Ở Hà Nội có một làng nghề may áo dài nổi tiếng, nghề là do vợ vua truyền dạy

Thanh Tùng Thứ năm, ngày 26/01/2023 13:09 PM (GMT+7)
Trên dải đất hình chữ S, không khó để bắt gặp những làng nghề may áo dài truyền thống. Thế nhưng, muốn chọn một tấm áo dài truyền thống, được thêu may thủ công, tỉ mỉ thì người Hà Nội gốc chỉ chọn làng may Trạch Xá.
Bình luận 0

Từ câu chuyện làng nghề ra đời nhờ vợ vua dạy dân nghề may vá

Đi khắp những tuyến phố áo dài Hà Nội như: Lương Văn Can, Cầu Gỗ, Phố Huế... ta dễ dàng bắt gặp những cửa hàng may áo dài đề biển hiệu gắn chữ với chữ Trạch. Đó là những hiệu may lâu đời có nguồn gốc từ nghề may làng Trạch Xá. Những người chủ cửa hàng nơi đây nếu không phải là người Trạch Xá thì cũng mượn người làng đứng làm thợ may, bởi lẽ những chiếc áo dài được làm ra bởi đôi tay của người Trạch Xá luôn mang một nét đẹp riêng, tôn lên vẻ đẹp của áo dài truyền thống Việt Nam.

Cách trung tâm Thủ đô hơn 40km, làng Trạch Xá thuộc huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội nay vẫn giữ nghề may áo dài với một nhịp ngầm rộn rã chảy trong từng ngôi nhà. Khác với sự yên ắng, thanh bình của một làng quê, làng may Trạch Xá luôn nhộn nhịp và tất bật với tiếng công việc của một làng may truyền thống.

Giữ hồn làng may Trạch Xá - Ảnh 1.

Làng Trạch Xá nổi danh với nghề may áo dài truyền thống từ lâu đời.

Ngược dòng lịch sử, qua lời kể của nghệ nhân Đỗ Minh Tám (tên thật là Đỗ Minh Thường) những trang ký ức về lịch sử của làng may áo dài Trạch Xá dần hiện về. "Làng nghề này có từ khi vợ của vua Đinh lánh nạn về đây. Theo sử sách chép lại, bà Nguyễn Thị Sen là Tứ phi nhà Đinh, vợ của vua Đinh Tiên Hoàng (924-979). Bà vốn là một người con gái đẹp, đảm đang, đặc biệt là có tài khâu vá nên đã hướng dẫn các cung nữ làm ra các bộ y phục trong triều.

Khi vua Đinh mất, bà cùng con là công chúa Liên Hoa về làng mai danh ẩn tích. Nhận thấy vùng đất này dọc đê sông Đáy người dân trồng dâu, nuôi tằm, bà dạy cho dân ở Hòa Xá ươm tơ, dân ở Phùng Xá dệt vải, còn ở Trạch Xá bà dạy dân cách khâu áo. Bà có tay nghề khéo đặc biệt khi may cắt áo dài nên nghề may ở Trạch Xá được mở mang cũng là từ đấy.

Sau khi bà mất, dân làng lập đền thờ và suy tôn bà là Thánh sư tổ nghề may. Hàng năm vào ngày giỗ của bà (12/12 âm lịch) dân làng lại tổ chức lễ giỗ rất linh đình, nhiều người làm nghề may trong nước cũng tụ hội về đây để dâng hương tưởng nhớ bà ", ông Tám kể lại.

Đến quyết tâm giữ nghề truyền thống

Theo dòng thời gian, đã có thời điểm làng Trạch Xá đứng trước nỗi lo mất nghề. Trải qua một quá trình lịch sử đầy biến động, chiếc áo ngũ thân được ưa chuộng gần 1 thế kỷ cũng dần bị biến mất.

Sau năm 1975 áo gần như không còn xuất hiện trong cuộc sống của người Việt. Thay vào đó là sự chiếm lĩnh thị trường của các loại áo dài cách tân mới với nhiều kiểu dáng khác nhau. Những người thợ trước đây sống bằng nghề may áo ngũ thân cũng đã từng đứng trước thời kỳ khủng hoảng, số phận làng nghề chịu chung với chế độ nên chỉ có thể tồn tại một cách lay lắt.

Vượt qua những tháng năm gian khó, làng Trạch Xá vẫn trường tồn để tiếp tục tạo ra những sản phẩm áo dài truyền thống mang những tinh hoa của người Việt. Hơn 40 năm gắn mình với nghề truyền thống của quê hương, nghệ nhân Đỗ Minh Tám nặng lòng: "Mặc dù thời điểm đầu khi làm áo dài cách tân khá khó khăn với những người thợ đã quen với lối cũ, nhưng để giữ được nghề truyền thống mà các cụ để lại thì chúng tôi buộc phải cuốn theo thời đại để sống với nghề".

Giữ hồn làng may Trạch Xá - Ảnh 2.

Nghệ nhân Đỗ Minh Tám tâm huyết với các sản phẩm của làng nghề truyền thống.

Xưa nay, nghề may vá vốn chỉ dành cho phụ nữ, thế nhưng tại làng may Trạch Xá, nghề lại chỉ được truyền cho con trai. Lý giải về điều này nghệ nhân Đỗ Minh Tám cho biết: "Trước đây, khi kinh tế chưa phát triển, chỉ có những nơi hay tổ chức lễ hội thì mới có khách may áo dài, nên người làng Trạch Xá buộc phải đi nơi khác để kiếm sống. Cứ một thầy một trò, ăn tết xong là xách tay nải cùng nhau đi đến cuối năm mới về.

Trong khoảng thời gian như vậy thì trong làng chỉ còn phụ nữ, người già, trẻ nhỏ. Làng tôi ngày trước đây không truyền nghề cho phụ nữ cũng là bởi phải tính kế mưu sinh, làm nghề phải đi nhiều nơi mà phụ nữ thì không thể đi được nên buộc phải ở nhà để đàn ông đi làm ở nơi xa".

Nhớ lại những thăng trầm của làng may Trạch Xá, ông Tám bồi hồi: "Từ 2005 trở về trước làng này không có nhà nào làm may, chỉ có sinh ra những người đi làm thợ may. Những người làng ra thành phố kiếm việc và làm ở thành phố. Nhưng sau đó công việc nhiều lên, việc thuê thợ khâu ở ngoài Hà Nội rất khó vì đặc thù làng tôi có món nghề khâu kim tay dọc, cho nên tôi mang sản phẩm về quê và thuê nhân công.

Thời điểm đó nhà tôi có hơn 20 người. Khi dân làng thấy tôi làm vậy có hiệu quả họ cũng rút dần về quê. Từ 2005 trở lại đây mới có người trong làng làm thợ may. Từ đó toàn các bà, các chị, các cháu nhúng tay vào nghề. Bây giờ trong làng hầu hết là phụ nữ làm, còn nam giới vẫn phải đi xa để mở cửa hàng, cửa hiệu. Những người thợ giỏi họ sẽ "cắm chốt" ở một vùng nào đó để nhận hàng.

Như tôi thì tôi ở lại làng để làm "hậu phương" cho những người ở "tiền tuyến", để ở đó họ chỉ nhận đơn hàng rồi chuyển về. Ở làng hiện có hơn 10 người chuyên vận chuyển để chuyển hàng từ làng ra và lấy hàng từ các đầu mối về để sản xuất".

Giữ hồn làng may Trạch Xá - Ảnh 3.

Vượt qua những khó khăn, người dân làng Trạch Xá vẫn quyết tâm giữ nghề cho quê hương.

Làng may Trạch Xá trải qua bao thăng trầm nhưng hiện nay vẫn có những thế hệ đang tiếp tục nối dài nghề truyền thống. Hiện cả làng có khoảng 540 hộ và có đến 90% làm thợ may. Có những nhà gốc không phải làm thợ may nhưng con cháu họ lại gắn bó với nghề. Người trong làng cứ người nọ dạy người kia mà giữ lấy nghề.

Và bí quyết giữ hồn nghề may Trạch Xá

Vượt qua những tháng ngày gian khó, làng may Trạch Xá vẫn tiếp tục phát triển nhờ vào kỹ thuật khâu kim tay dọc - một trong những đặc trưng làm nên thương hiệu của làng Trạch Xá. Nhờ gìn giữ được kỹ thuật khâu kim tay dọc mà nghề may làng Trạch Xá đã tồn tại qua nhiều biến động của lịch sử. Mặc dù hiện nay đã có sự hỗ trợ của máy may nhưng đối với những người thợ gạo cội họ vẫn thường sử dụng kỹ thuật khâu tay, đặc biệt là khi làm chiếc áo ngũ thân truyền thống.

Sản phẩm sau khi khâu mặt trong sẽ như dán hồ, mũi kim không hiện nhưng mặt ngoài thì mũi kim phải thật đều. Đó chính là điểm tạo nên sự khác biệt cho chiếc áo dài của làng Trạch Xá. Những vị khách muốn may áo dài thật đẹp, thật chuẩn thường hay ghé đến làng để tìm lại những giá trị truyền thống vốn có của chiếc áo dài Việt Nam.

Xưa kia, người thợ may mất khoảng 4-5 ngày để làm xong một chiếc áo dài (áo ngũ thân) nhưng hiện nay nhờ có sự trợ giúp của máy khâu thời gian làm đã được rút ngắn đáng kể. Khoảng thời gian từ tháng 9 đến tháng 12 là thời điểm làng nhận về nhiều đơn đặt hàng nhất.

Theo chia sẻ của nghệ nhân Đỗ Minh Tám: "Khi học sinh bắt đầu đi học thì chúng tôi nhận may áo dài đồng phục, đến 20/10, 20/11 thì lại chuyển qua may áo dài phục vụ các chị em phụ nữ. Mấy tháng cuối năm thường có nhiều đám cưới, đầu năm thì tổ chức nhiều lễ hội nên số lượng đơn hàng nhiều không đếm xuể".

Do đó, làng may Trạch Xá đã thành lập một liên hiệp sản xuất gồm nhiều nhà, mỗi nhà có 2-3 người làm. Khi nhiều đơn hàng thì chia mỗi nhà một công đoạn, ai giỏi việc nào hơn thì đảm nhận việc đó, ai cắt, ai máy, ai khâu đều phối hợp với nhau một cách nhịp nhàng để cho ra sản phẩm chất lượng, làm vừa lòng khách hàng.

Ngày nay những người thợ của làng không chỉ may đo những bộ áo dài cách tân để làm vừa ý khách hàng mà còn lưu giữ được nét truyền thống của chiếc áo ngũ thân Việt Nam. Nhờ nhiệt huyết và quyết tâm giữ nghề của những nghệ nhân như ông Tám, những sản phẩm áo dài Trạch Xá đã có mặt ở hầu khắp các tỉnh thành trên đất nước, tạo tiếng vang cho một làng may truyền thống mang vẻ đẹp, tâm hồn làng Việt.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem