Làng tre Phú An sẽ tạo sức bật cho nông nghiệp sạch Bình Dương
Sức bật cho nông nghiệp sạch Bình Dương khi khai thác hiệu quả nguyên liệu từ Làng tre Phú An
Nguyên Vỹ
Thứ bảy, ngày 17/08/2024 09:00 AM (GMT+7)
Không chỉ là nơi sưu tầm, nghiên cứu và phát triển du lịch, Làng tre Phú An ở TP.Bến Cát còn có thể tạo sức bật cho nông nghiệp sạch Bình Dương khi nguồn nguyên liệu hữu dụng này được khai thác hiệu quả.
Làng tre Phú An, điểm lặng bình yên giữa các khu công nghiệp
Trong những năm tháng chiến tranh, làng quê xã Phú An (TP.Bến Cát) nằm trong vùng tam giác sắt, bị bom cày đạn cày xới. Ngày nay, Phú An vẫn còn giữ trong mình khung cảnh miền quê yên bình với những đồng lúa, vườn cây.
Là con dân của làng Phú An, TS. Diệp Thị Mỹ Hạnh, giảng viên trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQG-HCM) tiếp tục ý tưởng xây dựng quê hương mình từ vùng tam giác sắt thành "tam giác xanh". Năm 1999, Làng tre Phú An, khu bảo tồn tre lớn nhất Việt Nam ra đời từ ý tưởng này.
Trái ngược với không khí oi bức, ngột ngạt giữa đô thị và những nhà máy; khi bước chân vào Làng tre Phú An, mọi thứ bỗng dịu dàng và lắng đọng lại.
Làng tre Phú An là nơi tập trung hơn 1.500 bụi tre với hơn 300 mẫu tre, trúc, nứa thuộc 17 giống, chiếm gần 90% giống tre ở Việt Nam. Du khách đến đây có thể thấy sự đa dạng của các giống tre, được tìm hiểu cách thức trồng tre, xem và mua các sản phẩm được làm từ tre.
Nhiều năm qua, Làng tre Phú An không chỉ là một khu vực bảo tồn nguồn gen tre và thảm thực vật ven sông Sài Gòn, mà còn là một điểm đến lý tưởng cho những người yêu thiên nhiên.
Làng quê Phú An được bao bọc bởi hai dòng sông Thị Tính và Sài Gòn. Chị Mai Hạnh, du khách đến từ TP.HCM cho biết, không gian xanh của luỹ tre làng, với những cánh đồng lúa, cùng những những đặc sản ven sông như rau biền, rau móp, tạo nên nét đẹp độc đáo của Bình Dương nói chung, Phú An nói riêng.
Làng tre Phú An được thiết kế thoáng đãng, kết hợp giữa nét hiện đại và sự chân chất của miền quê xưa. "Không gian tươi mát, mộc mạc của giữa làng tre giúp mọi người rũ bỏ phiền lo từ náo nhiệt của phố thị", chị Mai nói.
Hiện nay, Làng tre Phú An đã trở thành điểm đến du lịch sinh thái, bảo tồn nguồn gen tre hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước. Lượng khách du lịch đến Làng tre Phú An đã tăng đáng kể, với lượng khách trung bình 5.000 người/năm.
Đến nay, Làng Tre Phú An đã xây dựng được 25 năm. TS. Hạnh cho biết, Làng Tre Phú An đang phát triển chương trình Con đường Tre để nhân rộng mô hình đến nhiều vùng sinh thái khác nhau.
Chương trình sẽ thử nghiệm trồng tre để làm "bức tường xanh" chắn gió, chống xói mòn đất cho các vùng khô hạn, và đặc biệt là góp phần vào nỗ lực giảm phát thải CO2.
Việt Nam hiện nay phát thải 600 triệu tấn CO2 mỗi năm. Mỗi ha tre hấp thu được bình quân 190 tấn CO2. "Dự án Con đường tre sẽ đóng góp tích cực vào việc giúp giảm phát thải tới 30% khí CO2 tại Việt Nam". TS. chia sẻ.
Nông nghiệp sạch từ Làng tre Phú An sẽ đóng góp nhiều hơn vào kinh tế
Ông Đặng Trung Kiệt - Phó Chủ tịch UBND xã Phú An (TP.Bến Cát) là người từng có nhiều năm đồng hành và góp sức hỗ trợ dự án Làng tre Phú An.
