Lắng nghe nhân dân

Chân Tâm Thứ năm, ngày 19/06/2014 18:49 PM (GMT+7)
Quốc hội quyết định chỉ có 2 mức đánh giá là “tín nhiệm” và “tín nhiệm thấp”, mỗi cá nhân lấy phiếu tín nhiệm 2 lần trong nhiệm kỳ. Đây thực sự là một quyết định hợp lòng dân, hay nói đúng hơn là biết lắng nghe dân. 
Bình luận 0

Từ nay, các đại biểu Nguyễn Bá Thuyền, Đỗ Văn Đương đi tiếp xúc cử tri, sẽ không còn bị bà con chê “dốt”, ít nhất là trong việc lấy phiếu tín nhiệm. Những người thuộc đối tượng được lấy phiếu tín nhiệm chắc chắn sẽ cố gắng rất nhiều để không phụ lòng tin của người dân và bảo vệ danh dự cá nhân. Và chúng ta cũng tin chắc một điều, những lá phiếu tín nhiệm sẽ rất dân chủ và công tâm. Nếu không như thế, dân chúng cũng không ủng hộ. Không có gì qua được mắt nhân dân.

Không làm thì không sai, an toàn, làm nhiều thì có thể sẽ có những sai sót. Tuy nhiên, cử tri, đại biểu Quốc hội có thể nhìn thấy được tinh thần trách nhiệm, quyết tâm cống hiến của từng người. Đối với người không làm được một điều có ích, thì còn tệ hơn người làm được nhiều việc có hiệu quả, nhưng trong đó có những sai sót. Tất nhiên sai sót không xuất phát từ sự cố ý, vì mục đích tham nhũng, tiêu cực.

Vừa rồi, trong khi dư luận đang bàn về việc này, đã có ý kiến cho rằng, nếu như lấy phiếu tín nhiệm, dứt khoát Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Bộ trưởng Bộ Giao thông -Vận tải Đinh La Thăng sẽ đạt tín nhiệm cao. Dự doán này hoàn toàn có cơ sở, những nỗ lực, xông xáo để cải thiện ngành giao thông của ông Đinh La Thăng đã được xã hội ghi nhận, không phải chỉ là những phát ngôn gây sốc của ông, mà là kết quả của những việc ông làm.

Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương cho biết: “Người có số phiếu tín nhiệm thấp trên 50% thì được quyền xin từ chức. Cơ quan quản lý cán bộ cần bố trí, sử dụng cán bộ hợp lý hơn. Nếu số phiếu tín nhiệm thấp quá 2/3 thì phải bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp đó luôn”.

Thực ra, đối với người có phiếu tín nhiệm thấp trên 50%, hay nói chính xác hơn là bị bất tín nhiệm, có lẽ nên tự hiểu và xin từ chức thì tốt hơn. Đó là hành động có ý nghĩa “tín nhiệm” cuối cùng của họ trong mắt các đại biểu Quốc hội và người dân.

Còn đối với người phiếu tín nhiệm thấp chiếm tỷ lệ quá 2/3, có lẽ cũng nên tính tới việc thôi chức. Đến nước đó rồi thì không thể có uy tín để làm việc. Bỏ phiếu tín nhiệm theo quy trình chỉ thêm mất thì giờ.

Hy vọng, với sự thay đổi theo hướng này, hoạt động lấy phiếu tín nhiệm sẽ có tác động tích cực trong việc nâng cao chất lượng cán bộ, và đó cũng là sự thay đổi chất lượng bộ máy Nhà nước.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem