Hiện, xã khoảng 500 cơ sở sản xuất, gia công với gần 6.000 lao động. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, lồng ghép các hoạt động nên 100% các cơ sở không xảy ra tình trạng sử dụng lao động trẻ em trái quy định.
Đa dạng hình thức tuyên truyền
Một ngày đầu tháng 11, phóng viên Báo NTNN có dịp về xã Phú Yên - nơi có đến 3 thôn được thành phố công nhận "Làng nghề". Hàng trăm ngôi nhà cao tầng, bề thế mọc lên san sát, trên những con đường trải nhựa dòng người tấp nập qua lại, giao thương, mua bán sôi động cả vùng quê.
Niềm vui đến với người dân xã Phú Yên khi mới đây, thôn Giẽ Hạ và Giẽ Thượng được thành phố quyết định công nhận đạt danh hiệu "Làng nghề truyền thống". Anh Nguyễn Mạnh Hiếu - Chi hội trưởng Hội Da giày thôn Giẽ Hạ cho biết, mỗi năm xã Phú Yên sản xuất được 6 - 7 triệu đôi giày, cung cấp cho Hà Nội và nhiều tỉnh khác trên miền Bắc.
Hiện nay, huyện Phú Xuyên có 54.398 trẻ em dưới 16 tuổi, chiếm 22,85% dân số toàn huyện. Năm 2024, Phòng LĐTBXH đã tham mưu cho UBND huyện về thực hiện quyền trẻ em, trong đó có việc triển khai thanh tra, kiểm tra thực hiện chính sách, pháp luật về trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em.
Anh Hiếu cho hay, chính quyền địa phương đã có nhiều chính sách hỗ trợ, giúp làng nghề phát triển bền vững. UBND xã Phú Yên phối hợp với các thôn vận động các gia đình ký kết hợp đồng với công ty môi trường để thu gom rác thải rắn từ quá trình sản xuất, đồng thời hỗ trợ người dân đăng ký nhãn hiệu và quảng bá sản phẩm; tuyên truyền về phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em tham gia lao động trái quy định của pháp luật… Nhờ đó, sản phẩm giày dép da của Phú Yên không chỉ được gắn mã truy xuất nguồn gốc, mà còn xuất hiện trên các sàn thương mại điện tử, góp phần đưa xã hoàn thành các mục tiêu hướng tới về đích xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Ngoài vị trí Chi hội trưởng Hội Da giày, anh Hiếu còn là Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Yên. Ở cương vị này, anh cùng tập thể tích cực tổ chức các hoạt động thúc đẩy kinh tế địa phương, đưa sản phẩm làng nghề truyền thống vươn xa như: Tổ chức các lớp dạy nghề, hỗ trợ bà con vay vốn qua Ngân hàng Chính sách xã hội, tạo ra sản phẩm đặc sắc thu hút khách du lịch đến trải nghiệm làng nghề…
"Để tạo ra được sản phẩm chất lượng thì đều phụ thuộc vào tay nghề của mỗi người thợ. Bởi vậy, khâu đào tạo nghề cho lao động đóng vai trò rất quan trọng" - anh Hiếu chia sẻ, và cho biết thêm, cơ sở của anh "không bao giờ nhận lao động dưới 18 tuổi". Đối với lao động từ 18 tuổi trở lên, muốn làm việc tại cơ sở đều phải trải qua quá trình đào tạo 1 tháng trước khi chính thức bắt tay vào công việc.
Theo anh Hiếu, hàng năm UBND xã thường xuyên lồng ghép với các hoạt động với Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ và các trường học trên địa bàn để tuyên truyền, phát tờ rơi, thông báo trên các bản tin qua hệ thống loa truyền thanh về phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật. Thông qua các hoạt động này, các cơ sở có thể dễ dàng nắm bắt được thông tin để tuân thủ thực hiện. Hiện cơ sở sản xuất của Hiếu tạo việc làm ổn định cho 15 lao động thường xuyên và 20 lao động thời vụ, thu nhập bình quân 15-20 triệu đồng/người/tháng.
Trên 3.300 lao động được đào tạo
Chia sẻ về kinh nghiệm về phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật trên địa bàn xã, bà Trần Thị Ngọc - Phó Chủ tịch UBND xã Phú Yên cho biết, xã có 4 thôn với 1.733 hộ, 5.784 nhân khẩu, số người dưới 18 tuổi là 1.500. Xã có nhiều nghề thủ công truyền thống như giày da, may mặc, chăn nuôi, ấp nở gia cầm... Riêng sản xuất giày da có khoảng 500 cơ sở sản xuất, gia công với gần 6.000 lao động. Làng nghề phát triển, thu nhập bình quân trên địa bàn xã đến hết năm 2023 đã đạt hơn 76 triệu đồng/người. Cả xã không còn hộ nghèo, còn 3 hộ cận nghèo. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh góp phần giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động địa phương và xã lân cận.
Hàng năm, UBND xã xây dựng và triển khai kế hoạch về thực hiện công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động cũng như có nhiều hình thức khác nhau để tuyên truyền đến từng cơ sở có sử dụng lao động về phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật và kế hoạch về việc thu thập thông tin thị trường lao động trên địa bàn xã.
Bên cạnh đó những năm gần đây các thôn trên địa bàn xã đã phát triển đa dạng các ngành nghề sản xuất như sản xuất giày da, từ đó góp phần lớn vào việc giải quyết việc làm tại chỗ cho nhiều lao động nông thôn, tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình. Thương mại dịch vụ phát triển, người dân buôn bán kinh doanh có hiệu quả. Tuy nhiên, không phải vì vậy mà "bỏ qua" khâu đào tạo nghề, tuyên truyền về sử dụng lao động trẻ em trái pháp luật trong các cơ sở sản xuất, đến nay tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn xã là 3.340/3.843 người (đạt 86,91%).
UBND xã phối hợp các ngành đoàn thể, triển khai các lớp đào tạo nghề ngắn hạn, nâng cao tay nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956 ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời xã có chủ trương động viên, khuyến khích các cơ sở sản xuất kinh doanh, các công ty doanh nghiệp trên địa bàn xã tích cực đào tạo, truyền nghề, tạo việc làm cho người lao động. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ là 1.440/3.843 người, đạt 37,5%.
Bà Ngọc cho hay, 100% các cơ sở sản xuất da giày, ấp nở trên địa bàn xã không sử dụng lao động trẻ em dưới 18 tuổi.
Trao đổi với phóng viên, bà Trần Thị Dung - Trưởng phòng LĐTBXH huyện Phú Xuyên đánh giá, mặc dù xã Phú Yên có tỷ lệ sử dụng lao động cao, tuy nhiên đã thực hiện tốt việc phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật. "Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền địa phương luôn quan tâm đến công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em trên địa bàn. Tăng cường công tác tuyên truyền về các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em về phòng chống tai nạn thương tích, đặc biệt là đuối nước, tai nạn giao thông…; phổ biến quy định của pháp luật và hướng dẫn phòng, chống bóc lột trẻ em, không sử dụng lao động trẻ em trái pháp luật, đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho các em được phát triển" - bà Dung cho biết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.