Ông Kiệt cho biết, nhờ sử dụng các sản phẩm từ tre của Làng tre Phú An mà nhiều doanh nghiệp trên địa bàn đã tiết kiệm được khoản lớn chi phí; ghi điểm đối với đối tác và khách hàng nhờ sản xuất được hệ thống bao bì thân thiện với môi trường từ vật liệu tre.
Địa phương đã có định hướng xây dựng tiêu chí, gắn kết doanh nghiệp với làng tre, vừa để vừa thực hiện bảo tồn vừa đạt hiệu quả về kinh tế, ông Kiệt cho biết.
Trên thế giới hiện có khoảng 1.200 loài tre, và hơn 200 loài tại Việt Nam. Đây là nguồn tài nguyên thiên nhiên quan trọng với những đặc điểm đa dạng di truyền, tính chất và giá trị sử dụng của chúng.
GS.TS. Nguyễn Phước Dân, Trường Đại Học Bách Khoa (ĐHQG-HCM) cho biết, việc bảo tồn nguồn gen, nghiên cứu những ứng dụng của tre không chỉ mang lại giá trị cho khoa học mà còn là những ứng dụng thiết thực, đem lại lợi ích kinh tế cho cộng đồng phát triển bền vững.
Nhằm giảm vấn nạn phá rừng và giảm áp lực sử dụng tài nguyên rừng tự nhiên để sản xuất than, ngày càng có nhiều yêu cầu trong việc sử dụng các nhiên liệu tái tạo và phát triển các công nghệ bền vững.
Tre có đặc tính sinh trưởng nhanh. Năng suất sinh khối của tre có thể đạt 100 tấn khô/năm/ha. Đây là một lựa chọn thay thế cho gỗ rừng tự nhiên hoặc gỗ rừng tái sinh.
Đặc tính vật lý của tre có độ bền kéo, độ co, tính đàn hồi. Vì thế tre được coi là vật liệu xây dựng bền vững và có thể tái tạo được.
Cây tre tạo ra thân mới mỗi năm. Thân cây trưởng thành được thu hoạch và chế biến trong các ngành công nghiệp gỗ và cả năng lượng tái tạo. Sử dụng tối đa tre trong các hoạt động sản xuất sẽ giảm thiểu chất thải nhựa.
Thời gian qua, tre đã được sử dụng trong nhiều lĩnh vực như xây dựng, thủ công mỹ nghệ, công nghiệp. Những nghiên cứu gần đây còn cho thấy, cây tre còn được sử dụng để xử lý nước thải. Nước thải sau xử lý bằng bãi lọc tre có thể được sử dụng như nước tưới tiêu.
Theo TS. Hạnh, sức bật của nền nông nghiệp sạch tại Bình Dương là nền sản xuất nông nghiệp không ô nhiễm, giảm thiểu tối đa chất thải. Và cây tre có thể đóng góp cho sức bật nông nghiệp sạch ngay tại Bình Dương.
Những công dụng này của tre sẽ được phát huy bằng công nghệ cao, giúp phát triển nguồn giống tre. Làng Tre Phú An có bộ sưu tập tre đa dạng. Ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô, từ nguồn giống sẵn có sẽ giúp sản xuất hàng triệu cây tre giống, để trồng cho Bình Dương.
Đồng thời Bình Dương cung cấp cho các tỉnh thàh, cùng trồng bảo vệ rừng đầu nguồn, phủ xanh đất trống đồi trọc, vừa tạo cảnh quan, vừa bảo vệ môi trường, vừa tạo công ăn việc làm cho người dân.
GS.TS. Nguyễn Phước Dân cũng cho biết, cây tre trong khả năng đa dạng và nhiều ứng dụng có thể góp phần quan trọng trong việc tạo môi trường sản xuất sạch của đất, nước và không khí, 3 yếu tố cơ bản của nông nghiệp sạch và chất lượng.
Bình Dương đã phát triển rất mạnh trong công nghiệp. Cây tre có thể tham gia vào sức bật của nông nghiệp của Bình Dương.
Việc khai thác hiệu quả các ứng dụng từ tre sẽ giúp Bình Dương trở thành mô hình cho các nơi đến học tập, vừa tạo được môi trường sống bền vững cho người dân.
"Đại Học Quốc Gia TP.HCM và Bình Dương sẽ tiếp tục hợp tác để phát triển mô hình bảo tồn và phát triển nông nghiệp sạch từ ngay Làng tre Phú An, mô hình độc đáo mà thế giới đang hướng tới", GS.TS. Nguyễn Phước Dân chia sẻ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.