Lạng Sơn: Nuôi cá nheo Mỹ, kỹ thuật đơn giản mà lợi nhuận gấp 3-4 lần

Duy Hà-Thu Hằng Thứ bảy, ngày 14/08/2021 08:44 AM (GMT+7)
Những năm gần đây, một số hộ dân, HTX chăn nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã mạnh dạn đưa các giống cá đặc sản vào sản xuất, qua đó nâng cao giá trị kinh tế so với các loại cá truyền thống.
Bình luận 0

Tỉnh cũng triển khai xây dựng các mô hình nuôi cá giống mới, trong đó có mô hình nuôi cá nheo Mỹ trong lồng bè trên sông.

Chọn mô hình phù hợp với nông dân

Theo thông tin từ Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lạng Sơn, trong khoảng 5 năm trở lại đây, một số HTX, hộ dân đã mạnh dạn chăn nuôi các loài cá có giá trị kinh tế cao, điển hình như HTX Thủy sản Thác Xăng, HTX Thủy sản Lê Hồng Phong, một số hộ dân tại xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình… 

Các HTX, hộ dân tập trung nuôi các loài như: Cá bỗng, cá lăng, cá hồi, cá tầm... Tuy nhiên các loài cá này thường khó nuôi, đòi hỏi kỹ thuật cao và vốn lớn nên không phải ai cũng nuôi được.

Để giúp bà con có thêm lựa chọn vật nuôi phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình và trình độ kỹ thuật cũng như dễ nhân rộng, năm 2021, Trung tâm Khuyến nông Lạng Sơn đã triển khai thực hiện mô hình nuôi cá nheo Mỹ trong lồng bè trên sông, hồ chứa gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm. 

Mô hình được triển khai tại thôn Hạ, xã Yên Sơn, huyện Hữu Lũng, do Trung tâm Khuyến nông quốc gia hỗ trợ. 

Mô hình có quy mô 650m3 lồng bè do 2 hộ dân thực hiện trên vùng đập dâng ở thôn Hạ. Mật độ thả nuôi 10 con/m3 lồng nuôi. 

Các hộ tham gia được Nhà nước hỗ trợ 70% giá trị cá giống, thức ăn chăn nuôi và các loại thuốc phòng trị bệnh cho cá; phần còn lại do các hộ dân tự đối ứng.

Nuôi cá nheo Mỹ trong lồng bè ở Lạng Sơn: Lợi gấp 3 - 4 lần nuôi cá truyền thống - Ảnh 1.

Nông dân thả cá giống vào giai quản lý trước khi phân bố mật độ nuôi vào các lồng bè. Ảnh: Duy Hà

Hoạt động này nằm trong khuôn khổ dự án "Xây dựng mô hình nuôi cá nheo Mỹ trong lồng bè trên sông và hồ chứa gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm" do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia hỗ trợ thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2023.

Đầu tháng 8, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức cung ứng 6.500 con cá nheo giống, 4.800kg cám đậm đặc Top Feeds - 63 (cấp lần 1) và 50kg thuốc phòng trị bệnh cá gồm AMCOCIP, thuốc tím KMnO4 và vitamin C cho các hộ nông dân thực hiện mô hình.

Trước đó, các hộ thực hiện mô hình và các hộ chăn nuôi thủy sản tại địa phương đã được Trung tâm Khuyến nông tỉnh tập huấn trang bị kiến thức kỹ thuật nuôi cá nheo Mỹ trong lồng bè trên sông và hồ đập. 

Tham dự lớp tập huấn có 18 hộ nông dân và các hộ có nhu cầu nuôi cá lồng bè trên địa bàn xã Yên Sơn, huyện Hữu Lũng.

Tại lớp tập huấn, bà con được truyền đạt kiến thức và chia sẻ kinh nghiệm nội dung các kỹ thuật cơ bản, như: Lựa chọn vị trí đặt lồng, bè nuôi cá trên sông và hồ chứa; mật độ bố trí lồng, bè nuôi cá; kỹ thuật và một số vật liệu làm lồng, bè; lựa chọn cá giống và thả cá giống; chăm sóc, quản lý lồng, bè nuôi cá; phát hiện và phòng trị bệnh cho cá; cách tạo lập và ghi chép sổ nhật ký trong quá trình nuôi cá...

Ngoài những vấn đề kỹ thuật cơ bản nuôi cá lồng bè, lớp tập huấn còn bố trí thực hành nội dung phối trộn thức ăn chăn nuôi cá nhằm chủ động nguồn thức ăn tại chỗ, đồng thời tận dụng nguồn nông phẩm có sẵn trong nông hộ.

Lợi nhuận cao gấp 3-4 lần cá truyền thống

Theo tính toán, 1ha ao nuôi cá nheo Mỹ đạt trên 21 tấn còn cá rô phi chỉ đạt khoảng 5 tấn/ha. Bên cạnh đó, giá bán cá nheo Mỹ cao hơn. Hiện tại cá nheo Mỹ có giá khoảng 100.000 đồng/kg, còn cá rô chỉ 30.000 đồng/kg. 

Kỹ thuật nuôi cá nheo Mỹ đơn giản, không phức tạp như một số loài cá khác. Ðối với ao trước khi thả cá chỉ cần tháo cạn, dọn sạch rác, cỏ dưới đáy và bờ ao, vét bớt bùn lỏng đáy ao, chỉ để lại lớp bùn dày 0,2-0,3m; dùng vôi bột rải khắp đáy ao và bờ ao từ 7 - 10kg/100m2; phơi đáy ao 2 - 3 ngày.

Thực tế sản xuất cho thấy, cá nheo Mỹ dễ nuôi, ít bị nhiễm bệnh, tỷ lệ sống đạt từ 90% trở lên. Sau 14 tháng nuôi, cá nheo cho thu hoạch với trọng lượng trung bình 2,5kg/con, với giá thị trường như hiện nay, người nuôi có thu nhập khá, cao gấp 3-4 lần so với nuôi các giống cá truyền thống.

Cá nheo có thể ăn các loại thức ăn phụ phẩm từ các lò mổ gia súc, gia cầm, tôm, tép, cá tạp, ốc bươu vàng, giun…; nếu dùng thức ăn công nghiệp thì lượng đạm trên 35% và canxi là 0,45% mới đảm bảo cho cá phát triển bình thường.

Hiện nay, Lạng Sơn có diện tích mặt nước để chăn nuôi thủy sản là gần 1.300ha. Trong đó, rất nhiều nơi có điều kiện phù hợp để phát triển các loại cá đặc sản. Tuy nhiên, quy mô sản xuất của các mô hình này vẫn còn khá nhỏ lẻ. 

Do vậy, để có thể phát triển bền vững các loài cá đặc sản trên địa bàn, ngành nông nghiệp tỉnh cần tiếp tục quan tâm, hỗ trợ bà con trong việc phát triển các mô hình. 

Đồng thời, giúp bà con lựa chọn các giống cá phù hợp, có hiệu quả kinh tế cao, tăng cường tập huấn cho bà con kiến thức về phòng, chống dịch bệnh thường gặp đối với các loài cá trên… 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem