Năm 2001 xuất hiện làng thanh niên lập nghiệp đầu tiên, mô hình cuộc sống mới tại xã Ma Cooih, huyện Đông Giang, Quảng Nam. Đây là một dự án có tính mô hình để phát triển kinh tế cho nông dân vùng núi miền Trung.
Làng nằm ngay bên đường Hồ Chí Minh, rộng tới 628ha, có đường, có điện, có nhà gạch, có nhà sinh hoạt cộng đồng theo kiểu nhà rông. Những cặp vợ chồng trẻ, đoàn viên từ các vùng được tổ chức về làng, cùng với các gia đình thanh niên bản xứ lập nghiệp mới. Một tương lai đầy hứa hẹn giữa chốn rừng xanh núi đỏ.
Năm 2007, dự án hoàn thành. Năm 2008, Tỉnh đoàn Quảng Nam bàn giao cho xã. Làng thuộc xã là đúng lệ, không thể có làng thuộc tỉnh mãi được. Nhưng khi hết dự án, các gia đình thanh niên lập nghiệp hết hỗ trợ ban đầu, bắt đầu thấy cuộc sống “chân không đến đất, cật chẳng đến giời”.
Năm 2008, làng có 102 hộ nay chỉ còn 45 hộ, trong đó 35 hộ là người Cơtu. Vì sao quá nửa dân làng bỏ đi? Đơn giản là sống không nổi? Cả làng có 2 hộ không thuộc diện nghèo, một chuyển từ làm nương rẫy sang chăn nuôi, một có xe tải chở cát sỏi. Những người dưới xuôi theo tiếng gọi của Đoàn lên lập nghiệp đã rút về xuôi mở quán, buôn bán vặt có thu nhập hơn làm cái nương, cái rẫy. Nhà cộng đồng mục nát, làng hoang vắng, vẫn có điện nhưng không có nước.
Đến nay chưa thấy ai tổng kết mô hình nhưng rõ ràng đây là kiểu làm “đánh trống bỏ dùi”, chỉ làm khổ nông dân. Vì sao người nông dân di cư tự do, khai hoang trồng trọt lại sống được, còn khá giả dần lên, còn một làng do Nhà nước đầu tư lại lụn bại?
Chuyện kể rằng, từ ngàn xưa có những làng do thiên tai, dịch họa phải xóa sổ, dân ly tán bốn phương. Còn chuyện ngày nay ở làng thanh niên lập nghiệp dưới chân dãy Trường Sơn, bên con đường Hồ Chí Minh tráng nhựa phẳng lì đang gần như tan rã là do đâu?
Chuyện kể rằng, đến thế kỷ 21 vẫn còn kiểu làm ăn duy ý chí như thuở nào...
Lý Lão Làng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.