cố Đô Huế…

img
Em Nguyễn Hữu Quang vừa học vừa làm tại Công ty An Lạc.

Nghề đặc biệt

Ông Nguyễn Trung Đa - Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Đồng cho biết: "Xã có 11 thôn, 100% số thôn đều làm nghề chạm khắc, sơn son thếp vàng đồ thờ, tượng phật, với khoảng 200 tổ hợp làm nghề, đang tạo việc làm cho khoảng 4.000 lao động tại chỗ và khoảng 2.000 lao động địa phương khác”.

Làng nghề Sơn Đồng đặc biệt, bởi cả xã đều làm một nghề duy nhất là điêu khắc tượng phật, đồ thờ, phục tráng tượng phật trong chùa… Làng nghề nổi tiếng là thế, nhưng cũng đã có lúc mai một. Năm 1983, hai nghệ nhân là Nguyễn Chí Dậu và Nguyễn Đức Cường đã khôi phục lại. Khi đó cụ Dậu đứng ra tổ chức lớp dạy nghề chạm khắc gỗ, sơn mài để truyền nghề cho thế hệ sau. Hơn 30 học viên ngày đó, giờ đều là thợ giỏi, ông chủ, giám đốc các công ty sản xuất lớn.

Điều đặc biệt khác là, người dân Sơn Đồng chỉ truyền nghề bằng miệng. Bố truyền cho con, con truyền cho cháu, cứ thế nối tiếp nhau hết đời này qua đời khác. Nghệ nhân Trần Quang Hùng bảo, ông làm nghề từ khi 15 tuổi, ngày đó ông đi theo các cụ đến các đình, chùa để học nghề và đã bị "hút hồn" bởi những hoa văn, họa tiết của các ngôi đình, chùa cổ.

"Muốn họa tiết của tượng, hay các đồ thờ, hoành phi có hoa văn sống động, phải tôn trọng các mẫu. Điều quan trọng nhất khi làm đồ thờ cho các đình, chùa là phải biết được ngôi chùa đó thuộc thời kỳ nào, vì mỗi thời kỳ hoa văn khác nhau. Như rồng thời Trần khỏe khoắn, dũng mãnh; rồng thời Lý mềm mại, uyển chuyển nhưng không bị rối. Hiểu được điều này thì tác phẩm mới đạt độ tinh xảo, chuẩn mực" - ông Hùng chia sẻ.

Trăn trở dạy nghề

Ông Nguyễn Bỉnh Hiệp - Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Sơn Đồng, chủ doanh nghiệp Hiệp Phát cho biết, làm nghề chạm khắc, sơn son thếp vàng phải tỉ mỉ, khéo léo; vừa phải nặn vuốt như thợ gốm đối với các tượng phật có cốt thổ, vừa tỉ mỉ từng chi tiết đối với tượng cốt mộc, nên rất kén thợ. "Lớp trẻ bây giờ không thích ngồi một chỗ đục đẽo, mài cọ. Chúng tôi đang vận động các chủ cơ sở sản xuất nhận con em ở địa phương và các địa phương khác vào làm để truyền nghề, nhưng rất khó khăn" - ông Hiệp cho biết.

Điều đặc biệt khác là, người dân Sơn Đồng chỉ truyền nghề bằng miệng. Bố truyền cho con, con truyền cho cháu, cứ thế nối tiếp nhau hết đời này qua đời khác.

Nghề chạm khắc, sơn son đòi hỏi kỹ thuật cao, nên công của thợ cũng khá cao. Ông Nguyễn Việt Cương - Phó Giám đốc Công ty An Lạc cho biết: "Năm 2009, ba anh em góp vốn thành lập công ty. Ngoài những sản phẩm truyền thống, chúng tôi làm tượng chân dung, tượng mỹ nghệ để xuất khẩu. Nhiều Việt kiều khi đến tham quan đã đặt hàng hàng tỷ đồng và mời thợ ra nước ngoài để làm chùa cho người Việt. Hiện, công ty có 50 công nhân, lương trung bình 6 triệu đồng/người/tháng, thợ giỏi tới 15-20 triệu đồng nhưng vẫn rất khó tuyển lao động".

Điều lo nhất của làng nghề là đang thiếu lớp người kế cận. Về vấn đề này, ông Hiệp cho biết: "Chúng tôi dự định sẽ tuyển các em từ 15 tuổi trở lên để truyền nghề, lớp học tại các cơ sở, nhưng quan trọng nhất vẫn là sự lựa chọn của các em".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem