Cầu đã vượt cung
Tại xã Quảng Phú Cầu hiện có 6 làng nghề, trong đó 5 làng nghề làm tăm hương và một làng nghề làm nhựa. Nhờ có sự phát triển của làng nghề mà bao lâu nay người dân giàu lên trông thấy. Thế nhưng, khoảng 2 năm gần đây làng nghề làm ăn trầm lắng hẳn, nguyên nhân chính là thiếu điện phục vụ sản xuất. Rất nhiều hộ muốn bung ra mở xưởng lớn nhưng đành chịu.
|
Ngành sản xuất tăm hương gặp khó vì thiếu điện. |
Ngày 11.5, chúng tôi tới xưởng sản xuất của ông Lê Văn Bình ở thôn Phú Lương Thượng. Đang giờ làm việc mà thợ ngồi chơi vì mất điện. Ông Bình cho biết: “Hiện nay, dù điện được cắt luân phiên nhưng vẫn mất liên tục. Một ngày mà attomat nhảy 6-7 lần, tính ra trung bình cũng mất 3-4 tiếng/ngày. Máy móc thì hỏng hóc, sản xuất đình trệ, thiệt hại không biết bao nhiêu mà kể”. Không chỉ cơ sở bị ảnh hưởng, hơn 40 lao động đang làm việc tại đây cũng lay lắt vì công việc không ổn định, sinh hoạt bị đảo lộn vì làm tăng ca… lại bị giảm lương.
Không riêng gì cơ sở ông Bình, hàng trăm cơ sở khác trong thôn, trong xã cũng chịu chung số phận. Chủ Công ty N.A -thôn Phú Lương Thượng cho biết: “Mỗi tháng cơ sở phải chi cả chục triệu đồng để sửa chữa, duy tu máy móc bị hỏng do điện. Ngoài ra, công nhân ngồi chơi, năng suất lao động của công ty cũng giảm rõ rệt do thiếu điện”. Cũng theo chị này, dù đã phải bỏ tiền để kéo một đường dây riêng nhưng cơ sở của chị vẫn thường xuyên chịu cảnh thiếu điện sản xuất.
Vì thiếu điện sản xuất, nên ngoài việc sử dụng điện của Nhà nước hầu hết các cơ sở phải mua thêm điện của tư nhân với giá đắt cắt cổ (3.200 đồng/số). Mới đây ngày 9.5, 9 cơ sở sản xuất tại thôn này cũng đã phải đóng góp hơn 60 triệu đồng để chung nhau tự kéo đường dây 3 pha phục vụ sản xuất. “Hợp tác xã (HTX) là đầu mối bán điện nhưng không có động thái gì trong việc nâng cấp, bảo dưỡng hệ thống điện, cực chẳng đã chúng tôi mới phải làm vậy. Đây chỉ là giải pháp tình thế, không biết rồi trụ được đến bao giờ ”- anh Bình bức xúc.
Chính quyền, HTX đứng ngoài
Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Văn Dịu - Chủ tịch UBND xã Quảng Phú Cầu cho biết: “Địa phương chúng tôi không có trách nhiệm đầu tư cho hệ thống điện, đây là vấn đề thuộc trách nhiệm của ngành điện. Hiện địa phương cũng đã chỉ đạo cho HTX tìm biện pháp khắc phục, thế nhưng HTX và chính quyền cũng đang bế tắc trong khâu xử lý”.
“Theo tính toán của HTX Quảng Phú Cầu, mỗi tháng toàn xã tiêu thụ khoảng 70.000- 80.000 kW điện. Tuy nhiên, ngoài nguồn điện sinh hoạt đảm bảo thì HTX mới chỉ đáp ứng được 70-75% điện cho sản xuất kinh doanh”.
Ông Nguyễn Tiến Thi - Chủ tịch HTX Quảng Phú Cầu
Cũng theo ông Dịu, vì nguồn điện sản xuất kinh doanh quá tải nên nguồn điện dân sinh cũng bị yếu, làm ảnh hưởng tới sinh hoạt của bà con nhân dân.
Về phía HTX, ông Nguyễn Tiến Thi – Phó Chủ nhiệm HTX Quảng Phú Cầu khẳng định: “Đây không phải là trách nhiệm của chúng tôi”. Trước câu hỏi tại sao biết tình trạng “cầu đã vượt quá cung” rồi mà HTX vẫn ký quyết định bán điện cho các cơ sở sản xuất mới thì ông Thi ậm ờ: “Tình trạng đường dây xuống cấp, đăng ký cấp phép bán điện cho các cơ sở sản xuất tràn lan có từ những nhiệm kỳ trước để lại. Chúng tôi không hề biết, chỉ làm theo thôi”.
Minh Nguyệt - Ngô Xuân
Vui lòng nhập nội dung bình luận.