Làng quê tan nát vì titan

Thứ năm, ngày 20/12/2012 08:08 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Hàng chục ha rừng phòng hộ ở xã Quảng Lợi (Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế) bị tàn phá để đào bới titan khiến đời sống và sản xuất của hàng loạt hộ dân bị ảnh hưởng nặng nề.
Bình luận 0

Rừng bị tận diệt

Từ tháng 8.2011, Công ty TNHH nhà nước một thành viên Khoáng sản Thừa Thiên - Huế bắt đầu tiến hành khai thác titan ở các vùng rú cát của các thôn Cổ Tháp và Thủy Lập (xã Quảng Lợi). Doanh nghiệp này được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cấp phép khai thác titan trong thời gian 3 năm, với tổng diện tích 87ha. Tại các khu vực khai thác titan có khoảng 70ha rừng phòng hộ từ 3-12 năm tuổi.

img
Dây chuyền khai thác titan, phá rừng ở xã Quảng Lợi.

Có mặt tại các vùng rú cát thôn Cổ Tháp và Thủy Lập, chúng tôi chứng kiến những khu rừng phòng hộ rộng hàng chục ha đã bị đốn hạ không thương tiếc để đào bới titan. Những vùng cát mênh mông vốn có rừng che phủ nay đã bị cày xới tan hoang với hàng loạt những hầm hố sâu hoắm. Hàng chục máy hút cát, hút nước ngầm và xe tải điên cuồng gầm rú đào bới, vận chuyển titan.

Ông Lê Văn Hùng (thôn Cổ Tháp) cho biết, những diện tích rừng phòng hộ ở khu vực rú cát của thôn là bức bình phong bảo vệ làng mạc. Người dân tốn không biết bao nhiêu mồ hôi công sức mới trồng được những diện tích rừng này, nên khi thấy rừng bị phá, ai cũng đau xót. “Chúng tôi trồng rừng là để chống bão và nạn cát bay, cát nhảy, không hiểu sao họ lại nhẫn tâm phá rừng để lấy titan”- ông Hùng lo lắng.

Dân lãnh đủ

Theo nhiều người dân thôn Cổ Tháp, từ tháng 8.2011 đến nay, sau khi nhiều diện tích rừng phòng hộ bị phá, mỗi lần có gió là toàn thôn chìm trong bụi cát. Cát bám dày trên cây cối, tấp vào nhà dân và bồi lấp đất canh tác. Tình trạng này khiến đời sống của người dân bị đảo lộn hoàn toàn. Cùng với nạn cát bay, cát nhảy, mạch nước ngầm ở các khu vực này cũng bị hạ thấp gây nên tình trạng khô hạn nghiêm trọng.

Ông Trần Quý Quốc - một chủ trang trại vùng rú cát thôn Cổ Tháp cho biết, từ khi doanh nghiệp đào bới rú cát ở thôn để lấy titan, việc sản xuất trang trại của gia đình ông gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là bởi mạch nước ngầm trong khu vực bị hạ thấp khiến hồ cá và ruộng lúa của gia đình ông bị cạn nước. “Trước đây, vào mùa hè, trang trại của tui không bao giờ thiếu nước nhưng giờ giữa mùa đông mà cũng bị khô hạn”- ông Quốc bức xúc.

Theo nhiều người dân thôn Cổ Tháp, từ tháng 8.2011 đến nay, sau khi nhiều diện tích rừng phòng hộ ở đây bị tận diệt, vào các thời điểm nắng nóng, mỗi lần có gió là toàn thôn chìm trong bụi cát.

Hoạt động khai thác titan còn khiến môi trường ở các thôn này bị ô nhiễm bởi nước thải. Theo nhiều người dân thôn Cổ Tháp, mỗi lần nước thải của các xưởng tuyển titan tràn ra ngoài là cây cỏ chết khô. Hiện người dân đang lo lắng đến mất ăn mất ngủ trước nguy cơ nguồn nước thải độc hại này ngấm vào mạch nước ngầm gây nên bệnh tật nguy hiểm.

Ông Nguyễn Văn Cừ - Phó Giám đốc Công ty TNHH nhà nước một thành viên Khoáng sản Thừa Thiên - Huế cho biết, để khắc phục tình trạng cát bay, cát nhảy ở Quảng Lợi do việc phá rừng phòng hộ khai thác titan, công ty đã tiến hành phun sương vào mùa hè ở các khu vực khai thác. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân, hoạt động phun sương trên chỉ mang tính hình thức vì không ngăn được cát bay, cát nhảy. Về tình trạng mạch nước ngầm hạ thấp gây nên khô hạn ở Quảng Lợi, ông Cừ cho rằng không phải do việc công ty khai thác titan gây ra.

Người dân các thôn Cổ Tháp và Thủy Lập cho biết, dù rất bức xúc trước tình trạng tàn phá rừng phòng hộ để khai thác titan nhưng họ không dám lên tiếng. PV NTNN đã nhiều lần liên hệ với ông Hoàng Thảo - Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Lợi, để trao đổi về phản ánh này của người dân, nhưng ông Thảo thoái thác.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem