Làng quê tan nát vì khai thác titan

Thứ tư, ngày 09/11/2011 15:30 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Tỉnh Bình Định có trữ lượng trên 10 triệu tấn titan, phân bố tại các huyện Phù Mỹ, Phù Cát và Khu kinh tế Nhơn Hội... Tuy nhiên, việc khai thác titan tại đây để lại nhiều hậu quả cho môi trường và cuộc sống người dân, khiến làng quê xáo trộn.
Bình luận 0

Lắm nỗi lo

Đầu năm 2011, khi Công ty BIMAL (liên doanh giữa Công ty CP Khoáng sản Bình Định và các doanh nghiệp Malaysia) chấm dứt hoạt động khai thác titan do hết hạn cấp phép tại xã Cát Thành, Cát Khánh (huyện Phù Cát) và bàn giao mỏ cho địa phương quản lý thì nạn khai thác titan trái phép bùng phát. Mỗi ngày có tới 400 - 500 người đi đào bới titan. Riêng tháng 7, có cả nghìn người đi khai thác titan trái phép.

img
Người dân ồ ạt khai thác titan trái phép tại xã Mỹ Thành (huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định).

Ông Nguyễn Văn Thanh - Trưởng thôn Chánh Thiện, xã Cát Thành, cho biết: “Rừng phòng hộ bị phá trọc, mỗi khi có gió là cát bay khắp làng. Các doanh nghiệp khai thác titan không hoàn thổ, còn người dân địa phương đào bới khiến rừng dương bị bật gốc chết dần chết mòn”.

Theo ông Mai Văn Bé - Phó Chủ tịch UBND xã Cát Thành, trên địa bàn xã có 2 băng nhóm chuyên thu mua và bảo kê cho người dân khai thác titan trái phép. “Từ ngày có khai thác titan trái phép, tình hình an ninh trật tự tại địa phương rất phức tạp, chính quyền địa phương lắm phen khó khăn.

Thời gian đầu, một số đối tượng sử dụng xe cơ giới để vận chuyển titan, nhưng về sau thì dùng cả thuyền máy, sõng, thuyền thúng… để “tránh mặt” lực lượng chức năng. Những đối tượng này rất hung hãn, sẵn sàng chống lại người thi hành công vụ, tẩu tán tang vật để thoát thân” - ông Bé than thở.

Hơn 10 năm qua, huyện Phù Mỹ như một đại công trường khai thác titan. Theo Sở TNMT tỉnh Bình Định, có 20 dự án khai thác, thăm dò titan đã được cấp phép hoạt động tại huyện này. Xe chở titan băm nát mọi loại đường ở Phù Mỹ. Khai thác titan làm cát bay, ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm phóng xạ, sụt lún đất…

Không biết bao nhiêu lần, dân đã tập trung phản ứng việc khai thác titan. Ngoài ra, các đơn vị khai thác titan thực hiện việc hoàn thổ rất kém. Tháng 7.2011, Sở NNPTNT tỉnh Bình Định phát hiện trong 236ha đã khai thác titan chỉ có 114ha được hoàn thổ.

Thất thoát tài nguyên

Trên địa bàn tỉnh Bình Định hiện có đến 30 doanh nghiệp khai thác titan nhưng chỉ có 4 nhà máy chế biến sâu, 8 doanh nghiệp được Bộ Công Thương cấp phép xuất khẩu titan thô. Trong 9 tháng đầu năm, các doanh nghiệp này đã xuất 80.092 tấn titan thô, thu về 7,1 triệu USD.

Cũng trong thời gian này, một số doanh nghiệp tại Bình Định xuất 26.620 tấn quặng titan đã qua chế biến nhưng số tiền thu về là hơn 10,5 triệu USD.

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, từ năm 2007 - 2010, số lượng titan thô bị "chảy máu" qua đường mua bán lậu là trên 100.000 tấn.

Ông Nguyễn Văn Thắng - Phó Giám đốc Sở Công Thương Bình Định cho biết: "Nếu chú trọng việc chế biến sâu titan thì sẽ tạo ra việc làm cho người dân địa phương, tăng kim ngạch xuất khẩu… nhưng chẳng mấy doanh nghiệp chú trọng đầu tư nhà máy chế biến mà chỉ lo xuất khẩu titan thô để nhanh chóng thu lợi. Nếu cho phép các doanh nghiệp được xuất khẩu titan thô thì sẽ làm thất thoát tài nguyên quốc gia!".

Theo ông Hồ Quốc Dũng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, công tác quản lý trong tiêu thụ quặng titan thô trên địa bàn còn nhiều bất cập. Một số doanh nghiệp khi được cấp phép không đầu tư thiết bị tuyển tinh, chỉ đầu tư giai đoạn làm giàu quặng tại mỏ, hàm lượng TiO2 thấp và còn lẫn các loại quặng quý như zircon, rutile, monazite... rồi xuất bán thô với giá thấp. Một số đơn vị mua, vận chuyển bằng cả đường thủy, đường bộ, đường sắt rồi xuất lậu sang Trung Quốc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem