Lạng Sơn làm gì để chữa "căn bệnh kinh niên" ùn ứ tại cửa khẩu?
Lạng Sơn làm gì để chữa "căn bệnh kinh niên" ùn ứ tại cửa khẩu?
Gia Tưởng
Thứ sáu, ngày 07/04/2023 08:50 AM (GMT+7)
Lạng Sơn là tỉnh đắc địa nhất trong chuỗi hoạt động kinh tế của nước ta với nước bạn Trung Quốc, đặc biệt trong lĩnh vực xuất nhập khẩu nông sản. Nông dân, doanh nghiệp và rất nhiều tỉnh thành bạn đang trông chờ vào sự thay đổi trong hạ tầng phục vụ xuất nhập khẩu ở Lạng Sơn.
Hằng năm, vào mùa thu hoạch tháng 4, tháng 6, tháng 12, hàng loạt nông sản tươi sống được thu mua, xuất khẩu như thanh long, vải, nhãn, dưa hấu, mít, xoài… luôn gặp cảnh ùn ứ ở cửa khẩu Lạng Sơn trước khi thông quan sang Trung Quốc. Tình trạng ùn ứ nông sản tại cửa khẩu đã thành "căn bệnh kinh niên" ở cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn.
Và mỗi khi "căn bệnh" tái phát, các bộ ngành Trung ương và địa phương đều bàn và đưa ra giải pháp khắc phục. Nhiều giải pháp được áp dụng tức thời, nhưng bài toán khó này cần một lời giải bền vững từ nhiều ngành, nhiều khâu, từ sản xuất, chế biến, vận tải, cung ứng, lưu thông hàng hóa đến xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ và hiện đại ngay tại khu vực cửa khẩu.
Nhắc lại câu chuyện ùn ứ nông sản tháng 12/2021 tại cửa khẩu Lạng Sơn như một nỗi ám ảnh, ông Lê Văn Ánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhẩm tính: Thời gian ấy, mỗi xe chở hàng lên cửa khẩu có giá trị dao động từ 500 triệu đến 900 triệu đồng. Ngoài ra các doanh nghiệp phải trả chi phí thuê xe và tài xế khoảng 100 triệu đồng.
Theo con số mà PV Dân Việt nắm được, ngày 21/12/2021, có 4.598 xe chờ thông quan từ 20 đến 30 ngày. Khu kinh tế cửa khẩu Lạng Sơn khi đó giống như một "nút thắt": Bến bãi nhỏ hẹp, kho lạnh, kho chứa hàng rời, khu tái chế không có nên hầu hết hàng hóa nông, thủy sản bị suy giảm chất lượng nghiêm trọng, hàng hóa không thể quay đầu bán lại, phải đổ bỏ, tiêu hủy… Ước tính thiệt hại lên đến 2.000 - 3.000 tỷ đồng.
"Tổn thất mà doanh nghiệp và người nông dân phải gánh chịu là quá lớn", ông Ánh đánh giá và cho rằng, đối với các mặt hàng trái cây, rau quả, thủy sản rất cần phải có hệ thống kho bãi bảo quản khi xảy ra sự cố tại các cửa khẩu. Việc xây dựng cơ sở hạ tầng tại khu cửa khẩu Lạng Sơn chậm ngày nào thì tình trạng quá tải và ùn ứ cục bộ nông sản còn gây thiệt hại ngày đó.
Trong khi đó, trao đổi với Dân Việt, bà Nguyễn Thị Xuân, một thương gia có nhiều kinh nghiệm buôn bán trái cây xuất khẩu ở Tiền Giang cũng cho rằng, trái cây, nông sản là những sản phẩm cần được bảo quản về độ tươi nên rất cần phải đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng tốt để tập kết hàng, đảm bảo quá trình lưu thông an toàn.
"Dù có lợi thế "nhất cự ly, nhì thuế suất" nhưng nếu bị ùn tắc tại cửa khẩu thì doanh nghiệp dù có cố gắng đến mấy cũng không có lời", bà Xuân khẳng định.
Không ít chuyên gia cũng cho rằng, ngoài giải pháp về cơ sở hạ tầng, nhà quản lý còn rất nhiều việc phải làm, trong đó, vấn đề đầu tiên là phải sắp xếp lại kế hoạch phát triển và tiêu thụ hàng nông sản, bởi cách làm như hiện nay chưa đúng chuẩn nên mới dẫn đến những bất cập về đầu ra, về thị trường tiêu thụ như thời gian qua.
Để giải bài toán khó này phải cần cuộc chuyển đổi về chất. Nông dân cần phải thay đổi lối canh tác truyền thống, phải biết trồng cây trái vụ, thu hoạch rải vụ, tránh "đụng hàng". Khâu thương mại phải tăng tính chuyên nghiệp, mua bán theo hợp đồng, phải có kho bảo quản, tạm trữ, chế biến...
Phải xem hàng ngàn xe hàng hóa ùn tắc ở cửa khẩu là "căn bệnh kinh niên" cần được ngành nông nghiệp, công thương chữa trị dứt điểm. Thậm chí, phải đưa ra lộ trình để sớm chấm dứt điệp khúc "Ùn ứ nông sản cứ đến hẹn lại lên".
Mở đường đi
Theo chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy, một người nhiều năm theo dõi từng bước đi của nghành nông nghiệp Việt Nam, những năm gần đây, nhóm hàng nông lâm thủy sản ngày càng đóng vai trò quan trọng trong kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc, góp phần cải thiện, rút ngắn khoảng cách trong cán cân thương mại giữa hai nước.
Trung Quốc vẫn tiếp tục là thị trường xuất khẩu quan trọng của nông lâm thủy sản Việt Nam với lợi thế địa lý và thuế suất giảm cho hơn 8.000 mặt hàng nhập khẩu, trong đó, có nông sản, trái cây tươi, mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường này.
Ông Hoàng Trọng Thủy phân tích: Thực hiện Quyết định số 1055 của Chính phủ - Ngày 12/1/2022 UBND tỉnh Lạng Sơn đã phê duyệt quy hoạch dự án Khu trung chuyển hàng hóa thuộc Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn giai đoạn 2 với quy mô diện tích 88,82 ha, khoảng 4.500 lao động trong 11 khu chức năng, gồm: Dịch vụ logistics, nhà máy sản xuất nhỏ, bãi trung chuyển, lưu chứa container, khu logistics, kho lưu chứa hàng rời, ga hàng hóa, bãi đỗ xe, giao thông đối ngoại, cây xanh và hạ tầng kỹ thuật...
Với một hệ thống liên kết, liên thông đồng bộ - Khu trung chuyển hàng hóa được xây dựng và đi vào hoạt động sẽ tạo nên lợi ích đa chiều: Đối với doanh nghiệp, xe đưa hàng hóa lên cửa khẩu sẽ giảm thiểu tối đa tình trạng tranh giành bến đỗ, gây ách tắc, ứ dồn.
Các nhóm hàng hóa tươi sống hoặc đã qua chế biến được phân khu riêng biệt; thời gian chờ thông quan hoặc bất lợi về thời tiết hàng hóa sẽ được lưu giữ trong hệ thống kho bảo quản, kho lạnh, tránh được nguy cơ xuống cấp, sẽ không còn tình trạng hàng ngàn tấn trái cây phải xếp hàng chờ ngày thông quan, rồi bị ủng thối, bỏ đi như năm 2021.
Cũng theo chuyên gia Hoàng Trọng Thủy, nếu có Khu trung chuyển hàng hoá, các cơ quan quản lý nhà nước tại cửa khẩu sẽ thuận lợi hơn rất nhiều trong khâu kiểm soát hàng hóa xuất, nhập khẩu; kịp thời phát hiện, xử lý những vướng mắc tại chỗ như hàng rời, kiểm định, kiểm dịch động thực vật, chủ động xử lý những bất hòa giữa hai bên mua – bán.
Việc giải quyết thủ tục hành chính trong xuất nhập hàng hóa, thanh khoản theo hợp đồng… cũng được quy về một mối, theo quy trình "một cửa", giảm đi được thời gian, chi phí, đảm bảo sự công khai, minh bạch và hài hòa lợi ích của các bên tham gia.
"Điều quan trọng hơn cả là thúc đẩy và mở rộng giao thương hàng hóa nông sản giữa hai thị trường thông qua việc giúp thương nhân Trung Quốc trực tiếp sang Việt Nam tìm hiểu, trao đổi nhu cầu mua - bán và ngược lại, thương nhân Việt Nam sang Trung Quốc tìm hiểu, trao đổi thông tin thị trường, đàm phán, kết nối cung cầu, đặc biệt là nông sản Việt Nam có thế mạnh về chất lượng và sản lượng như rau, củ quả, hạt, tôm, cá tra… để mở rộng sản xuất nông lâm, ngư nghiệp, bán được nhiều hàng hơn vào thị trường đầy tiềm năng của Việt Nam từ trước đến nay", ông Thủy nhấn mạnh.
Như vậy, kỳ vọng về việc khơi thông dòng chảy cho nông sản đã được nhen lên, mở đường xuất khẩu chính ngạch của nhiều loại nông sản sang thị trường Trung Quốc trong một hoàn cảnh Việt Nam chưa có tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam thì việc xây dựng Khu trung chuyển hàng hóa đồng bộ, hiện đại tại cửa khẩu Lạng Sơn càng trở nên cấp thiết, vừa đáp ứng ngay yêu cầu tiêu thụ nông sản trước mắt, vừa là một "năng lượng" kích hoạt tái cơ cấu ngành nông nghiệp, gia tăng thu nhập cho nông dân và doanh nghiệp xuất khẩu nông sản.
Vì vậy, việc lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ nguồn lực kinh tế- tài chính, nguồn nhân lực chất lượng cao của các bộ ngành và Chính phủ đối với tỉnh Lạng Sơn cũng cần được ưu tiên, với những cơ chế chính sách giống như sân bay, cảng biển, đường cao tốc của quốc gia.
Bên cạnh việc đầu tư mở rộng hạ tầng cửa khẩu, việc xây dựng hệ thống trung tâm logistics như bến bãi, kho tàng, khu cung ứng vận tải đi liền với các công trình dịch vụ, kiểm soát, gia công tái chế, công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm… cần được lùi vào trong nội địa, kết nối với hệ thống đường giao thông; đường bộ cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn, Chi Lăng – Lạng Sơn, Hữu Nghị - Chi Lăng cần tách thành dự án độc lập.
Cũng theo chuyên gia Hoàng Trọng Thuỷ, để thuận lợi cho xây dựng đúng tiến độ, thời gian và giảm những chi phí phát sinh, việc thu hồi đất của địa phương và chủ hộ là đồng bào các dân tộc ở các xã Thụy Hùng, Phú Xá, địa bàn nằm trong quy hoạch cần được ưu tiên đi trước, được thực hiện đúng pháp luật, được tính đúng, tính đủ và chi trả kịp thời, tới tận tay chủ hộ gắn liền với việc bố trí đất ở, đất sản xuất, các công trình phúc lợi cộng đồng và điều kiện sinh hoạt phải đảm bảo ngang bằng hoặc cao hơn nơi ở cũ và "không để ai bị tụt lại phía sau".
Với những việc đó, Lạng Sơn cần nhận được sự hỗ trợ về nhiều mặt của Chính phủ, trong đó, nguồn lực về tài chính là quan trọng nhất.
Về những kiến nghị này, trao đổi với PV Dân Việt, ông Hồ Tiến Thiệu - Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, ngày 30/9/2021, UBND tỉnh Lạng Sơn đã có văn bản số 415/BC-UBND gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Xây dựng báo cáo về việc tháo gỡ một số khó khăn trong thực hiện điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn.
Sau đó, Chính phủ đã giao UBND tỉnh thực hiện việc điều chỉnh quy hoạch, UBND tỉnh lại giao cho Ban quản lý khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn triển khai việc này theo đúng yêu cầu và quy định. "Đến nay tỉnh đang phải chờ điều chỉnh quy hoạch chung", ông Thiệu cho biết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.