Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đối thoại trực tiếp với gần 200 hội viên, nông dân
Bùi My - Thành An
Thứ sáu, ngày 28/07/2023 17:42 PM (GMT+7)
Đối thoại với lãnh đạo tỉnh, các hội viên, nông dân trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã thẳng thắn bày tỏ những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ, đồng thời đưa ra những kiến nghị
Ngày 28/7, tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội nghị lãnh đạo tỉnh đối thoại với nông dân năm 2023, nhằm lắng nghe, trao đổi những ý kiến, tâm tư, nguyện vọng về tình hình sản xuất nông nghiệp, nông thôn và nông dân của tỉnh.
Tại hội nghị đã có gần 60 câu hỏi, ý kiến được tổng hợp gửi về lãnh đạo tỉnh. Các câu hỏi, kiến nghị xoay quanh những khó khăn, vướng mắc của nông dân, doanh nghiệp, HTX trong phát triển nông nghiệp hiệu quả bền vững theo hướng sinh thái, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm nông nghiệp.
Bên cạnh đó, các câu hỏi còn liên quan đến thực trạng đất đai phục vụ hoạt động của HTX nông nghiệp; chính sách về ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong sản xuất và chế biến, tiêu thụ nông sản; chính sách về tín dụng; vấn đề về môi trường, an sinh xã hội tại khu vực nông thôn.
Ngoài ra, tại hội nghị, các kiến nghị của hội viên nông dân, doanh nghiệp, HTX; lãnh đạo Hộ Nông dân các cấp liên quan đến phong trào thi đua của Hội và cơ chế, chỉnh sách để đẩy mạnh hoạt động của hội.
Ông Lê Xuân Liêm (xã Bình Khê, TX.Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh) đặt vấn đề, hiện nay các hộ dân muốn thành lập HTX sản xuất nông nghiệp theo Luật Hợp tác xã năm 2012. Đề nghị cấp trên cho biết cụ thể khi thành lập HTX nông nghiệp thì được ưu tiên miễn giảm những nội dung gì? Các quy định liên quan đến việc miễn giảm khi HTX đi vào hoạt động để người dân nắm được chi tiết.
Trả lời vấn đề này, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Mạnh Cường cho biết, theo Điều 24 của Nghị định 193/2013/NĐ-CP, các HTX thành lập mới được hỗ trợ: Chính sách đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; chính sách xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới; chính sách tiếp cận vốn và quỹ hỗ trợ phát triển HTX; chính sách tạo điều kiện tham gia các chương trình mục tiêu, chương trình phát triển kinh tế - xã hội; chính sách thành lập mới HTX, liên hiệp HTX.
Ngoài việc được hưởng chính sách hỗ trợ, ưu đãi quy định tại Điều 24 Nghị định này, các HTX, liên hiệp HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp… còn được hưởng: Chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; chính sách giao đất, cho thuê đất để phục vụ hoạt động của HTX, liên hiệp HTX; chính sách ưu đãi về tín dụng; chính sách hỗ trợ vốn, giống khi gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh; chính sách hỗ trợ chế biến sản phẩm.
Trong đó, về hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng gồm: Trụ sở, sân phơi, nhà kho, xưởng sơ chế, chế biến, điện, nước sinh hoạt, chợ, công trình thủy lợi, cơ sở hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản, cửa hàng vật tư nông nghiệp, giao thông nội đồng phục vụ sản xuất, kinh doanh cho cộng đồng thành viên HTX, liên hiệp HTX trên cơ sở các dự án được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Các công trình kết cấu hạ tầng được nhà nước hỗ trợ xây dựng theo quy định tại Điểm a Khoản này, sau khi hoàn thành là tài sản không chia của HTX, liên hiệp HTX; các HTX, liên hiệp HTX chịu trách nhiệm bảo quản, duy tu và bảo dưỡng các công trình trong quá trình sử dụng.
Liên quan đến vấn đề này, ông Vũ Công Lực - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Quảng Ninh cho biết, theo Quyết định 899/2017/QĐ-UBND, HTX thành lập mới sẽ được hỗ trợ 25 triệu đồng sau 6 tháng hoạt động có hiệu quả. Theo ông Lực, nên hỗ trợ HTX ngay khi vừa thành lập, để họ có nguồn vốn đầu tư cho cơ sở vật chất ngay từ ban đầu. Nếu chờ đến khi HTX hoạt động có hiệu quả, họ sẽ không còn mặn mà với số tiền hỗ trợ nữa. Do đó, đề nghị tỉnh nghiên cứu, điều chỉnh để hỗ trợ các HTX mới thành lập, để họ có động lực phát triển ngay từ ban đầu.
Tại hội nghị, ông Đồng Quang Cường (xã Cẩm La, TX.Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) kiến nghị, TX.Quảng Yên cần có 2 cơ sở giết mổ tập trung để đảm bảo nhu cầu thực phẩm an toàn hiện nay. Nếu không bố trí được, đề nghị lãnh đạo tỉnh quan tâm mỗi xã, phường có 1 khu giết mổ tập trung khoảng 300m2 để làm cơ sở sơ chế, giết mổ an toàn phục vụ cho các khu công nghiệp, siêu thị, bếp ăn trên địa bàn thị xã, đảm bảo nguồn thực phẩm an toàn cho công nhân, học sinh và nhân dân. Qua đó cũng góp phần tăng giá thành sản phẩm cho các hộ nông dân, giúp cho các hộ nông dân phát triển kinh tế...
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Vũ Văn Diện cho biết, các ý kiến, câu hỏi trao đổi rất thẳng thắn giữa nông dân với lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các cấp, ngành. Những vấn đề các đại biểu nêu đã phản ánh một phần tình hình nông nghiệp, nông thôn, nông dân của tỉnh hiện nay, đặc biệt là những khó khăn, vướng mắc của nông dân trong quá trình sản xuất nông nghiệp, kinh doanh hàng hóa nông sản cũng như công tác Hội và phong trào nông dân của tỉnh trong thời gian qua.
Trên cơ sở các nội dung đã trao đổi, đối thoại tại hội nghị hôm nay, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đề nghị các sở ban ngành của tỉnh, lãnh đạo các địa phương tiếp thu đầy đủ ý kiến đại biểu nông dân nêu ra tại Hội nghị ngày hôm nay, đặc biệt là những khó khăn, vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn; về đất đai, quy hoạch; về tài chính, vốn tín dụng; về thị trường, logistics; về khoa học công nghệ, chuyển đối số; về việc làm, an sinh xã hội; về công tác Hội và phong trào nông dân…
Để có các bước triển khai cụ thể, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đề nghị Văn phòng UBND tỉnh cùng Sở NNPTNT tiếp tục phối hợp cùng Thường trực Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh rà soát, cập nhật, bổ sung, phân công các ngành, thành viên, đơn vị liên quan để triển khai và trả lời các nội dung mà đại biểu đã quan tâm.
Trước hết, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT rà soát lại các cơ chế chính sách của tỉnh liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn để tiếp tục tham mưu đề xuất sửa đổi những bất cập, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện cũng như tham mưu đề xuất những cơ chế, chính sách mới phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
Ông Diện cũng đề nghị Sở Công Thương nghiên cứu tham mưu chính sách để đẩy mạnh việc kết nối tiêu thụ nông sản, nhất là đối với các doanh nghiệp nội tỉnh, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn; kiểm soát tốt thị trường, nhất là thuốc bảo vệ thực vật, vật tư nông nghiệp…
Đề nghị Sở TNMT tiếp tục phối hợp với Sở Nông nghiệp PTNT và các ngành liên quan hướng dẫn nông dân tiếp cận hiệu quả việc sử dụng đất đai trong sản xuất nông nghiệp, việc xây dựng nhà xưởng, cơ sở sản xuất kinh doanh.
Đối với Sở Khoa học và Công nghệ và các sở, ngành liên quan, đề nghị tăng cường thúc đẩy việc giúp nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp; đẩy mạnh chuyển đổi số trong sản xuất, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.