Làng "người Quảng Trị" ở Đồng Nai và chuyện thu 120 cây vàng/năm

Thứ bảy, ngày 13/07/2019 19:30 PM (GMT+7)
Tại xã Sông Nhạn (huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai) có khoảng 70% là người dân gốc Quảng Trị. Rời quê miền Trung khó khăn, họ vào đây sinh sống tập trung thành làng và hỗ trợ giúp đỡ làm ăn phát triển kinh tế gia đình, cùng nhau vươn lên trong cuộc sống. Ðiều đáng quý là họ góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, nhất là chương trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao hiện nay.
Bình luận 0

Tạo dựng sự nghiệp tại vùng đất mới

Theo giới thiệu của Phó công an xã Sông Nhạn Trương Quang Khánh, chúng tôi đến thăm gia đình ông Võ Hồng Khanh (Bí thư Chi bộ ấp 2), là một trong những hộ sớm rời quê Quảng Trị vào vùng đất Sông Nhạn lập nghiệp. Vừa phụ vợ bán quán ăn cho bà con trong vùng vào buổi sáng sớm, ông Khanh vừa tranh thủ kể cho chúng tôi nghe về câu chuyện đi lập nghiệp của gia đình.

img

Bí thư Chi bộ ấp 2 Võ Hồng Khanh (bên phải) đến thăm gia đình nông dân sản xuất giỏi Hoàng Văn Đổi.

Sau giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, gia đình ông Khanh hồi hương từ Ðà Nẵng về Quảng Trị, nhưng cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Năm 1980, nghe thông tin Ðồng Nai có chương trình tuyển lao động tại khu vực miền Trung, miền Bắc vào làm công nhân cạo mủ cao su cho nông trường.

Cũng như bao gia đình khác, ông đưa vợ con vào vùng đất mới (chỗ ở hiện nay) tìm nơi lập nghiệp với hy vọng có cuộc sống tốt hơn. “Hồi đó, xe cộ đi lại không được thuận lợi như bây giờ. Chúng tôi phải đi tàu chợ, cứ đến mỗi tỉnh thì thường dừng lại nghỉ qua đêm, sáng hôm sau mua vé để đi tiếp. Cho nên chúng tôi phải mất 5 ngày đêm mới vào được vùng đất Cẩm Mỹ”, ông Khanh nhớ lại.

Ðến xứ người với bàn tay trắng, không có đất đai, nhà cửa, vợ chồng ông Khanh phải xin ở nhờ nhà người đồng hương để đi làm công nhân cho Nông trường cao su Ông Quế. Công việc hằng ngày của ông là khai hoang, trồng cao su, chăm sóc và khai thác mủ.

Ðầu năm 1981, gia đình ông được Nông trường cấp cho lô đất rộng 400m2 và dựng nhà tạm (tranh, tre, mây, lá) để ở. Ngoài làm công nhân, ông còn mượn đất nông trường để trồng xen canh bắp, đậu, bầu, bí… giữa các luồng cao su để kiếm thêm thu nhập.

Nhờ công việc ổn định, gia đình có điều kiện xây dựng nhà cửa khang trang và lo cho 4 người con ăn học đến đại học. Người nào học ra trường cũng có việc làm ổn định (hiện 2 người đang làm việc tại công an và văn phòng UBND xã Sông Nhạn; còn 2 người làm giáo viên và lĩnh vực y tế ở TP. Hồ Chí Minh).

Nhắc đến gia đình ông Hoàng Văn Ðổi (78 tuổi, ngụ tại ấp 2), người dân trong vùng đều biết, vì ông từng là nông dân sản xuất giỏi trong nhiều năm liền và tích cực tham gia các phong trào tại địa phương. Thời trai trẻ, ông có thể gánh những chuyến hàng nặng từ 140 - 150kg, đến năm hơn 70 tuổi ông vẫn giữ phong độ tốt và tự mình vác những bao nông sản nặng từ 70 - 80kg mà không cần người hỗ trợ. Nhờ có sức khỏe tốt, siêng năng và biết tính toán làm ăn hiệu quả đã giúp ông nhanh chóng vươn lên làm giàu.

Ông Ðổi chia sẻ, năm 1979, gia đình ông quyết định rời miền quê Gio Linh khó khăn (thuộc tỉnh Quảng Trị) vào vùng đất Sông Nhạn lập nghiệp. “Chân ướt, chân ráo” đến xứ lạ với bàn tay trắng, ông đã tự vạch cho mình hướng đi riêng để nỗ lực vươn lên. Ban đầu, ông vào làm công nhân nông trường (bên bộ phân xây dựng công trình). Tuy nhiên, làm được một thời gian, ông xin nghỉ vì cảm thấy công việc này không phù hợp, thu nhập lại thấp. Ông dùng số tiền dành dụm mua đất tích lũy để đầu tư làm nông nghiệp.

“Năm đó, tôi thu được 4,5 tấn tiêu; cứ 1 tạ tiêu bán được 3,3 cây vàng thì gia đình bỏ túi được trên 120 cây vàng. Những vụ tiếp theo, sản lượng tiêu tiếp tục tăng lên 5 - 6 tấn/năm và giúp cho gia đình bán có lời cao”, ông Ðổi kể.

Nhờ biết tính toán làm ăn đã giúp ông Ðổi có nhiều cơ hội để vươn lên. Cụ thể, những năm cà phê được giá, trong khi mọi người đổ xô đi mua rẫy trồng cà phê thì ông bán đất. Sau đó, cà phê rớt giá, người dân rao bán đất nhiều, ông lại mua đất với tổng diện tích 7 mẫu.

Ông Đổi cải tạo đất để trồng tiêu, nhiều người cho là “dở” vì tiêu lúc ấy rớt giá, làm ăn thua lỗ. Tuy nhiên, mặc cho thiên hạ nói, ông vẫn quyết tâm trồng 8.000 cọc tiêu. Ðến khi khu vườn cho thu hoạch thì đúng thời điểm tiêu tăng giá cao.

Ông Ðổi cũng trồng, thu mua cà phê; sau này, khi thấy cây cà phê không còn đem lại hiệu quả kinh tế cao, ông chuyển sang trồng sầu riêng và cho thu hoạch trung bình mỗi năm hàng chục tấn. Ngoài ra, 30 năm qua, ông còn đầu tư nhà máy xay gạo để tăng thêm thu nhập cho gia đình. “Có một thời gian người ta đồn gia đình tôi đào được hũ vàng nên mới giàu có. Nhưng thực chất, gia đình tôi được cơ ngơi như ngày hôm nay là chính mồ hôi công sức mình bỏ ra và nhờ biết tính toán làm ăn mới có”, ông Ðổi bộc bạch.

Tình người Quảng Trị…

Bí thư chi bộ ấp 2 Võ Hồng Khanh cho biết, hiện ấp 2 có 2.388 nhân khẩu; trong đó, người Quảng Trị chiếm đến 80%. Ða số người gốc Quảng Trị đi làm công nhân cho Nông trường cao su hay các công ty, xí nghiệp; phần còn lại làm dịch vụ kinh doanh thương mại và có khoảng 20% số hộ có đất đai đầu tư làm nông nghiệp. Người Quảng Trị có đức tính cần cù chịu khó, siêng làm nên nhiều gia đình nhanh chóng vươn lên làm giàu tại quê hương thứ 2.

img

Ông Võ Hồng Khanh phụ vợ bán quán ăn.

Ðiều đáng quý là người nào làm ăn hiệu quả thì sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm để những hộ khác làm theo để cùng vươn lên trong cuộc sống. “Nhiều năm nay, cộng đồng người Quảng Trị tại Sông Nhạn còn xây dựng quỹ để tạo điều kiện cho bà con khó khăn vay mượn làm ăn phát triển kinh tế. Nhờ quỹ này mà nhiều người đã thoát nghèo, ổn định cuộc sống”, ông Khanh cho hay.

Dù xa quê nhưng bà con vẫn giữ gìn một số truyền thống tốt đẹp ở quê và sống trọn vẹn nghĩa tình. Ông Khanh cho biết thêm, người Quảng Trị vào đây sinh sống và có thành lập đình làng ngay tại ấp 2 để gìn giữ tập tục ngoài quê. Chẳng hạn, vào ngày rằm tháng Giêng hằng năm, bà con tổ chức tế lễ Xuân thu để cầu an đầu năm; tế lễ Thu Ðông vào dịp rằm tháng 7; tổ chức tiệc tất niên cuối năm… Các hoạt động này nhằm tạo sự gắn kết tình đồng hương, có dịp để bà con gặp gỡ và thăm hỏi, động viên, giúp đỡ nhau cùng vươn lên trong cuộc sống.

Phó công an xã Sông Nhạn Trương Quang Khánh cho biết thêm, hiện trên địa bàn xã có khoảng trên 10.000 nhân khẩu; trong đó, người Quảng Trị chiếm khoảng 70% và sinh sống tập trung tại các ấp 2, 3 và 61. Thời gian qua, người dân gốc Quảng Trị đã tích cực tham gia giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương thông qua các phong trào, như: Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư, chương trình đền ơn đáp nghĩa… Bên cạnh đó, bà con còn có nhiều đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, đặc biệt là các chương trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao.

Mảnh đất tình người
Qua lời kể của Bí thư chi bộ ấp 2 Võ Hồng Khanh, trước đây, vùng đất này thuộc địa bàn xã Xuân Đường, sau đó tách ra thành ấp 6 của xã Xuân Quế và đến năm 1994 mới tách ra thành ấp 2 của xã sông Nhạn. Sau ngày giải phóng miền Nam, một số người con Quảng Trị đã rời làng quê vào Đồng Nai tìm nơi tạo dựng cơ nghiệp.
Thấy điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở Sông Nhạn có thể làm ăn vươn lên được, họ đã giới thiệu cho nhiều đồng hương khác cùng đến đây khai hoang hoặc mua đất lập nghiệp. Nhiều người Quảng Trị đến đây sinh sống rồi quý mến mảnh đất, con người nơi này nên không muốn đi nơi khác nữa. Do vậy, số hộ ngày càng đông hơn và “làng Quảng Trị” được hình thành đến nay khoảng 30 năm.

Thành Nhân (Báo Lao động Đồng Nai)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem