Làng nghề đan đát 80 năm tuổi ở TP.HCM chật vật thích nghi thị trường mới

Quang Dương Thứ năm, ngày 07/09/2023 18:08 PM (GMT+7)
Nghề đan đát ở xã Thái Mỹ (huyện Củ Chi, TP.HCM) có tuổi đời hơn 80 năm. Hiện nay làng nghề đang gặp nhiều khó khăn vì thiếu nhân lực, tiêu thụ khó, thu nhập không cao.
Bình luận 0

Làng nghề đan đát Thái Mỹ (huyện Củ Chi, TP.HCM) là một trong năm làng nghề được TP.HCM bảo tồn và phát triển giai đoạn 2022 - 2025. Đồng thời, nghề đan đát cũng được đưa vào danh sách các ngành nghề nông thôn, ngành nghề nông thôn truyền thống của TP.HCM cần được bảo tồn và phát triển.

Hiện nay, làng nghề đan đát Thái Mỹ có 1 cơ sở đan đát (có sản phẩm xuất khẩu đi nước ngoài, tuy nhiên, là sản phẩm đơn giản), 7 tổ hợp tác và 195 hộ tham gia sản xuất. Trong đó, 32 hộ là thành viên của 7 tổ hợp tác. Tổng số lao động tham gia sản xuất thường xuyên trên 390 lao động; thu nhập bình quân đạt 4 triệu đồng/người/tháng.

Theo bà Nguyễn Thị Ngắt (70 tuổi), trước đây tre, trúc mọc khắp nơi. Nhà nhà đều trồng khiến tre, trúc bao quanh rợp mát cả một vùng. Tận dụng nguyên liệu sẵn có, vào lúc nông nhàn, người dân làm nên những dụng cụ phục vụ cho nghề nông, cho cuộc sống thường nhật rồi dần trở thành nghề truyền thống của cả làng.

TP.HCM: Làng nghề đan đát 80 năm tuổi chật vật thích nghi thị trường mới - Ảnh 1.

Làng nghề đan đát ở xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi, TP.HCM đang gặp nhiều khó khăn, mai một dần. Ảnh: M.A

Hiện nay, làng nghề đang gặp khó khăn về nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất. Diện tích trồng trúc, nguồn nguyên liệu tại chỗ, đang dần bị thu hẹp dần, hộ dân phải mua nguyên liệu phục vụ sản xuất từ các tỉnh Long An, An Giang, Tây Ninh... Tuy nhiên, nguồn nguyên liệu thu mua từ các tỉnh cũng không ổn định.

Một khó khăn nữa của làng nghề này là hiện nay lao động theo nghề đa số là người lớn tuổi. Lao động trẻ tại địa phương chọn làm công nhân, hoặc công việc khác có thu nhập tốt hơn.

Người dân làm nghề đan đát tại đây cho biết, nghề này đòi hỏi sự khéo tay, kiên nhẫn. Quy trình để cho ra một sản phẩm đan lát hoàn thiện cần trải qua nhiều công đoạn thủ công, như chặt trúc, cưa thành đoạn, chẻ nan, đan… do đó, rất kén người làm, nhất là người trẻ. Thêm nữa, thu nhập từ nghề đan đát khá rất bấp bênh.

"Để tạo ra được một sản phẩm chỉ có giá 5.000 – 25.000 đồng phải mất rất nhiều thời gian và theo quy trình đan lát như chặt trúc, cưa đoạn, ra vóc, chẻ nan, đan thành phẩm, cuối cùng là hoàn thành sản phẩm. Một người thợ có thể làm số lượng bao nhiêu trong một ngày tùy từng loại sản phẩm và tay nghề lâu năm. Sản phẩm hoàn thành được các thương lái trong vùng đến tận nhà thu gom, bán đi các địa phương lân cận", bà Ngắt chia sẻ.

Hiện nay, làng nghề đan đát Thái Mỹ có các sản phẩm đặc trưng, như nia, tràng, thúng, rổ, rá… Những sản phẩm này được bán đi nhiều địa phương, chủ yếu là khu vực miền Tây. Tuy nhiên, hiện những sản phẩm thủ công đang chịu sự cạnh tranh lớn từ những sản phẩm sản xuất công nghiệp.

Được biết, vào những năm 2000 trở về trước, toàn địa bàn xã Thái Mỹ (huyện Củ Chi) có 7 ấp thì mỗi ấp là một làng nghề đan đát với một sản phẩm đặc trưng, như ấp Mỹ Khánh A, Mỹ Khánh B chuyên sản xuất nia; ấp Bình Thượng 1, Bình Thượng 2, làm thúng, sọt tre; ấp Bình Hạ Đông, Bình Hạ Tây làm dần, sàn; ấp Tháp làm rổ, rá... Từ đó, hình thành nên làng nghề đan đát xã Thái Mỹ với khoảng 1.800 hộ và 4.000 lao động theo nghề.

Tuy nhiên, từ những năm 2010 trở lại đây, do giá trị kinh tế mang lại không cao, nhu cầu thị trường chủ yếu chuộng những sản phẩm tiện dụng làm từ nhựa, nhôm, inox… nên số người gắn bó với nghề ngày càng ít.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem