Lạng Sơn xuất hiện nhiều mô hình thu nhập trăm triệu/năm nhờ vốn nông thôn mới trợ lực
Lạng Sơn xuất hiện nhiều mô hình thu nhập trăm triệu/năm nhờ vốn nông thôn mới trợ lực
Mộc Trà
Thứ hai, ngày 17/08/2020 05:13 AM (GMT+7)
Từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất thuộc Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã xây dựng được hàng trăm mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả. Qua đó, góp phần vào việc nâng cao thu nhập cho người dân, thực hiện có hiệu quả tiêu chí thu nhập trong xây dựng NTM.
Những năm qua, từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất của chương trình xây dựng NTM, xã Tân Thành, huyện Hữu Lũng đã tập trung triển khai các mô hình trồng cây ăn quả, góp phần giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân. Tân Thành là xã có 1.807 hộ, với 7.795 nhân khẩu sinh sống ở 10 thôn bản, kinh tế của người dân chủ yếu dựa vào nông, lâm nghiệp.
Thực hiện Chương trình xây dựng NTM, năm 2011, hầu hết các tiêu chí thuộc nhóm kinh tế, tổ chức sản xuất, văn hóa xã hội đều chưa đạt theo Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM.
"Nguồn vốn hỗ trợ sản xuất xây dựng NTM đã giúp nhiều bà con có thêm động lực để phát triển kinh tế. Cơ bản các mô hình được triển khai thực hiện phù hợp với yêu cầu của thực tiễn, phát huy được thế mạnh từng vùng, từng bước giúp nhân dân xóa bỏ dần thói quen canh tác lạc hậu".
Ông Hoàng Đăng Dũng -
Phó Chánh Văn phòng Điều phối xây dựng NTM tỉnh Lạng Sơn
Ông Hoàng Văn Thạch - Chủ tịch UBND xã Tân Thành cho biết: “Xác định thực hiện tiêu chí hình thức tổ chức sản xuất là để góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, cấp ủy, chính quyền xã Tân Thành đã nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp như: tổ chức rà soát, lựa chọn địa điểm và nhu cầu, khả năng của các hộ tham gia thực hiện mô hình; tạo điều kiện vay vốn tín dụng; tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi diện tích đất kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị kinh tế…
Ngoài ra, xã còn tổ chức cho các hộ đi tham quan, học tập kinh nghiệm tại các mô hình ở các địa phương khác… Trong đó, tập trung thực hiện các mô hình để chuyển giao khoa học kỹ thuật, đưa giống mới vào sản xuất”.
Năm 2015, tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất của chương trình xây dựng NTM, UBND xã Tân Thành đã tuyên truyền, vận động các hộ tham gia thực hiện mô hình trồng cây ăn quả. Theo đó, với số vốn 350 triệu đồng, xã hỗ trợ 5 hộ dân ở thôn Gốc Gạo tham gia trồng được 5 ha cây cam Vinh, cam đường Canh, bưởi Diễn và táo đại. Các hộ được hỗ trợ về giống, phân bón, hướng dẫn quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc…
Sau thời gian triển khai mô hình, đến năm 2017 đã có 5ha diện tích cây ăn quả của xã cho thu hoạch, năng suất đạt 5 – 7 tấn/ha, đem lại thu nhập từ 200 đến 400 triệu đồng/ha.
Chị Vũ Thị Huyền cho biết: Từ năm 2015, khi được xã tuyên truyền tham gia mô hình trồng cây ăn quả, gia đình tôi đã chuyển đổi sang trồng 2 ha cây cam đường Canh và cam Vinh. Sau khi thực hiện, tôi thấy cây sinh trưởng, phát triển tốt, từ năm 2017 đến nay từ trồng cây ăn quả, gia đình tôi thu nhập trên 200 triệu đồng/năm. Gia đình tôi đã mở rộng diện tích trồng thêm 3 ha bưởi Diễn, bưởi da xanh, cam đường Canh…
Nâng cao thu nhập
Không chỉ đầu tư xây dựng phát triển các mô hình trồng cây ăn quả, chăn nuôi trâu bò… , nguồn vốn hỗ trợ sản xuất từ chương trình xây dựng NTM đã giúp nhiều hộ làm cao khô ở xã Vạn Linh, huyện Chi Lăng nâng cao giá trị sản phẩm.
Để hỗ trợ người dân nâng cao hiệu quả kinh tế, từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất của chương trình xây dựng NTM, năm 2017 xã Vạn Linh đã hỗ trợ xây dựng sân bê tông với diện tích 1.500 m2. Đồng thời, trên sân lắp đặt giàn phơi kiên cố, đẹp và đảm bảo vệ sinh.
Đồng thời hỗ trợ thiết kế bao bì, nhãn mác, quảng bá sản phẩm cho các hộ sản xuất. Việc hỗ trợ bao bì, nhãn mác không chỉ nâng tầm sản phẩm mà còn góp phần quan trọng vào việc giới thiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Hiện nay, cao khô của các hộ dân sản xuất ra bao nhiêu tiêu thụ hết đến đấy. Không chỉ trong tỉnh mà sản phẩm cao khô của xã đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước, thậm chí sang nước ngoài.
Trong giai đoạn 2010 – 2019, tổng nguồn vốn đầu tư hỗ trợ sản xuất từ chương trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh gần 204 tỷ đồng.
Trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ gần 117,5 tỷ đồng, người dân đối ứng hơn 86,5 tỷ đồng. Qua đó, toàn tỉnh đã xây dựng được 379 mô hình sản xuất tại 77 xã với tổng số 13.828 hộ tham gia. Hiện nay, có 329/379 mô hình còn duy trì và nhân rộng, đạt tỷ lệ 86,8%.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Hoàng Đăng Dũng, Phó Chánh Văn phòng Điều phối xây dựng NTM tỉnh cho biết: Nguồn vốn HTSX xây dựng NTM đã giúp nhiều bà con có thêm động lực để phát triển kinh tế. Cơ bản các mô hình được triển khai thực hiện phù hợp với yêu cầu của thực tiễn, phát huy được thế mạnh từng vùng, từng bước giúp nhân dân xóa bỏ dần thói quen canh tác lạc hậu.
Theo ông Dũng, các mô hình hiện đang duy trì và nhân rộng tập trung vào các sản phẩm như: rau, cây ăn quả, cây dược liệu, chăn nuôi lợn, bò... Nhờ nguồn vốn đã có mô hình phát triển sản xuất mới được hình thành đem lại thu nhập, mở hướng phát triển kinh tế cho nhiều hộ dân nông thôn, qua đó, góp phần nâng cao thu nhập, giảm nghèo trên địa bàn tỉnh.
“Đây là bài viết tuyên truyền về Truyền thông về xây dựng nông thôn mới năm 2020 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.