Lãnh đạo Thành phố Hải Phòng chỉ đạo giải quyết vụ việc tại Công ty CP Cung ứng tàu biển Hải Phòng
Lãnh đạo Thành phố Hải Phòng chỉ đạo giải quyết vụ việc tại Công ty CP Cung ứng tàu biển Hải Phòng
Vũ Thị Hải
Thứ sáu, ngày 18/06/2021 08:03 AM (GMT+7)
Trong các ngày 5 và 6/6, Báo Dân Việt đăng loạt bài phản ánh kiến nghị của cổ đông và người lao động ở Công ty CP Cung ứng tàu biển Hải Phòng về việc doanh nghiệp của họ bị bà Đặng Thị Hồng Hải, người được bầu chủ tịch HĐQT trái pháp luật thao túng, hơn 10 năm không đại hội cổ đông, không chia cổ tức...
Văn bản chỉ đạo của TP. Hải Phòng hay chỉ chuyển đơn?
Ngày 14/6, UBND Thành phố Hải Phòng ban hành văn bản số 3840 về việc giải quyết kiến nghị liên quan đến Công ty CP Cung ứng tàu biển Hải Phòng. Theo đó, UBND thành phố Hải Phòng đã nhận được đơn kiến nghị và kêu cứu khẩn cấp của cổ đông và người lao động Công ty CP Cung ứng tàu biển Hải Phòng kiến nghị liên quan đến cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, mua bán chuyển nhượng cổ phần của Công ty.
Sau khi nhận đơn, UBND thành phố giao Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét, giải quyết kiến nghị của Công ty CP Cung ứng tàu biển Hải Phòng theo quy định; Giao Công an thành phố có phương án, biện pháp đảm bảo an ninh, trật tự, không để xảy ra khiếu kiện đông người, phức tạp; xử lý nghiêm những hành vi gây rối, mất trật tự liên quan đến vụ việc của Công ty CP Cung ứng tàu biển Hải Phòng theo quy định của pháp luật;
UBND thành phố giao Sở Kế hoạch và Đầu tư, Công an thành phố, Ủy ban nhân dân quận Ngô Quyền khi nhận được đơn liên quan đến Công ty CP Cung ứng tàu biển Hải Phòng, căn cứ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, giải quyết theo quy định;
Đặc biệt, tại văn bản nói trên, UBND TP.Hải Phòng giao Sở Tài chính chỉ đạo người đại diện phần vốn nhà nước tại Công ty CP Cung ứng tàu biển Hải Phòng nâng cao vai trò của cổ đông nhà nước, phối hợp chặt chẽ với HĐQT trong quá trình chỉ đạo điều hành hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, đảm bảo không để thất thoát vốn nhà nước; đồng thời yêu cầu HĐQT Công ty khẩn trương thực hiện các biện pháp để tiến hành họp Đại hội đồng cổ đông theo đúng quy định.
Một cổ đông của Công ty CP Cung ứng tàu biển Hải Phòng cho biết, khi nhận được văn bản nói trên, nhiều cổ đông và người lao động của Công ty đã rất phấn khởi, bởi sau nhiều năm đơn từ của họ gửi đến cơ quan chức năng đều rơi vào im lặng. Lần này, UBND Thành phố đã quan tâm xử lý rất nhanh, giao ngay nhiệm vụ cho các sở ngành có liên quan để giải quyết.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, văn bản chỉ đạo của UBND thành phố còn chung chung, chưa cụ thể từng vấn đề người lao động kiến nghị, chưa giao thời hạn cho các đơn vị phải xử lý và báo cáo kết quả về UBND thành phố là bao nhiêu ngày. "Về hình thức thì là văn bản chỉ đạo nhưng nội dung không khác gì chuyển đơn, theo kiểu "đá bóng", trên chuyển xuống dưới, không có nhiệm vụ cụ thể đơn vị nào giải quyết việc gì, thời hạn giải quyết bao lâu…"- Ông Nguyễn Đức Thạnh- một cổ đông của công ty nói.
Vị cổ đông này còn cho rằng, việc UBND thành phố giao Sở Tài chính chỉ đạo người đại diện phần vốn nhà nước tại Công ty phối hợp với HĐQT trong quá trình chỉ đạo điều hành hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp là chưa chuẩn. Bởi, hiện nay Công ty CP Cung ứng tàu biển Hải Phòng không tồn tại Hội đồng quản trị hợp pháp.
"Từ sau bản án ngày 15/9/2011 tuyên hủy các quyết định của Đại hội đồng cổ đông ngày 15/7/2010, Công ty CP Cung ứng tàu biển Hải Phòng không còn tồn tại HĐQT. Do đó, theo ông Nguyễn Đức Thanh, việc người đại diện phần vốn nhà nước cần làm tại Công ty CP Cung ứng tàu biển Hải Phòng bây giờ là liên hệ với cổ đông để tổ chức đại hội. Mà muốn tổ chức đại hội thì phải phế truất những người vi phạm pháp luật, tiến hành kiểm toán và tước bỏ tư cách cổ đông- nhà đầu tư chiến lược của Công ty CP Daso Hải Phòng mà bà Đặng Thị Hồng Hải làm đại diện trước đã. Có như vậy Công ty chúng tôi mới trở lại hoạt động bình thường được. Nếu không thì sẽ vẫn chỉ đánh bùn sang ao, không giải quyết được việc gì. Tài sản của nhà nước, của các cổ đông vẫn bị sử dụng để cho thuê, thu lời bất chính".- vị cổ đông này nói.
Cũng theo ông Nguyễn Đức Thạnh, những người vi phạm pháp luật ở Công ty CP Cung ứng tàu biển Hải Phòng là những người đã có hành vi sử dụng con dấu giả trong vụ án đã bị cơ quan công an khởi tố và kể cả những người sử dụng số tiền hơn 14 tỷ đồng trong các tài khoản của công ty, sử dụng tài sản của công ty để cho thuê trong những năm qua. Bởi số tiền 14 tỷ và tiền thu được từ việc cho thuê tài sản được sử dụng vào việc gì, có đúng mục đích hay không... nhiều năm qua các cổ đông không hề biết. "Muốn xác định người đó là ai, vi phạm như thế nào, thì cần sự vào cuộc có trách nhiệm của cơ quan điều tra."- ông Thạnh khảng khái nói.
Đồng quan điểm với ông Nguyễn Đức Thanh, nhiều cổ đông của Công ty CP Cung ứng tàu biển Hải Phòng bày tỏ sự băn khoăn khi tại văn bản nói trên. UBND TP.Hải Phòng không đề cập đến việc giao Công an thành phố phục hồi điều tra vụ án làm và sử dụng con dấu giả của Công ty CP Cung ứng tàu biển Hải Phòng và cũng không chỉ đạo cơ quan chức năng xem xét lại việc bán số cổ phần ngân quỹ tương ứng 23,14% vốn điều lệ của công ty cho Công ty CP Daso Hải Phòng với giá ưu đãi mà không phải tham gia đấu giá. UBND TP cũng không giao nhiệm vụ cụ thể đối với Sở Kế hoạch và Đầu tư HP chỉ đạo Phòng Đăng ký kinh doanh xem xét, thu hồi lại Giấy chứng nhận đăng ký thay đổi người đại diện theo pháp luật cho công ty CP Cung ứng tàu biển Hải Phòng lần thứ 2 trái pháp luật.
"Đây là những vấn đề mấu chốt khiến cổ đông và người lao động trong công ty chúng tôi bức xúc nhiều năm qua. Tôi cho rằng, có thể có một thế lực ngầm, nhóm lợi ích đứng sau bà Đặng Thị Hồng Hải- đại diện Công ty CP Daso Hải Phòng để bà có thể được mua 23,14% vốn điều lệ của công ty CPCƯTBHP với giá ưu đãi, không qua đấu giá và dung túng cho bà Hải lũng đoạn doanh nghiệp này và một số doanh nghiệp khác trên địa bàn thành phố nhiều năm qua- đơn cử như ở Công ty CP Công nghệ phẩm Hải Phòng mà không bị xử lý.", một vị cổ đông nói.
Bởi lẽ, những điều kiện để trở thành nhà đầu tư chiến lược được mua 23,14% cổ phần ưu đãi không qua đấu giá là phải thu xếp 140 tỷ đồng vốn xây dựng Trung tâm thương mại tại 30 Trần Phú và đặt cọc số tiền 7 tỷ đồng. Tuy nhiên, ngay sau khi mua được cổ phần, bà Đặng Thị Hồng Hải đã rút hết tiền đặt cọc, cũng không thu xếp được 140 tỷ đồng vốn như cam kết. Mặc dù cổ đông công ty kiến nghị nhiều lần, báo chí đã lên tiếng, Công an thành phố đã có kết quả xác minh và kết luận Công ty CP Daso Hải Phòng vi phạm cam kết trong việc mua 23,14% cổ phần ưu đãi nói trên nhưng UBND thành phố lại không xem xét hủy bỏ tư cách nhà đầu tư chiến lược, thu hồi lại số cổ phần ưu đãi đã bán cho công ty CP Daso Hải Phòng gây bức xúc trong cổ đông của công ty nhiều năm qua.
"Khi bà Hải rút hết tiền đặt cọc và không thu xếp được khoản vốn 140 tỷ đồng để xây trung tâm thương mại đồng nghĩa với việc Công ty CP Daso HP không còn là nhà đầu tư chiến lược, nhưng lại không bị xem xét, xử lý, không bị hủy việc mua bán cổ phần ưu đãi. Chúng tôi đã có đơn, kiến nghị nhiều lần, báo chí cũng đã phản ánh nhưng không thấy UBND thành phố, người đại diện cổ phần của nhà nước tại doanh nghiệp đả động đến vấn đề này. Đấy là điều rất khó hiểu."- Vị cổ đông bức xúc.
Cần phục hồi điều tra vụ án sử dụng con dấu giả
Trao đổi với Dân Việt, luật sư Phạm Hồng Sơn- Văn phòng Luật sư Phạm Sơn (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho rằng, việc Công ty CP Daso Hải Phòng không thực hiện cam kết thu xếp 140 tỷ đồng tiền vốn để xây dựng Trung tâm thương mại, đồng thời lại rút hết số tiền 7 tỷ đồng đặt cọc thực hiện nghĩa vụ trên đồng nghĩa với việc bội tín, không đủ tư cách là nhà đầu tư chiến lược để được mua số cổ phần ưu đãi. Đáng lẽ ra, cơ quan chức năng của Hải Phòng cần phải hủy bỏ tư cách nhà đầu tư chiến lược và hủy bỏ hợp đồng mua bán 23,14% số cổ phần ưu đãi nói trên, tổ chức bán đấu giá lại số cổ phần đó theo đúng qui định của pháp luật để tránh gây thiệt hại cho các cổ đông, trong đó có cổ đông nhà nước là cổ đông lớn nhất.
Cũng theo luật sư Phạm Hồng Sơn, việc sử dụng con dấu (không phải là dấu thật do ông Ngô Văn Thẳng- lúc đó là Giám đốc- người đại diện theo pháp luật của Công ty CPCƯTBHP cung cấp) như trong quyết định khởi tố vụ án hình sự số 11/QĐKTVA-PC46 ngày 12/6/2012 của cơ quan điều tra Công an TP.Hải Phòng đóng trên các chữ ký của bà Đặng Thị Hồng Hải đã có dấu hiệu của tội phạm sử dụng dấu giả của tổ chức theo điều 341 Bộ luật hình sự 2015, được sửa đổi bởi Khoản 126 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017.
Cụ thể điều luật trên qui định như sau: "Điều 341. Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức:
1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 2 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 5 năm: a) Có tổ chức; b) Phạm tội 2 lần trở lên; c) Làm từ 2 đến 5 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác; d) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng; đ) Thu lợi bất chính từ 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng; e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm: a) Làm 6 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên; b) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; c) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.".
Luật sư Phạm Hồng Sơn cho rằng, việc con dấu giả được đóng trên chữ ký của bà Đặng Thị Hồng Hải theo Kết luận giám định của Phòng khoa học hình sự CATP Hải Phòng trong bộ tờ khai Hải quan điện tử số 5 ngày 3/11/2011, Công văn gửi Cục thuế TP Hải Phòng số 113/CV-CUTB ngày 10/10/2011 là dấu hiệu rất rõ ràng của tội phạm sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức như điều luật trên đã qui định.
"Cơ quan Điều tra Công an Thành phố Hải Phòng đã khởi tố vụ án là hoàn toàn đúng qui định của pháp luật, tiếc rằng, cơ quan này đã không khởi tố được bị can nên vụ án đã bị chìm xuồng. Nhưng để pháp luật được nghiêm minh, tránh bỏ lọt tội phạm, tránh tạo nên bức xúc trong dư luận xã hội, Giám đốc Công an Hải Phòng cần chỉ đạo phục hồi điều tra và làm rõ vụ án nói trên."- Luật sư Phạm Hồng Sơn nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.